Ở xứ sở Kim Chi và đất nước Mặt trời mọc
* Bài 1: CẢM NHẬN SEOUL
(Cadn.com.vn) - Đầu tháng 6-2015, đoàn nhà báo Báo Công an TP Đà Nẵng may mắn có dịp đến thăm đất nước Nhật Bản và Hàn Quốc. Những ngày đến với xứ sở Kim Chi và đất nước Mặt trời mọc, chúng tôi đã có những trải nghiệm thú vị về những vùng đất xinh đẹp, những thành phố hiện đại với nền văn hóa đa dạng, đặc sắc, quyến rũ cùng hòa quyện, vô cùng thú vị...
Đi vào vùng... dịch MERS-CoV
Từ Đà Nẵng, sau hơn 4 giờ trên chuyến bay của Hãng Hàng không Korean Air, chúng tôi đặt chân xuống sân bay Incheon (Seoul-Hàn Quốc) lúc 5 giờ 20 ngày 3-6-2015 (giờ địa phương). Cách thủ đô Seoul khoảng 70km về hướng Tây, sân bay quốc tế Incheon hiện là sân bay lớn nhất tại Hàn Quốc và là sân bay hàng đầu thế giới với 7 năm liên tiếp giành giải thưởng “sân bay tốt nhất thế giới” theo “đánh giá chất lượng dịch vụ sân bay ASQ” do Hội đồng Cảng hàng không Quốc tế ACI thực hiện hàng năm. Giải thưởng này đưa sân bay quốc tế Incheon trở thành sân bay đầu tiên trong lịch sử các cảng hàng không trên thế giới có 7 năm liền xếp ở vị trí số 1. Các hãng hàng không hoạt động khai thác chính gồm Korean Air, Asiana Airlines...
Người dân Hàn Quốc và du khách trên đường phố Seoul không mang khẩu trang khi ra đường. |
Vừa làm xong thủ tục nhận hành lý, chúng tôi được chị Mai Phương, một đối tác tại Hàn Quốc của Cty CP Du lịch Việt Nam Vitours, chi nhánh tại TP Đà Nẵng đón ngay cổng sân bay. Xin được nói thêm, chị Mai Phương, quê gốc ở H.Phú Lộc, tỉnh TT-Huế nhưng đã sống và làm việc tại Seoul 19 năm. Thông tin được chị Phương chia sẻ ngay trong lần gặp đầu tiên trên chuyến xe về ăn sáng tại một nhà hàng địa phương, là tình hình Hội chứng viêm đường hô hấp vùng Trung Đông (MERS-CoV). Tuy nhiên, chị trấn an là vào thời điểm này, dịch bệnh vẫn nằm trong tầm kiểm soát. Vừa tiếp nhận thông tin trên, chúng tôi đã được hướng dẫn viên Vitours Đà Nẵng đi cùng đoàn là Phạm Hoàng Bích Liên phát cho mỗi người một khẩu trang và căn dặn “nên chủ động đeo khẩu trang khi vào chỗ đông người để đề phòng vẫn là phương án tốt nhất”.
Tuy nhiên, khi đến một số điểm tham quan tại Seoul, chúng tôi quan sát chẳng những du khách mà phần lớn người dân Hàn Quốc không tỏ ra quá lo ngại dịch bệnh này bởi họ đã được thông tin một cách khá đầy đủ và chính xác về bệnh từ trước. Trên đường phố Seoul, cuộc sống, sinh hoạt vẫn diễn ra nhộn nhịp, sôi động nhưng rất ít người dân mang khẩu trang... Họ tỏ ra khá bình tĩnh và chính điều đó phần nào làm cho chúng tôi cảm thấy yên tâm hơn. Bác tài xế người Hàn Quốc chở đoàn khi được hỏi đã nói “chẳng có gì phải lo lắng cả khi chúng ta biết tránh xa các vùng có dịch. Các bác sĩ nói với tôi rằng, virus bệnh MERS không dễ lây lan qua các tiếp xúc thông thường trong cộng đồng, trừ trường hợp tiếp xúc gần hoặc trực tiếp với bệnh nhân. Mặt khác, những người mắc bệnh đã được phát hiện và đưa vào những khu cách ly an toàn”.
Nhà Xanh và Cung điện Gyeongbok
Xe vượt chặng đường 70km từ sân bay Incheon về Seoul, chúng tôi được chiêm ngưỡng những cây cầu bắc qua dòng sông Hàn thơ mộng, hùng vĩ. Qua sông Hàn đi về phía nam là những khu công nghiệp hiện đại, những khu nhà cao tầng nối tiếp nhau trên những ngọn đồi nối dài bên sông. Bờ nam còn có sân bay quốc tế Kim-po và sân vận động có sức chứa 65.000 người. Đây là một trong số 10 sân vận động được Hàn Quốc xây dựng phục vụ cho sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh: Giải vô địch bóng đá thế giới 2002. Seoul cũng đã từng tổ chức Đại hội Thể thao Châu Á 1986, Thế vận hội Mùa hè 1988 và Paralympic Games 1988.
Chụp ảnh lưu niệm trước Khánh Lâu Hội trong Cung điện Gyeongbok. |
Buổi sáng đầu tiên khi đặt chân đến Seoul, đoàn chúng tôi đã đến thăm Cung điện Gyeongbok và Nhà xanh dinh Tổng thống nhưng chỉ được nhìn và chụp ảnh Nhà Xanh từ xa. Ấn tượng đập vào mắt mọi người về Nhà Xanh là một màu xanh từ mái ngói cho đến từng viên gạch cũng như thảm cỏ và ngọn núi Bugaksan phía xa tít. Mỗi tòa nhà đều có kiến trúc đặc biệt, được thiết kế công phu và tinh tế theo phong cách truyền thống của Hàn Quốc. Chị Phương kể, gần 150 nghìn tấm ngói đã được sử dụng để tạo nên không gian kiến trúc này. Và mỗi tấm ngói như thế đều được nung riêng lẻ, đảm bảo tòa nhà có độ bền đến hàng trăm năm.
Nhà Xanh lưng tựa vào hai ngọn núi sừng sững giữa thủ đô và cổng vào phía Đông nhìn ra cung Cảnh Phúc (Gyeongbokgung), cung điện lớn nhất trong ngũ cung hoàng gia ở Seoul. Cổng vào Cung điện Gyeongbok ở ngay phía đối diện Nhà Xanh và nơi này, du khách có thể thỏa thích chụp ảnh. Chị Mai Phương rất am hiểu về cố cung này nên đã kiêm luôn việc thuyết minh cho đoàn. Khu quần thể kiến trúc này không chỉ phản ánh đời sống văn hóa đa sắc màu của người dân xứ Hàn mà còn là một biểu tượng kết tinh những tinh hoa của kiến trúc cung điện phương Đông nói chung.
Đoàn lữ hành Đà Nẵng tham quan Cung điện Gyeongbok tại Seoul. |
Quần thể kiến trúc hoàng cung ở Seoul bao gồm 5 cung, trong đó, Gyeongbok là cung điện bề thế nhất và là trung tâm của quần thể kiến trúc này cũng như là trung tâm chính trị của mấy trăm năm đế chế Triều Tiên xưa. Gyeongbokgung còn được gọi là Cung Gyeongbok hay theo Hán Việt gọi là Cung Cảnh Phúc. Cung Gyeongbok được xây dựng vào năm 1395 bởi vua Taejo-nhà vua đầu tiên và cũng là người sáng lập triều đại Joseon và do kiến trúc sư Jeong Dojeon chủ trì. Đây chính là cung điện lớn nhất của Ngũ Cung, thể hiện quyền lực tối cao của đất nước. Cung điện Gyeongbok ngày nay đã dần được phục hồi lại như ban đầu sau khi bị phá hủy nặng nề bởi chiến tranh và các biến cố chính trị.
Cố cung Gyeongbok đã lưu giữ được đường nét cổ kính gần như nguyên mẫu xa xưa và chứa đựng những đặc trưng trong lối kiến trúc cung điện phương Đông. Cảnh đẹp và lối kiến trúc trong Cung điện Gyeongbok đã thực sự cuốn hút du khách đến thăm.
Phương Kiếm
(còn nữa)