Pháp tìm cách tái định hình Châu Âu
Khi nước Anh đang lúng túng trong vụ “ly hôn” lộn xộn với Liên minh Châu Âu (EU), Tổng thống Pháp Emmanuel Macron bắt tay vào việc tăng cường hội nhập kinh tế của một khối mà ông cho là cần phải được “bảo hộ” tốt hơn.
Tân Tổng thống Pháp Emmanuel Macron sẽ có chuyến công du |
Trong tuần này, tân Tổng thống Pháp Emmanuel Macron sẽ có chuyến công du kéo dài 3 ngày đến các quốc gia Trung và Đông Âu, nơi ông sẽ bằng mọi cách để giành được sự ủng hộ cho việc thắt chặt các quy định đối với lao động hợp đồng ở các nước, vấn đề nhạy cảm đã làm trầm trọng thêm rạn nứt hai phía Đông-Tây Âu.
Nhiều ngày sau, những vấn đề như cải cách trong khu vực đồng EUR (Eurozone), hợp tác quốc phòng và nhập cư sẽ được ưu tiên trên bàn hội đàm khi ông Macron gặp gỡ lãnh đạo các nước Đức, Tây Ban Nha và Italia. Giới quan sát cho rằng, trong bối cảnh nước Anh đang lúng túng trong vụ “ly hôn” với EU, Tổng thống Macron tìm cách tăng cường vai trò lãnh đạo của Pháp ở Châu Âu.
Paris từ lâu phàn nàn rằng, Trung và Đông Âu nhận lợi ích không công bằng từ việc “xuất khẩu lao động” giá rẻ. Theo họ, lao động hợp đồng thu nhập thấp làm tổn hại việc làm tại địa phương và giảm khả năng bảo vệ lao động ở các quốc gia có mức lương cao hơn. Mặc dù các lao động hợp đồng chỉ chiếm chưa đến 1% lực lượng lao động của EU, trong đó hầu hết làm việc trong lĩnh vực vận tải và xây dựng, nhưng vấn đề này gây chia rẽ nghiêm trọng giữa các nước nghèo ở phía đông và các nước giàu phía tây.
Tổng thống Macron cũng sẽ đến Romania, Bulgaria và Áo, nơi ông gặp lãnh đạo Cộng hòa Czech và Slovakia. Nhưng ông bỏ qua Hungary và Ba Lan, những chính phủ cánh hữu mà ông cáo buộc làm giảm giá trị của EU. Một nguồn tin của Điện Elysee bác bỏ những ý kiến cho rằng, Tổng thống Macron đang nỗ lực tạo ra khoảng cách giữa các nước Trung Âu và Đông Âu cứng đầu chống lại cải cách và những nước có khả năng thỏa hiệp. “Đây không phải là vấn đề chia để trị”, một nguồn tin cho biết.
Chiến thắng lớn của ông Macron – một chính trị trẻ tuổi và mới toanh trên chính trường - trong cuộc bầu cử tổng thống Pháp vừa qua làm tăng thêm sức mạnh cho trục Pháp-Đức của EU. Nhiều nước Châu Âu thở phào nhẹ nhõm. Nhưng tại Ba Lan và Hungary, họ đã tỏ ra lo sợ về một Châu Âu “đa tốc độ” có thể làm giảm ảnh hưởng, hỗ trợ tài chính và khả năng cạnh tranh kinh tế.
Nhà lãnh đạo 39 tuổi của Pháp có thể sẽ tìm được sự cảm thông ở Áo, quốc gia giáp biên giới với 4 nước Đông Âu và nơi đảng Dân chủ xã hội cầm quyền nói rằng, dòng lao động nhập cư từ phía đông đang khiến họ buộc phải cân nhắc đến vấn đề tiền lương. Các Cty Châu Âu được phép cử nhân viên sang các nước EU khác theo hợp đồng mà họ chỉ phải đảm bảo mức lương tối thiểu của nước chủ nhà. Tổng thống Macron đã nói rằng, đề xuất của Ủy ban Châu Âu (EC) cần nói đến việc, gói trả lương của công nhân phải bao gồm các khoản trợ cấp phù hợp với các quy định của nước sở tại và rằng, các hợp đồng lao động cần được giới hạn trong 2 năm. Ba Lan, Hungary, Slovakia và Cộng hòa Czech - được biết là nhóm 4 quốc gia Trung Âu - Visegrad - cho rằng, các đề xuất đã đi quá xa. Các nước khẳng định, họ phải được phép cạnh tranh với giá thấp hơn để bắt kịp đà phát triển sau nhiều thập kỷ đình trệ.
Ba Lan đã buộc tội ông Macron sử dụng “các tiêu chuẩn kép” bằng cách ủng hộ một nước Châu Âu gần gũi hơn trong khi tìm cách làm mòn tính cạnh tranh trên thị trường chung. Hai nguồn tin trong chính phủ Ba Lan cho biết, họ đã nỗ lực mời ông Macron đến Warsaw trong chuyến đi sắp tới, nhưng nhà lãnh đạo Pháp dường như không sẵn sàng. Estonia, nước giữ ghế chủ tịch luân phiên của EU, sẽ đưa ra một đề xuất mới vào tháng 9 tới.
KHẢ ANH