Nỗi niềm làng di sản quốc gia

Thứ hai, 16/01/2017 09:37

(Cadn.com.vn) - Hàng loạt nhà rường cổ có tuổi đời hàng trăm năm tuổi nằm trong Đề án cần được bảo tồn ở làng Phước Tích thuộc xã Phong Hòa (H.Phong Điền, TT-Huế) dần rệu rã, xuống cấp nghiêm trọng kể từ khi ngôi làng này được công nhận là làng di sản quốc gia.

Phước Tích là làng di sản thứ 2 ở Việt Nam được Bộ VH-TT & DL công nhận vào năm 2009 sau làng cổ Đường Lâm (Hà Nội). Làng Phước Tích được đánh giá là ngôi làng độc đáo, hội đủ những lợi thế về quần thể nhà rường cổ, hệ thống di tích, đình, chùa, miếu, nhà thờ, cây di sản, di tích văn hóa Chămpa... Làng cổ Phước Tích là điểm khám phá văn hóa làng quê Việt hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Đặc biệt, du khách khi đến đây không thể bỏ qua tham quan hàng chục ngôi nhà rường cổ có kiến trúc nghệ thuật độc đáo với hàng trăm năm tuổi. Thế nhưng, hiện, rất nhiều ngôi nhà rường cổ ở Phước Tích nằm trong Đề án bảo tồn nhà rường cổ của tỉnh TT-Huế rệu rã, xuống cấp nghiêm trọng và có nguy cơ đổ sập bất cứ lúc nào. Điều đáng nói, có nhiều ngôi nhà rường cổ đành "đóng cửa" không đón khách đến tham quan vì xuống cấp.

Phần mái hiên nhà ông Đoàn Tào bị hỏng mục.

Đưa chúng tôi thăm ngôi nhà rường cổ 3 gian 2 chái có tuổi đời gần 300 năm, người cháu của bà Lê Thị Ngọc Thí- chủ nhân của căn nhà cho biết, ngôi nhà được xây dựng trên khuôn viên hơn 1.700 m2, đến nay đã trải qua 5 thế hệ sinh sống. Ngôi nhà được kết cấu theo kiểu 3 gian 2 chái, được chạm trổ rất tinh xảo. "Trải qua thời gian dài, hệ thống đòn tay và rui ở mái trước nhà bị hư hại nặng. Nhiều đòn tay đã rơi xuống, chỉ còn lại rui và ngói trông rất nguy hiểm. Phần ngói liệt cũng đã bị trụt ở mái trước và hai bên hông của ngôi nhà gây ra hiện tượng thấm nước, chúng tôi luôn sống trong cảnh phập phồng lo sợ"- bà Thí nói. Được biết, hơn năm nay, du khách không thể vào tham quan nhà vì rất nguy hiểm. Tương tự, nhà rường cổ của ông Lê Trọng Phú có tuổi đời gần 200 năm được nhiều kiến trúc sư đánh giá là đẹp nhất so với hệ thống nhà rường cổ ở làng di sản Phước Tích. Bởi, giá trị đặc biệt của nhà rường này là các chi tiết điêu khắc, chạm trổ nhiều về số lượng và tính nghệ thuật cao cộng với đắp nổi khảm xà cừ. Tuy nhiên, hiện mái sau bị trụt ngói; một số đòn tay và rui bị mối xâm hại.

Phần chái của ngôi nhà rường cổ gần 200 năm tuổi này đã xuống cấp.

Chung số phận với những ngôi nhà rường cổ xếp loại I xuống cấp nghiêm trọng là nhà rường cổ của ông Đoàn Tào. Hiện, ông này đã qua đời và căn nhà giao lại cho con cháu quản lý. Tuy nhiên, nhiều tháng nay ngôi nhà rường cổ độc đáo này cũng không dám đón khách tham quan vì một số cột kèo ở phần mái bị mục ruỗng. "Căn nhà nằm trong Đề án bảo tồn nhà rường cổ của tỉnh. Vì vậy, gia đình không thể tự ý xây dựng, sửa chữa mà muốn trùng tu phải theo quy cách của nhà nước quy định. Vì vậy, gia đình rất mong muốn được các ngành tạo điều kiện hỗ trợ để cùng với gia đình trùng tu, bảo tồn ngôi nhà"- người trông coi ngôi nhà bày tỏ. Ông Hoàng Tấn Minh, thành viên Ban quản lý Làng cổ Phước Tích cho biết, hiện làng còn lại 37 ngôi nhà rường cổ từ 100-300 năm tuổi, trong đó 24 ngôi là nhà dân ở, còn lại là nhà thờ các họ tộc. Hệ thống nhà cổ nơi đây đang trong tình trạng xuống cấp hàng loạt, trong đó nhiều nhà bị hư hại từ 70 đến hơn 80%, có nguy cơ đổ sập bất cứ lúc nào. "Từ khi làng được công nhận di tích quốc gia đến nay mới chỉ có số ít nhà cổ được đầu tư trùng tu, còn lại đều trong cảnh mỏi mòn chờ đợi"- ông Minh kể. Ông Nguyễn Văn Bình- Phó Chủ tịch UBND H. Phong Điền cho biết, theo kế hoạch, vào năm 2017 sẽ có 3 nhà cổ ở Phước Tích được đầu tư trùng tu theo đề án của tỉnh, chiếm số ít trong số những nhà cổ xuống cấp ở làng. Theo ông Bình, việc bảo tồn các nhà cổ ở Phước Tích cần phải có sự hỗ trợ của các cấp các ngành do huyện không có kinh phí. "Việc đầu tư hạ tầng du lịch ở làng cũng đang gặp khó khăn về nguồn vốn. Giúp người dân sống được bằng du lịch di sản là cách để bảo vệ di sản hiệu quả. Nhưng việc này nằm ngoài khả năng của huyện nên phải trông chờ vào sự quan tâm của cấp trên"- ông Bình nói.

Một nhà rường cổ ở làng di sản Phước Tích xuống cấp nghiêm trọng
và được chủ nhà dùng tôn che chắn, trông rất tạm bợ.

Ông Nguyễn Hồng Thắng- Giám đốc BQL Di tích kiến trúc nghệ thuật làng cổ Phước Tích cho rằng: Phước Tích nằm trong chuỗi du lịch khám phá làng di sản độc đáo của Việt Nam. Làng Phước Tích thật sự là một kho báu không chỉ về du lịch mà còn về văn hóa Việt Nam nói chung và Huế nói riêng. Thế nhưng lượng khách hàng tháng đến Phước Tích chỉ đạt bình quân khoảng gần 150 người, trong đó lượng khách lưu trú chỉ chiếm khoảng 1/10. Do vậy việc bảo tồn những di sản vật thể và phi vật thể ở làng Phước Tích là yếu tố cấp bách.

H.Lan