Nỗi sợ “làn sóng Covid-19 thứ hai”

Thứ sáu, 08/05/2020 15:00

Trung Quốc tuyên bố độ rủi ro Covid-19 hiện đang ở mức thấp trong khi New Zealand đã mở cửa biên giới với Australia hôm 6-5 và tiếp tục có bước nới lỏng hơn nữa vào ngày 7-5 ngay cả khi các chuyên gia y tế bày tỏ nỗi sợ hãi rằng, làn sóng tử vong và nhiễm bệnh lần hai có thể buộc các chính phủ phải kiềm chế hơn nữa.

Người dân đeo khẩu trang khi ngồi chơi tại một công viên công cộng ở Bắc Kinh, Trung Quốc hôm 7-5. Ảnh: AP

Dò dẫm tìm đường mở cửa

Chính quyền ở nhiều quốc gia đang vạch ra kế hoạch làm thế nào để đối phó với sự bùng phát dịch bệnh ngay cả khi họ đang chậm rãi mở lại các doanh nghiệp và tiếp tục các hoạt động khác. Các quan chức y tế công cộng ở Mỹ cho biết rất lo lắng khi khoảng một nửa số bang dễ dàng nới lỏng hạn chế, với dữ liệu điện thoại di động cho thấy mọi người đang trở nên bồn chồn và rời khỏi nhà ngày càng nhiều.

Nhiều tiểu bang đã không tổ chức các cuộc xét nghiệm quy mô lớn như khuyến cáo của các chuyên gia để phát hiện và ngăn chặn các ca nhiễm mới. Và nhiều thống đốc đã thúc đẩy việc mở cửa trở lại trước khi các bang đạt được một trong những tiêu chuẩn chính theo hướng dẫn từ chính quyền của Tổng thống Donald Trump. Josh Michaud, Phó Giám đốc chính sách y tế toàn cầu của tổ chức Kaiser Family tại Washington cho biết, “Nếu chúng ta nới lỏng các biện pháp này mà không có biện pháp bảo vệ sức khỏe cộng đồng thích hợp, sẽ có nhiều ca nhiễm và tử vong hơn nữa”. Theo AP ngày 7-5, các ca nhiễm mới được xác nhận mỗi ngày ở Mỹ vượt quá 20.000 và tử vong mỗi ngày đang ở mức hơn 2.000. Các ca nhiễm vẫn đang gia tăng đều đặn ở những nơi như Iowa và Missouri và đã dao động ở Georgia, Tennessee và Texas. Các nhà nghiên cứu gần đây đã nâng gấp đôi dự báo về số ca tử vong ở Mỹ lên khoảng 134.000 đến đầu tháng 8.

Trong khi đó, Cơ quan quản lý y tế quốc gia Trung Quốc báo cáo chỉ có 2 ca nhiễm mới, và cả hai đều từ nước ngoài, và cho biết cả nước hiện không có ca tử vong mới từ Covid-19 trong hơn 3 tuần. Nơi cuối cùng hạ cấp từ nguy cơ cao xuống thấp ở Trung Quốc là một quận nằm sát biên giới Nga, quốc gia đang bị virus hoành hành. Giãn cách xã hội nghiêm ngặt dường như cũng đã khắc phục được sự bùng phát dịch bệnh ở quốc đảo xa xôi New Zealand, nơi Thủ tướng Jacinda Ardern vạch ra kế hoạch cho các quy tắc nới lỏng hơn nữa, với quyết định có lẽ sẽ đến vào tuần tới.

New Zealand dự kiến vẫn đóng cửa biên giới, hạn chế các cuộc tụ họp từ 100 người trở lên và tổ chức các sự kiện thể thao chuyên nghiệp mà không có khán giả. Khẩu trang và các biện pháp phòng ngừa khác sẽ được yêu cầu khi các nhà hàng và trường học mở cửa trở lại, Thủ tướng Ardern cho biết. Nhưng nhà lãnh đạo này cũng kêu gọi cảnh giác. “Chúng tôi nghĩ về việc khi mình đi được nửa đường xuống Everest. Và tôi nghĩ hẳn không ai muốn tăng trở lại ở đỉnh đó”, bà nhấn mạnh. Ở những nơi khác trên thế giới, chính quyền Đức bắt đầu vạch ra kế hoạch đối phó với bất kỳ sự bùng phát nào và các chuyên gia ở Italia đã nỗ lực tăng tốc tìm kiếm các ca nhiễm mới và truy tìm dấu vết dịch tễ. Pháp, nơi vẫn chưa giảm bớt tình trạng phong tỏa, đã thực hiện “kế hoạch tái cấu trúc” trong trường hợp có làn sóng nhiễm mới.

Dịch Covid-19 tàn phá nước Mỹ nặng nề hơn “chiến tranh và khủng bố”

Tổng thống Donald Trump ngày 6-5 (giờ Mỹ) nhận định, đại dịch Covid-19 tàn phá nước này nặng nề hơn nhiều so với trận chiến ở Trân Châu Cảng thời Thế chiến II hay các vụ tấn công khủng bố ngày 11-9-2001.

Theo số liệu thống kê của Đại học Johns Hopkins tính đến sáng 7-5 (theo giờ Việt Nam), Mỹ phát hiện thêm 2.073 ca tử vong trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca tử vong ở nước này lên 73.095 người. Tổng số ca mắc Covid-19 ở Mỹ đang là 1.227.430 người. Tại New York, Thống đốc Andrew Cuomo cho biết trong 24 giờ qua, New York ghi nhận thêm 232 ca tử vong do Covid-19, con số khá thấp so với thời điểm đỉnh dịch, và mức này đã được duy trì trong 3 ngày vừa qua. Kết quả cuộc khảo sát công bố cùng ngày cho thấy, hầu hết trường hợp tử vong ở bang New York là người thất nghiệp hoặc đã nghỉ hưu, và chỉ có 17% số ca tử vong là những người đang có việc làm.

WHO bất ngờ đòi điều tra nguồn gốc SARS-CoV-2

Trong lúc nhiều nước trên thế giới đang yêu cầu điều tra về nguồn gốc SARS-CoV-2 và bị Trung Quốc kịch liệt phản đối, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng bất ngờ thay đổi lập trường, quay sang ủng hộ việc điều tra này.

Tờ Creaders dẫn lời chuyên gia dịch tễ học hàng đầu của WHO, bà Maria Van Kerkhove 5 cho biết, WHO đang bàn bạc với Trung Quốc về việc cử một nhóm nghiên cứu tới Vũ Hán để điều tra nguồn gốc dịch bệnh tại đây. Tuy nhiên, ông Trần Húc, Đại sứ Trung Quốc tại Trụ sở LHQ tại Geneva, Thụy Sĩ, đã từ chối và nhấn mạnh: “Trung Quốc sẽ không mời các chuyên gia quốc tế điều tra nguồn gốc của virus trước khi giành được thắng lợi cuối cùng trong cuộc chiến chống dịch”.

WHO cảnh báo

Trong bối cảnh ngày càng nhiều quốc gia cân nhắc nới lỏng lệnh phong tỏa, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus khuyến cáo, các biện pháp giải tỏa cần được thực hiện hết sức thận trọng vì có nguy cơ bùng phát dịch bệnh và phải “tái phong tỏa toàn cầu”.

 “Nguy cơ tái phong tỏa vẫn hiện hữu nếu các quốc gia không giám sát quá trình nới lỏng này một cách hết sức thận trọng và thực hiện theo từng giai đoạn”, ông Tedros nhấn mạnh khi phát biểu tại một cuộc họp báo trực tuyến từ Geneva, Thụy Sĩ. Ông Tedros nhắc lại 6 tiêu chí mà WHO khuyến nghị các nước cần cân nhắc, bao gồm giám sát triệt để; cách ly; xét nghiệm và điều trị mọi trường hợp; theo dõi dịch tễ; thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng dịch tại nơi làm việc và trường học; người dân hoàn toàn hợp tác trong điều kiện “bình thường mới” sau phong tỏa.

Theo thống kê của Đại học Johns Hopkins, virus mới đã lây nhiễm hơn 3,6 triệu người và giết chết hơn 1 triệu người. Vì vậy Tổng giám đốc WHO nhấn mạnh: “Đây không chỉ là những con số, mà mỗi trường hợp là một người mẹ, người cha, con trai, con gái, người anh, người chị hay người bạn”. Cũng tại cuộc họp báo, chuyên gia dịch tễ học Maria Van Kerkhove của WHO cảnh báo: “Nếu các biện pháp phong tỏa được dỡ bỏ quá nhanh, virus có thể tăng tốc trở lại”.

KHẢ ANH