Ông Mười Hương, người đứng sau những huyền thoại (5)

Thứ hai, 08/07/2013 12:49

» Ông Mười Hương, người đứng sau những huyền thoại (6)

 

* Kỳ 5: Sự nguy hiểm của Diệm-Nhu

» Ông Mười Hương, người đứng sau những huyền thoại (4)

 

 

Ký sự nhân vật

Ông TRẦN QUỐC HƯƠNG (Mười Hương)

* Huân chương Sao Vàng

* Huân chương Hồ Chí Minh

* Huân chương Quân công hạng Nhất

* Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng và nhiều phần thưởng cao quý khác.

(Cadn.com.vn) - Cuộc đời hoạt động ở miền Nam trong chiến tranh của ông Mười Hương có thể chia ra làm 3 giai đoạn: Từ 1954 - 1957, khi ông hoạt động dưới vỏ bọc công khai ở Sài Gòn; giai đoạn 1957 - 1963, khi ông bị bắt và hoạt động ngay trong nhà tù Diệm - Nhu; giai đoạn 1963 - 1975, khi ông ra tù cho đến ngày giải phóng. Trong 2 giai đoạn đầu, trùng khít thời gian tồn tại của chế độ gia đình trị họ Ngô, đối tượng chính của mạng lưới tình báo cách mạng dưới sự lãnh đạo của ông Mười Hương là chế độ gia đình trị họ Ngô.

Năm 1957, lúc đang ở Sài Gòn, ông Mười Hương rơi vào tay Ngô Đình Cẩn, bị đưa ra Huế giam cầm. Ngô Đình Cẩn là lãnh đạo tuyệt đối Đoàn công tác đặc biệt miền Trung, còn Dương Văn Hiếu là Trưởng Đoàn. Không giống như tên gọi mĩ miều của nó, thực chất đây là một tổ chức phản gián của chế độ họ Ngô.

Ông Mười Hương nói với chúng tôi: Cho đến nay, chúng ta vẫn chưa hiểu hết mọi vấn đề của Đoàn công tác đặc biệt miền Trung, nó vẫn là một chấm đen bí ẩn trong công tác nghiên cứu các cơ quan đặc biệt. Điểm đặc biệt của Đoàn công tác đặc biệt Miền Trung là bắt người không cần bằng chứng, chỉ nghi thôi là đủ. Người bị bắt không cần đưa ra tòa xét xử, thường thì... tự động biến mất. Đặc biệt hơn nữa, Cẩn không muốn giết người mà muốn giết tư tưởng. Bởi vậy, lọt vào tay Cẩn, đối với những người mà Cẩn cho rằng ít quan trọng, thường thì họ bị thủ tiêu, còn những người bản lĩnh, kiên trung, quan trọng, có học thức thì phải sẵn sàng cho những cuộc đấu trí cực kỳ căng thẳng được che đậy dưới những cuộc tranh luận và vẻ hiền lành, điềm đạm, đôi khi tốt bụng của những tay mật vụ lão luyện, trong đó có cả những người trước đây theo cách mạng nhưng đã bị chiêu hàng. Cán bộ ta, nếu không vững vàng, có thể bị khuất phục ngay. Mà một khi đã bị khuất phục thì Cẩn lại coi như rơm rác, trở thành người... ít quan trọng, nghĩa là họ sẽ bị thủ tiêu. Bởi vậy, ai muốn giữ được mạng sống thì phải đấu trí tới cùng, không để chúng lấn át tư tưởng.

Một lần, khi đang ở Tòa Khâm, người của Ngô Đình Cẩn bảo ông Mười Hương ăn mặc chỉnh tề rồi chở ra biển Thuận An. Khi ông tới, Ngô Đình Nhu đã đợi sẵn. Nhu là bộ não của chế độ họ Ngô. Mấy năm rồi ông Mười Hương ở Tòa Khâm, Ngô Đình Cẩn, Dương Văn Hiếu rất muốn chiêu hàng nhưng bất thành, cuộc gặp gỡ lần này thực chất là chúng định dùng Nhu để chiêu hàng ông.

Mở đầu câu chuyện, Ngô Đình Nhu nói, đáng tiếc là miền Nam không có được đội ngũ tuyên huấn giỏi như miền Bắc. Thực chất, đây là kiểu "đá xoáy", ý nói Việt Cộng chỉ giỏi tuyên truyền, hô hào, mị dân. Bắt ngay ý này, ông Mười Hương đáp: Ông Nhu nói vậy không đúng. Miền Bắc có lẽ phải chứ không phải giỏi tuyên truyền. Tuyên truyền rỗng thì cùng lắm lừa mị được vài người thôi, chứ làm sao lừa mị cho cả một dân tộc. Với lại, kiểu tuyên truyền đó làm sao kêu gọi được trí thức, mà trí thức trong hàng ngũ Việt Cộng đâu có thiếu!

Sau cuộc nói chuyện đó, ông Mười Hương không gặp Ngô Đình Nhu nữa. Nhu thất vọng vì không chiêu hàng được ông Mười Hương, lại trả cho Ngô Đình Cẩn đưa ông về trại giam Tòa Khâm. Sau này, Ngô Đình Cẩn nói với thuộc hạ: "Tao không giết thằng Mười Hương, vì thằng này đích thật là Cộng sản ngoan cố nhưng nhiều cái nó nói, chúng ta phải suy nghĩ".

 

 Gia đình Ngô Đình Diệm (chụp tại Huế).

Thực ra, từ năm 1954, khi Diệm - Nhu về nước lập chính quyền bù nhìn, ông Mười Hương đã nghiên cứu rất kỹ gia đình này. Trong 6 năm bị giam cầm ở Huế, vô tình, ông Mười Hương lại được giam cùng nhiều cán bộ tình báo dưới quyền, trực tiếp chỉ huy, hướng dẫn họ không những thoát khỏi nhà giam mà còn thâm nhập sâu vào chế độ Diệm - Nhu. Ông Mười Hương rút ra kết luận quan trọng, mang tính chiến lược, khiến các mạng lưới tình báo cách mạng, trong đó có các nhà tình báo huyền thoại như Phạm Ngọc Thảo, Phạm Xuân Ẩn, Vũ Ngọc Nhạ, Lê Hữu Thúy... phải quyết tâm hạ bằng được Diệm - Nhu.

 


“Tao không giết thằng Mười Hương, vì thằng này đích thật là Cộng sản ngoan cố nhưng nhiều cái nó nói, chúng ta phải suy nghĩ” - NGÔ ĐÌNH CẨN
 

Ông Mười Hương kể: "Tôi có cơ sở gần gia đình Ngô Đình Cẩn. Tôi báo cáo ra Trung ương rằng chúng ta không thể coi anh em Diệm - Nhu như đám Tâm - Hữu(*) được. Tâm - Hữu thì rõ ràng là tay sai để kiếm tiền. Nhưng anh em nhà Diệm nó có tinh thần dân tộc và nó nhất định chống mình. Vì sao tôi nói vậy? Bởi vì khi thằng Mỹ gặp thằng Diệm rồi đưa về thì anh em nó có một cuộc họp. Sau thì có nhiều người nói với tôi về cuộc họp này. Nó nói với nhau: "Chúng ta nhất định phải chống Cộng thôi, nhưng mà phải nói là chúng ta thất thế rồi. Chúng ta bảo là chúng ta là Quốc gia nhưng có người Quốc gia nào mà tự thân chống Pháp? Không có. Đều là dựa vào Pháp hay là dựa vào Nhật mới có bây giờ. Thế nên chúng ta không có chính nghĩa". Tôi nghe cái báo cáo ấy, tôi gửi ra ngoài Trung ương rằng, kẻ thù của chúng ta nguy hiểm lắm. Quả thật là sau này nó lập ra cái đảng Cần lao nhân vị, có hẳn một lý thuyết. Tôi báo cáo ra như thế, Bác Hồ bảo rằng "chú ấy nói đúng đấy"... Ngừng giây lát, ông Mười Hương cười, bảo: "Bây giờ nói với các ông như thế dễ chứ lúc bấy giờ mấy ông đảng viên ông ấy trình sao được, mấy ông ấy bảo tôi là cái thằng hay nói linh tinh!".

Ông Mười Hương bị giam ở Huế 6 năm. Lúc Ngô Đình Cẩn - Dương Văn Hiếu chuẩn bị sắp xếp cho ông "tự động biến mất" thì ngày 1-11-1963 "Đây. Rõ ràng Diệm Nhu đã chết" (tiêu đề một bài trên báo Buổi Sáng phát hành ở Sài Gòn lúc bấy giờ).

Nguyễn Lê(còn nữa).

(*) Trần Văn Hữu và Nguyễn Văn Tâm là 2 thủ tướng Quốc gia Việt Nam từ 1950-1953 dưới quyền Quốc trưởng Bảo Đại do Pháp dựng lên.