Ông Trump "làm lành" với người Hồi giáo: Liệu có thành công?

Thứ hai, 22/05/2017 07:09

(Cadn.com.vn) - Trong bài phát biểu quan trọng về đạo Hồi trước khoảng 50 nhà lãnh đạo Arab và Hồi giáo, ông Trump tránh những lời lẽ cứng rắn chống đạo Hồi mà ông từng sử dụng trong chiến dịch tranh cử.

Trong ngày thứ hai ở thăm Saudi Arabia, ngày 21-5, Tổng thống Mỹ Donald Trump gây chú ý với bài phát biểu về đạo Hồi trước khoảng 50 nhà lãnh đạo Arab và Hồi giáo. Trong đó, nhà lãnh đạo Mỹ kêu gọi đoàn kết trong cuộc chiến chống chủ nghĩa cực đoan trong thế giới Hồi giáo, nhấn mạnh những nỗ lực này như một “cuộc chiến giữa thiện và ác”.

Không giống như người tiền nhiệm Barack Obama, nhà lãnh đạo vốn thường bày tỏ quan ngại về quyền tự do dân sự với các đồng minh Abab lâu năm, ông Trump đã không đề cập đến vấn đề dân chủ và nhân quyền trong bài phát biểu này cũng như trong suốt chuyến thăm đến Saudi Arabia.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Quốc vương Salman của Saudi Arabia nhảy múa tại lễ đón tiếp trước bữa tiệc tại Cung điện Murabba ở Riyadh. Ảnh: AFP

“Đó là bài phát biểu đầy cảm hứng và hy vọng của tổng thống về một tầm nhìn hòa bình về Hồi giáo”, Cố vấn an ninh quốc gia của ông Trump cho biết. Nhưng trong bài phát biểu, ông Trump cũng rất thẳng thừng khi nói về sự cần thiết phải đối đầu với chủ nghĩa cực đoan và chỉ rõ thực tế là nhiều người trong thế giới Hồi giáo đã không những không nỗ lực mà còn tích cực kích thích chủ nghĩa cực đoan phát triển.

Bạn chứ không phải kẻ thù

Một tháng sau khi kêu gọi “ngừng toàn bộ” việc cho những người Hồi giáo nhập cảnh Mỹ, ông Trump đang tìm cách thiết lập mối quan hệ với thế giới Hồi giáo và cho thấy sự thay đổi lớn trong chiến lược Hồi giáo của mình. Điều đó được thể hiện rõ khi ông chọn Saudi Arabia  - quê hương của 2 địa điểm Hồi giáo linh thiêng nhất thế giới - cho chuyến công du nước ngoài đầu tiên của mình. Và trên hết, bài phát biểu với các nhà lãnh đạo của 50 quốc gia Hồi giáo rõ ràng đã phác thảo tầm nhìn của ông về quan hệ Mỹ-Hồi giáo.

Các quan chức chính quyền Mỹ không đưa ra bất cứ dấu hiệu nào cho thấy ông Trump sẽ xin lỗi vì những ý kiến cực đoan về người Hồi giáo cùng những đề xuất đã thúc đẩy tình cảm chống Hồi giáo ở Mỹ. Tuy nhiên, ông chủ Nhà Trắng lại muốn thay đổi hình ảnh với mục tiêu thực sự của chuyến đi đến Saudi Arabia: loại trừ mối đe dọa IS và các nhóm khủng bố Hồi giáo khác cho nước Mỹ.

Ông Trump đã tuyên bố đẩy mạnh cuộc chiến chống lại IS ở Iraq và Syria và đã nhấn mạnh điểm này trong các cuộc họp ở Nhà Trắng với các nhà lãnh đạo của 50 quốc gia trong khu vực. Tổng thống Trump cũng kêu gọi các nước Arab chấp nhận nhiều người tị nạn Syria và tìm kiếm sự hỗ trợ của họ nhằm tạo ra những khu vực an toàn tại quốc gia Trung Đông này.

Nhưng bài phát biểu của ông hôm 21-5 là lần đầu tiên công khai về vấn đề này và là lần đầu tiên kêu gọi người Hồi giáo khắp thế giới xem ông như một đối tác chứ không phải là kẻ thù.

Ông Trump và Obama

Ông Trump là vị tổng thống liên tiếp thứ hai có bài phát biểu nói về quan hệ Mỹ-Hồi giáo ngay tại một quốc gia Hồi giáo.

Trích dẫn Kinh Koran và kêu gọi sự chú ý đến những đóng góp của Hồi giáo cho thế giới, Tổng thống Obama hồi năm 2009 đã phát biểu trước hàng ngàn sinh viên trẻ tại Đại học Cairo ở Ai Cập trong nỗ lực chuyển hướng chính sách của người tiền nhiệm, vốn đã triển khai hàng vạn quân Mỹ cho các quốc gia Hồi giáo. “Tôi đến đây để tìm kiếm một khởi đầu mới giữa Mỹ và người Hồi giáo trên toàn thế giới - dựa trên sự quan tâm, tôn trọng lẫn nhau, và dựa trên sự thật rằng Mỹ và Hồi giáo không độc quyền, và không cần phải cạnh tranh”, ông Obama nói ở Cairo.

Tuy nhiên, Tổng thống Obama lúc đó không công bố một sự thay đổi lớn về chính sách của Mỹ ở Trung Đông và tiếp tục tăng cường mạnh mẽ các cuộc tấn công vốn làm trầm trọng thêm sự chống đối nhằm vào Mỹ trong khu vực. Ông Trump sẽ không đứng trước các sinh viên và các nhà hoạt động trẻ khi muốn thay đổi quan hệ Mỹ-Hồi giáo. Thay vào đó, ông đã nói chuyện với nhóm lãnh đạo đại diện cho hàng tỷ người Hồi giáo. Những nhà lãnh đạo này xem ra đã sẵn sàng hơn - thậm chí háo hức - chấp nhận ông Trump và quên đi những lời hùng biện chống Hồi giáo vốn đã ăn mòn chiến dịch tranh cử của vị tỷ phú này.

Khả Anh