Phe biểu tình Thái Lan vẫn “quyết chiến”

Thứ năm, 19/12/2013 10:47

(Cadn.com.vn) - Thủ lĩnh phe biểu tình chống chính phủ vẫn tuyên bố “quyết chiến” dù không còn kêu gọi được nhiều người xuống đường.

Những người biểu tình chống chính phủ ở Thái Lan ngày 18-12 tuyên bố sẽ đẩy mạnh hoạt động, nỗ lực buộc Thủ tướng Yingluck Shinawatra phải từ chức và xúc tiến các cải cách bầu cử trước tổng tuyển cử.

Người biểu tình tụ tập trước trụ sở Cảnh sát Thái Lan hôm 18-12,
song số lượng ít hơn. Ảnh: Reuters

PHE BIỂU TÌNH CÓ THÀNH CÔNG?

Xem ra, cơ hội thành công cho phe biểu tình dường như là con số không khi số người biểu tình cắm trại trên đường phố ở thủ đô Bangkok đã giảm xuống chỉ còn khoảng 2.000 người trong tuần trước.

Mặc dù vậy, thủ lĩnh biểu tình, cựu Phó Thủ tướng Suthep Thaugsuban vẫn tuyên bố “quyết chiến”. Ông này kêu gọi tuần hành trên các tuyến phố chính ở trung tâm Bangkok vào ngày 19 và 20-12 và sau đó là cuộc tuần hành quy mô lớn vào ngày 22-12. “Chúng tôi sẽ buộc bà Yingluck phải ra đi vào ngày 22-12 dù bà khẳng định sẽ không từ chức thủ tướng tạm quyền”, ông Suthep tuyên bố. “Chúng tôi sẽ đi bộ cho đến khi số lượng người tham gia gia đông hơn những người bầu chọn cho bà Yingluck”, ông này nói trước các phóng viên.

Ông Suthep dẫn đầu “đội quân” 160.000 người biểu tình bao quanh Văn phòng Thủ tướng hôm 9-12 sau khi bà Yingluck tuyên bố tổ chức bầu cử nhằm xoa dịu căng thẳng, song vẫn là thủ tướng tạm quyền. Thủ lĩnh biểu tình cũng nỗ lực tìm kiếm sự ủng hộ của quân đội quyền lực nhưng cho đến nay vẫn bị từ chối. Quân đội - diễn viên thân quen trên chính trường Thái Lan - từng lãnh đạo 18 cuộc đảo chính, song lần này kiên quyết đứng trung lập và còn tuyên bố hoàn toàn ủng hộ một cuộc tổng tuyển cử như kế hoạch của Thủ tướng Yingluck.

Điều này cho thấy, chương trình của ông Suthep xem ra rất mơ hồ khi không ai rõ liệu mất bao lâu để hình thành một “hội đồng nhân dân” để tiến hành cải cách như đề xuất của vị thủ lĩnh biểu tình này. Và tất nhiên, chỉ số thành công cũng không cao.

CHỜ PHE  DÂN CHỦ

Nếu một cuộc bầu cử diễn ra đúng như kế hoạch vào ngày 2-2-2014, tính hợp pháp của nó có thể bị suy yếu nếu phe đối lập chính đảng Dân chủ quyết định không tham gia.

Hồi đầu tháng này, các nghị sĩ đảng Dân chủ tuyên bố từ chức khỏi Quốc hội để cùng diễu hành với ông Suthep. Tại một cuộc họp 2 ngày kết thúc hôm 17-12, đảng này tái bầu cựu Thủ tướng Abhisit Vejjajiva làm lãnh đạo, song các thành viên trong đảng vẫn chưa đi đến sự thống nhất về việc liệu nên tham gia bầu cử hay quay trở lại với cuộc cách mạng trên đường phố. Một số đồng ý với lời kêu gọi cần thực hiện cải cách trước khi diễn ra bầu cử. Tuy nhiên, những người khác tin rằng, đảng của họ, vốn là chính đảng lâu đời nhất Thái Lan, nên tôn trọng tiến trình dân chủ và tranh cử.

Hầu hết các đảng viên Dân chủ là người thuộc tầng lớp trung lưu thành thị. Đây là nhóm vẫn căm ghét cựu Thủ tướng Thaksin, người mà họ cáo buộc phung phí “tiền của họ” cho những chính sách dân túy rất được lòng dân nghèo của ông. Tuy nhiên, giới phân tích tỏ ra lo ngại về động cơ của phe này khi cho rằng, đảng Dân chủ đang muốn loại bỏ hoàn toàn “bóng ma” Thaksin để lập thể chế đặc biệt mà không thông qua tiến trình dân chủ. Trên thực tế, trong hơn 2 thập kỷ qua, đảng này chưa hề giành chiến thắng trong một cuộc bầu cử dân chủ. Trong khi đó, bà Yingluck mới đây giành chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử năm 2011 và đảng Peau Thai của bà được dự đoán chắc chắn sẽ tiếp tục thành tích này trong lần bầu cử sắp tới nhờ sự ủng hộ lớn từ người dân nông thôn và người nghèo.

Dự kiến, đảng Dân chủ sẽ đưa ra quyết định cuối cùng vào ngày 21-12 tới, động thái được cho là mang tính quyết định vận mệnh nước nhà.

Khả Anh