Nhượng quyền thương mại- điều kiện cần và đủ

Thứ hai, 05/04/2021 12:00

Nhượng quyền thương mại (NQTM) là hoạt động thương mại, theo đó, bên nhượng quyền cho phép và yêu cầu bên nhận quyền tự mình tiến hành việc mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ theo các điều kiện nhất định. Do đó, điều kiện cần của NQTM là bên nhượng quyền phải có “quyền thương mại” để “nhượng”, đó là điều hiển nhiên và chắc hẳn ai cũng biết. Nhưng để hoạt động NQTM được diễn ra suôn sẻ và đúng pháp luật thì phải đáp ứng những điều kiện nào và chú ý những vấn đề gì thì không phải ai cũng nắm rõ. Các nội dung này sẽ được làm rõ cụ thể dưới đây.

Thứ nhất, về điều kiện hoạt động NQTM: Hệ thống kinh doanh dự định dùng để nhượng quyền phải hoạt động được ít nhất 1 năm. Điều kiện về thời gian hoạt động tối thiểu được áp dụng đối với hệ thống nhượng quyền chứ không phải đối với thương nhân. Do đó, 1 năm là thời gian được tính từ ngày cấp giấy chứng nhận địa điểm kinh doanh (hoặc giấy chứng nhận khác tuỳ theo pháp luật của nước mà bên nhượng quyền áp dụng) của cửa hàng đầu tiên thuộc hệ thống kinh doanh của bên nhượng quyền, đồng thời cửa hàng và hệ thống kinh doanh đó phải thực sự triển khai hoạt động kinh doanh trên thực tế. Đối với trường hợp nhượng quyền từ nước ngoài vào Việt Nam, thương nhân (nước ngoài) cần đăng ký hoạt động nhượng quyền tại Bộ Công Thương. Bên nhượng quyền trước khi nhượng quyền phải đăng ký bổ sung ngành nghề kinh doanh “nhượng quyền thương mại”. Khi tiến hành nhượng quyền mà không có đủ các điều kiện trên thì nguyên tắc sẽ không được cấp phép. Trường hợp không đủ các điều kiện nhưng các bên vẫn ký kết hợp đồng nhượng quyền và tiến hành việc nhượng quyền thì bên nhượng quyền sẽ bị xử phạt hành chính – phạt tiền lên đến 20.000.000 đồng đối với tổ chức/mỗi điều kiện bị vi phạm, bị buộc phải nộp lại số lợi bất hợp pháp và nếu vi phạm điều kiện thứ 3 bên nhượng quyền còn bị tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh tối đa đến 3 tháng (Theo quy định tại điểm b khoản 4 Điều 4; khoản 2, khoản 6 Điều 6; khoản 3, khoản 6 Điều 75 Nghị định 98/2020/NĐ-CP – quy định xử phạt vi phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng).

Thứ hai, về các vấn đề cần lưu ý khi hoạt động NQTM: Ngoài các điều kiện trên, để hoạt động nhượng quyền được diễn ra suôn sẻ, không gặp phải các vướng mắc, bên nhượng quyền cần chú ý: đăng ký bảo hộ các nhãn hiệu và các đối tượng khác tạo nên bản sắc của hệ thống. Việc đăng ký bảo hộ các đối tượng sở hữu công nghiệp mà đặc biệt là nhãn hiệu gắn với hàng hoá, dịch vụ không phải là điều bắt buộc, nhưng đó là yếu tố tạo nên bản sắc và giá trị kinh tế của mô hình nhượng quyền. Nếu các yếu tố này không được bảo hộ bởi pháp luật hoặc được bảo vệ thì hệ thống nhượng quyền rất dễ bị sao chép mà bên nhượng quyền không thể can thiệp được. Trường hợp tệ hơn, nhãn hiệu gắn với hệ thống nhượng quyền còn có thể bị ăn cắp nếu kẻ xấu lợi dụng đăng ký nhãn hiệu (hoặc các đối tượng sở hữu công nghiệp khác) trước. Chuẩn bị các nội dung về hợp đồng nhượng quyền, bộ quy chuẩn của hệ thống nhượng quyền để sẵn sàng cho việc đăng ký/báo cáo với các cơ quan chức năng và giao kết với bên nhận nhượng quyền.

Chuyên mục này có sự cộng tác về chuyên môn của Chi nhánh Công ty Luật TNHH Phạm và Liên danh tại TP Đà Nẵng (Đường dây nóng hỗ trợ tư vấn: 0236.3572456, 0903573138)