Ở xứ sở Kim Chi và đất nước Mặt trời mọc (3)

Thứ năm, 25/06/2015 11:51

* Bài 3: NÚI PHÚ SĨ TỈNH GIẤC?

Ngọn núi thiêng của người Nhật

(Cadn.com.vn) - Lần này, để đến Tokyo (Nhật Bản), chúng tôi không phải quay trở lại sân bay Incheon hay Gimpo mà bay trực tiếp từ sân bay tại đảo Jeju để đến Tokyo trong vòng 2 giờ 20 phút trên chuyến bay ký hiệu KE 717 của Hãng Hàng không Korean Air. Sân bay quốc tế Narita ở Nhật là một trong những sân bay cũ nhất khu vực, cách trung tâm thành phố Tokyo khoảng 72 km. Đã 22 giờ 20 đêm nên khó có thể thực hiện một chuyến dừng chân khám phá lịch sử thành phố Narita với những nét quyến rũ riêng biệt.

Cô Trần Thị Thúy Hiền, 28 tuổi, ở Cty KaienInternational đảm nhận nhiệm vụ hướng dẫn viên địa phương đón và đưa chúng tôi về khách sạn Marroad International Hotel Narita cách sân bay không xa để kịp dùng bữa tối và thống nhất chương trình khám phá Núi Phú Sĩ vào ngày hôm sau. Quê gốc ở H.Đức Huệ, tỉnh Long An nhưng do sống ở Nhật từ lúc 14 tuổi nên khả năng giao tiếp tiếng Nhật của Hiền khá chuẩn. Trong lúc ăn tối, Hiền nói đùa “Nếu đang ngủ mà xảy ra động đất đến 8,5 độ Richter, chao đảo như nằm võng anh chị cứ ngủ yên, không sao cả. Ở đây, các công trình xây dựng, đặc biệt là các nhà cao tầng như khách sạn đều có thể chịu đựng động đất đến 8,7 độ cơ đấy. Nói thật chứ động đất ở Nhật Bản là chuyện xảy ra như cơm bữa đó mà. Mọi người cứ yên tâm”.

Núi Phú Sĩ nhìn từ xa.

Do chặng đường từ khách sạn đến núi Phú Sĩ rất xa nên chúng tôi tranh thủ dậy sớm và khởi hành đúng giờ. Phú Sĩ là ngọn núi cao nhất Nhật Bản, trải dài trên địa phận 2 tỉnh Shizouka và Yamanashi ở phía Tây Nam Tokyo cao 3.776m, có hình chóp nón trông rất hùng vĩ. Người ta kể rằng, núi Phú Sĩ đã phun trào ít nhất 10 lần kể từ thế kỷ XVIII. Cho đến nay gần 300 năm đã trôi qua kể từ lần phun trào gần nhất vào năm 1707, tro bụi, dung nham tung lên hàng trăm ki-lô-mét, che phủ cả Tokyo, đồng thời tạo cho ngọn núi này cái đỉnh chóp tuyệt vời như ngày nay. Lòng chảo phía trong là dấu tích của miệng núi lửa rộng khoảng 5000m, sâu 200m.

Hiện nay, Phú Sĩ là ngọn núi lửa đã chết nhưng gần đây vẫn có tin đồn rằng nó có khả năng hoạt động trở lại. Bác tài xế 73 tuổi, tên là Kamakưra tỏ ra rất vui khi được làm nhiệm vụ chở đoàn du khách Việt Nam: “Người Nhật chúng tôi rất quý các bạn Việt Nam. Lần này, được đưa các bạn đi tham quan, tôi rất vui”. Bác Kamakưra cho biết: “Với người dân Nhật núi Phú Sĩ trở thành "ngọn núi thiêng", "ngọn núi thần" che chở cho nước Nhật, đem đến sự tốt lành, may mắn. Nhiều người sùng bái núi Phú Sĩ đã thành lập một tổ chức tín ngưỡng ngọn núi này gọi là Fuiiko. Việc trèo lên ngọn núi được coi là công việc thiêng liêng mà ai cũng cố gắng được làm một lần trong đời”.

Xe đang bon bon vòng vèo trên những cung đường dốc, chợt hướng dẫn viên Thúy Hiền nói với mọi người “Hãy vui lòng nghe giai điệu bài hát “Phú Sĩ Sơn” vì chỉ một lúc nữa thôi, chúng ta sẽ chứng kiến một bất ngờ lớn”. Nói đến đây, Hiền mở máy điện thoại để mọi người cùng nghe và dặn thêm “Khi nào có tín hiệu, mọi người yên lặng sẽ nghe giai điệu bài hát này khi xe chạy với tốc độ 50km/h qua đoạn đường độc đáo này”. Điều đó đã được chứng minh ngay sau đó và ai nấy đều ngỡ ngàng khi biết các nhà thiết kế, xây dựng, âm nhạc đã tạo ra tuyệt tác đặc sắc này…

Chúng tôi đã đến được trạm số 5 ở độ cao 2.300m của núi Phú Sĩ trong tiết trời se lạnh để được ngắm nhìn đỉnh núi Phú Sĩ lấp lánh chỏm tuyết bạc chảy dài theo sườn núi và tha hồ chụp ảnh, quay phim để ghi lại những giây phút hiếm hoi này. Trời chợt nắng, trong xanh rồi mây mù cũng bất chợt ùa đến và núi Phú Sĩ cũng hiện ra rồi bị che mờ sương phủ chỉ trong giây lát. Thậm chí có người chưa kịp ghi lại một kiểu ảnh đã không còn thấy Phú Sĩ đâu nữa. Chị Hiền chỉ lên miệng núi lửa thứ 2 nói “Đây là miệng núi lửa thứ 2 mới hình thành cách đây 50 năm có nguy cơ phun trào cao nhất nhưng chưa biết khi nào. Hiện các nhà khoa học đang tiếp tục theo dõi một cách hết sức nghiêm ngặt”.

Núi Phú Sĩ quanh năm tuyết phủ từ lâu đã đi vào thi ca, hội họa của không ít những tâm hồn yêu thiên nhiên hùng vĩ nhưng không kém phần lãng mạn xứ Phù Tang.

Lỡ hẹn với thung lũng Owakudani

Rời núi Phú Sĩ, chúng tôi ngược về khu du lịch Hakkone. Thực chất đây là một trong số 5 cái hồ được hình thành từ những miệng núi lửa đã ngừng hoạt động từ rất lâu và trở thành điểm du lịch với nhiều cảnh quan ngoạn mục. Trên đường chợt phát hiện khói bốc lên từ một ngọn núi và có mùi lưu huỳnh đậm đặc phát tán trong không khí, tôi buộc miệng “Cái gì vậy?”. Cô Thúy Hiền ngồi bên cạnh liền giải thích “Đây là một ngọn núi lửa Owakudani thuộc tỉnh Hakkone đang trong thời kỳ “thức giấc”. Nó mới hoạt động từ ngày 24-5-2015 đến nay và đang trong thời kỳ sôi sục nên mới bốc khói và phát ra mùi lưu huỳnh. Do ngọn núi nằm ở độ cao 2.000m và ở trong tình trạng nguy hiểm vì không biết lúc nào phun trào nên địa phương nơi đây đã cho di dời 150 hộ dân sống quanh khu vực đi nơi khác để đảm bảo an toàn”.

Cứ tưởng theo chương trình, đoàn sẽ được thưởng ngoạn thung lũng Owakudani nhưng mọi chuyện đã thay đổi khi hiện ra các bảng thông báo điện tử cảnh báo từ xa đây là khu vực nguy hiểm, mọi người không thể lên. Cũng chính vì lẽ đó mà tuyến cáp treo từ Togendai đến Owakudani tạm ngừng hoạt động cho đến khi đảm bảo an toàn mới hoạt động bình thường trở lại. Điều này đã kéo theo hệ lụy là lượng du khách đến tham quan thung lũng trong những ngày vừa qua đã giảm một cách đáng kể. Cô Hiền cho biết núi lửa này hơn 300 năm tuổi và mới hoạt động trở lại bắt đầu từ năm 2002 đến nay. Chừng ấy thời gian mà đã có 5 lần sắp phun trào nhưng lần này độ phun trào có nguy cơ cao nhất.

Thế là chúng tôi không có được một buổi chiều Ropeway ở thung lũng Owakudani để tận tay luộc trứng, chứng kiến trứng chín chuyển sang màu đen và tăng thêm tuổi thọ như tương truyền, mà đành phải gác lại để chuyển sang thưởng ngoạn du thuyền ngắm hồ Ashi nằm trong quần thể ngũ hồ dưới chân núi Phú Sĩ và đi mua sắm tại Trung tâm hàng hiệu giảm giá Gotemba Outlet Shopping Mall.

Phương Kiếm
(còn tiếp)