Những tên cướp mang gương mặt trẻ thơ

Thứ bảy, 30/09/2017 14:50

Vụ cướp tài sản mà 3 bị cáo tuổi vị thành niên gây ra được TAND TP Đà Lạt (Lâm Đồng) đưa ra xét xử chiều 25-9 đã để lại nhiều bài học đau lòng cho các bậc làm cha làm mẹ. Các bị cáo bị đưa ra xét xử trong vụ án này là Lê Văn Quý (1997, quê xã Hạ Sơn, H. Quỳ Hợp, Nghệ An, tạm trú H. Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên), Đinh Y Quyền (2001, trú khu Đồng Anh 1) và Võ Tấn Tài (2002, trú khu Chi Lưng 1, cùng TT Nam Ban, H. Lâm Hà, Lâm Đồng).

3 bị cáo trước vành móng ngựa.

Nhân thân của các bị cáo được công bố tại tòa cho thấy, cả ba đều bỏ học từ rất sớm. Tháng 12-2013, Quý bị TAND H. Quỳ Hợp xử phạt 30 tháng tù về tội “Cố ý gây thương tích”. 2 bị cáo Quyền và Tài không có cha. Mẹ bị cáo Tài sau khi theo chồng về TPHCM giao Tài cho bà ngoại chăm sóc và không có bất cứ sự quan tâm nào đến con. Suốt 6 tháng Tài bị tạm giam, người mẹ này không những không một lần thăm nuôi mà còn nói với bà ngoại của Tài rằng “mặc kệ nó, cho nó biết thế nào là tù tội”. Trước giờ xét xử, tôi có cơ hội trò chuyện cùng 3 bị cáo và nhận thấy nét hồn nhiên vẫn hiện rõ trên 3 gương mặt. Các bị cáo không ý thức được việc mình gây ra là nghiêm trọng và sẽ phải nhận bản án nghiêm khắc, vẫn cười nói hồn nhiên.

Theo cáo trạng, sau khi mãn hạn tù tại tỉnh Nghệ An, do không có nghề nghiệp, Quý vào TP Đà Lạt sống lang thang làm thuê kiếm tiền. Quyền và Tài sau thời gian sống với mẹ và bà ngoại cũng bỏ lên Đà Lạt sống lang thang. Sáng 21-12-2016, Quý đi bộ ra Công viên Ánh Sáng (P. 1, TP Đà Lạt) thì gặp Quyền, Tài và Nguyễn Gia Đông (2003, trú P. 2, TP Đà Lạt) đang ngồi chơi trong chòi nghỉ dưới chân gần cầu Cảnh trong công viên nên chủ động đến làm quen, sau đó cả nhóm giải tán. 11 giờ cùng ngày, Quý ra Công viên Ánh Sáng và gặp lại Quyền, Tài và Đông đang ở đây. Vì không có tiền nên cả nhóm bàn nhau sẽ đi trộm hoặc cướp tài sản. Sau khi thống nhất, Quý và Quyền đi bộ vào chợ Đà Lạt mua 2 con dao bấm, Tài có sẵn con dao nhọn trong người vì trước đó lấy tại nhà Đông. Đến 12 giờ cùng ngày, thấy bà Nguyễn Thị Vân (1969, trú 32B-Lê Lai, P. 5, TP Đà Lạt) đi xe máy BKS 49B-45.003 đến dựng tại chân cầu Cảnh, chúng bàn nhau: “Làm bà này không?” - Quý hỏi. Quyền nói theo: “Làm bà này đi, nhìn bà này cũng có tiền”. Quý lại quay sang hỏi Tài: “Chơi không?”. Tài hiểu là Quý rủ cướp tài sản nên trả lời: “Sao cũng được”.

Thống nhất, Quý, Quyền mỗi người cầm 1 con dao bấm, Tài cầm con dao nhọn đi lại gần chỗ bà Vân đang đứng. Quyền nói: “Cô ơi cho cháu xin ít tiền!”. Thấy 3 con dao nhọn hoắt đang chĩa vào mình, bà Vân hốt hoảng: “Cô không có, để cô đi mượn”. Nói rồi bà Vân nhớm bước bỏ chạy lên cầu Cảnh nhưng bị Quý chặn lại, gí dao vào ngực. Quyền đứng dưới chân cầu yêu cầu bà Vân mở túi xách, thấy bên trong có chiếc ĐTDĐ Samsung J7 thì Quý lấy, sau đó đưa cho Quyền giữ. Chưa dừng lại, nhóm cướp còn buộc bà Vân phải đưa chìa khóa xe máy. Tài điều khiển xe chở cả bọn tẩu thoát. Đến đập cầu ông Đạo, Quý, Quyền xuống xe chạy bộ lên khu Hòa Bình (trung tâm TP Đà Lạt). Đến tiệm điện thoại trên đường Nguyễn Văn Trỗi, chúng bán chiếc điện thoại được 2,5 triệu đồng, sau đó Quý và Tài mua 2 bộ quần áo mới rồi cả ba chạy xe máy vừa cướp được về TT Nam Ban. Số tiền bán chiếc điện thoại được chúng dùng chơi game và tiêu xài hết. Ngày 23-12, khi Quý, Quyền và Tài đang ngồi trong căn nhà hoang gần Trường Tiểu học Nam Ban 2 thì bị CATT Nam Ban đến kiểm tra. Cả nhóm bỏ chạy, để lại chiếc xe máy cướp được của bà Vân. Sau đó Quý về lại Nghệ An rồi ra tỉnh Hưng Yên làm thuê. Tiến hành điều tra, ngày 25-3-2017, CATP Đà Lạt đã bắt được Quý. Từ lời khai của Quý, ngày 27-3, Quyền và Tài cũng bị bắt giữ.

Trước giờ xét xử, các bị cáo hồn nhiên, vô tư bao nhiêu thì vào phiên tòa, mỗi khi được gọi lên trước vành móng ngựa để trả lời các câu hỏi của HĐXX, cả 3 bị cáo lại sợ sệt bấy nhiêu. Các bị cáo đều tỏ thái độ ăn năn, hối cải, muốn được khoan hồng. Tuy nhiên, căn cứ vào mức độ phạm tội của từng bị cáo, HĐXX đã tuyên phạt các bản án nghiêm khắc: Quý 8 năm tù giam, Quyền và Tài mỗi người 4 năm tù giam.

Các bị cáo buộc phải chấp hành hình phạt là các bản án tù giam và ngày về sớm hay muộn tùy thuộc vào ý thức cũng như thái độ cải tạo của chính họ. Tuy nhiên, các bậc làm cha làm mẹ của các bị cáo này sẽ rất đau lòng, bởi họ đã gián tiếp đẩy con mình vào vòng tù tội khi thiếu sự quan tâm, dưỡng dục ngay từ nhỏ. Bài học này thiết nghĩ sẽ bổ ích với bất cứ ai.

ĐỨC HUY