Nỗ lực phổ cập giáo dục mầm non
(Cadn.com.vn) - Trong thời gian qua, Quảng Ngãi luôn dành ưu tiên đầu tư cho phát triển giáo dục. Tập trung huy động nhiều nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trường lớp ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số được địa phương quan tâm hàng đầu. Đến nay, công tác phổ cập giáo dục mầm non (PCGDMN) cho trẻ 5 tuổi đạt được những kết quả vững chắc.
Huy động mọi nguồn lực
Có mặt tại Trường Mầm non Hương Cau (H. miền núi Sơn Tây) - một trong những trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia từ năm 2013, điều khiến chúng tôi ấn tượng nhất là dù thuộc xã khó khăn, chủ yếu đồng bào dân tộc Ca Dong, H’rê sinh sống nhưng đã làm tốt công tác xã hội hóa, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để xây dựng cơ sở vật chất. Không riêng trường Hương Cau, hầu hết các trường mẫu giáo trên địa bàn Sơn Tây đã và đang được đầu tư xây dựng theo hướng kiên cố hóa. Trong 2 năm 2014 và 2015, Sơn Tây đã hoàn thành đưa vào sử dụng 19 phòng và hiện đang tiếp tục xây dựng 12 phòng học. Cơ bản đến nay, những lớp học tạm bợ được thay bằng phòng học vững chắc, sạch đẹp, hướng tới môi trường giáo dục thân thiện, an toàn cho trẻ.
Cũng giống công tác thực hiện PCGDMN 5 tuổi tại Sơn Tây, khi bắt tay thực hiện Đề án PCGDMN cho trẻ em 5 tuổi tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2012 – 2015, các trường mầm non trên địa bàn các huyện Ba Tơ, Tây Trà, Trà Bồng, Minh Long, Sơn Hà, Lý Sơn... gặp rất nhiều khó khăn. Vì vậy, Ban chỉ đạo PCGDMN của các huyện đã đưa nhiệm vụ PCGDMN cho trẻ 5 tuổi vào Nghị quyết của cấp ủy Đảng, chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương nhằm huy động mọi lực lượng và nguồn lực để thực hiện. Qua đó, đã tạo sự đồng thuận, hưởng ứng, tham gia tích cực của các bậc cha mẹ trẻ và toàn xã hội. Với sự vào cuộc của các cơ quan, ban ngành, sau 5 năm triển khai, công tác PCGDMN cho trẻ 5 tuổi các trường mầm non có bước bứt phá không chỉ về cơ sở vật chất mà chất lượng chăm sóc, nuôi dạy trẻ cũng được nâng cao.
Theo bà Phạm Thị Thanh Hà – Trưởng phòng GDMN Sở GD-ĐT Quảng Ngãi, trong giai đoạn 2013-2015, với hàng loạt phòng, lớp học được đầu tư xây dựng theo hướng kiên cố hóa tại địa bàn vùng dân tộc thiểu số, miền núi đã tạo cho giáo dục Quảng Ngãi có một diện mạo mới. Nhờ vậy, địa phương đã tập trung nâng cao điều kiện, chất lượng chăm sóc, giáo dục toàn diện cho trẻ mầm non, nhất là trẻ 5 tuổi. Một thuận lợi nữa trong việc thực hiện PCGDMN 5 tuổi của tỉnh Quảng Ngãi là hiện nay đã chuyển đổi 100% trường mầm non bán công sang công lập, giáo viên mầm non bán công đã được tuyển dụng vào biên chế. Trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên không ngừng được nâng lên. Giáo viên dạy lớp mẫu giáo 5 tuổi đạt trình độ đào tạo chuẩn 100%, tỷ lệ đạt trên chuẩn được nâng lên gần 75%.
Điều kiện chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non Quảng Ngãi ngày càng được đầu tư xây dựng theo hướng đạt chuẩn. |
Tạo dựng những tiền đề vững chắc
Bà Phạm Thị Thanh Hà cho hay: Từ năm 2011 đến tháng 5-2016, đã có 711 phòng học được đầu tư xây dựng hoàn thiện đưa vào sử dụng. Trong đó, số phòng học đã xây dựng bố trí cho mầm non 5 tuổi là 445 phòng. Từ các nguồn xã hội hóa, Quảng Ngãi đã xây dựng được 98 phòng học cho trẻ mầm non 5 tuổi. Như vậy, bằng nguồn ngân sách huyện và xã hội hóa đã đầu tư xây dựng 521 phòng học, 153 phòng chức năng, 62 nhà bếp, 80 công trình vệ sinh độc lập cho trẻ, làm tường rào, cổng ngõ, sân chơi cho 17 trường. Hiện nay, từ nguồn ngân sách, tỉnh Quảng Ngãi tiếp tục hỗ trợ đầu tư xây dựng 308 phòng học còn thiếu của mẫu giáo 5 tuổi.
Theo ông Đoàn Dụng – Giám đốc Sở GD-ĐT Quảng Ngãi, khi triển khai thực hiện đề án PCGDMN 5 tuổi, tỉnh gặp phải rất nhiều khó khăn. Cụ thể như phải tập trung nguồn lực để khắc phục hậu quả thiên tai, bão lũ gây thiệt hại nghiêm trọng trong thời gian qua. Theo đó, sau khi chuyển đổi từ mầm non bán công sang công lập, hiện trạng về diện tích đất, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học... còn nhiều thiếu thốn, chắp vá, không đạt chuẩn, chưa đáp ứng được yêu cầu theo điều lệ trường mầm non. Nhiều điểm trường chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất gây khó khăn trong đầu tư, xây dựng. Cá biệt, một số trường miền núi không có quỹ đất để xây dựng. Các nguồn lực tài chính đầu tư thực hiện Đề án của Trung ương chưa được phân bổ đúng, đủ theo lộ trình đề án nên cơ sở vật chất chưa được đầu tư xây dựng kịp thời, chưa đáp ứng yêu cầu tiếp nhận và nuôi dạy trẻ.
“Từ sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, tháng 9-2015, UBND tỉnh Quảng Ngãi ra quyết định công nhận 14/14 huyện đạt chuẩn PCGDMN 5 tuổi. Mặc dù vậy, hiện nay, bài toán đặt ra cho ngành GD-ĐT Quảng Ngãi là phải duy trì, giữ vững chuẩn PCGDMN cho trẻ 5 tuổi, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Để thực hiện điều đó, Quảng Ngãi đang tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị và đội ngũ giáo viên nhằm nâng cao chất lượng các tiêu chuẩn PCGDMN cho trẻ em 5 tuổi trong những năm tiếp theo”, ông Đoàn Dụng cho biết.
Khải Minh