Qatar quyết “vững tay chèo”
(Cadn.com.vn) - Các nước Saudi Arabia, Bahrain, Ai Cập và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) nhất trí kéo dài thời hạn chót (hết ngày 2-7), cho Doha thêm 48 giờ nữa để thực hiện danh sách gồm 13 yêu cầu, trong đó có việc đóng cửa kênh truyền hình Al-Jazeera và căn cứ quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ tại nước này.
Đã qua thời hạn chót cuối ngày 2-7 mà các nước Arab gồm Saudi Arabia, Bahrain, Ai Cập và UAE đưa ra đối với Qatar. Sáng 3-7, các nước này quyết định mở rộng thời hạn để Doha có thời gian chấp nhận một loạt yêu cầu mà họ đưa ra nếu không sẽ phải hứng trừng phạt mới. Tuy nhiên, Qatar vẫn tỏ ra thách thức.
Yêu cầu “bất khả thi”?
Các nước Arab đưa ra cho Qatar 13 yêu cầu gồm: Doha phải chấm dứt hỗ trợ cho nhóm Anh em Hồi giáo (MB), đóng cửa truyền hình Al-Jazeera, hạ cấp quan hệ ngoại giao với Iran và đóng cửa căn cứ quân sự Thổ Nhĩ Kỳ ở tiểu vương quốc này.
Doha có 10 ngày để đáp ứng 13 yêu cầu của các nước Arab và tối hậu thư đã hết hạn vào cuối ngày 2-7. Tuy nhiên, Qatar vẫn không có động tĩnh gì. Giới chuyên gia và cả Doha đều cho rằng, đây là những điều kiện “bất khả thi”. Các nước Arab gia hạn cho Doha 48 giờ, đáp ứng yêu cầu của Kuwait, quốc gia đóng vai trò trung gian hòa giải trong cuộc khủng hoảng Vùng Vịnh lần này. Theo các nguồn tin, quốc vương Kuwait Sabah Al-Ahmad Al-Jaber Al-Sabah đã yêu cầu Riyadh và 3 nước đồng minh cho phép kéo dài thời hạn chót để Doha đưa ra câu trả lời.
Tuy nhiên, xem ra, thời hạn mới này cũng khó khả thi. Trên thực tế, Doha vẫn tỏ ra kiên quyết không chấp thuận loạt yêu cầu của các nước Arab. Ngoại trưởng Qatar Mohammed bin Abdulrahman Al-Thani ngày 3-7 đến Kuwait để chuyển câu trả lời của nước này về những yêu cầu của các nước Arab. Và nội dung bức thư trả lời mà ngoại trưởng Al-Thani chuyển cho các nước Arab khẳng định, “danh sách các yêu cầu bị từ chối”.
“Mọi người đều biết rằng những đòi hỏi này có nghĩa là vi phạm chủ quyền quốc gia Qatar”, ông Al-Thani nói tại một cuộc họp báo ở Roma, Italia. Vị ngoại trưởng này khẳng định, dù bác bỏ những yêu cầu này, Qatar sẵn sàng tham gia các cuộc đối thoại tiếp theo.
![]() |
Lệnh cấm vận của các nước khiến Qatar thiếu lương thực nghiêm trọng. Trong ảnh: Người dân Qatar xếp hàng mua thực phẩm. Ảnh: AP |
Hy vọng vào ngày 5-7
Qatar đã theo đuổi chính sách đối ngoại độc lập hơn nhiều so với các quốc gia láng giềng, những nước có xu hướng đi theo quốc gia hàng đầu khu vực - Saudi Arabia. Chính Riyadh dẫn đầu các quốc gia nói trên cắt đứt quan hệ ngoại giao và áp đặt các biện pháp trừng phạt Qatar hồi tháng trước, cáo buộc Doha bảo trợ chủ nghĩa khủng bố và là đồng minh của Iran, điều mà Qatar bác bỏ.
Vấn đề càng nghiêm trọng khi các công dân Qatar được lệnh ra khỏi đất nước và các nước đã thực hiện các bước khác nhau chống lại các Cty và các tổ chức tài chính của Qatar. Không rõ những biện pháp trừng phạt tiếp theo nào sẽ được áp dụng nếu Qatar không đáp ứng được loạt yêu cầu của các nước Arab. Nhưng đại sứ UAE tại Nga Omar Ghobash đã cảnh báo hồi tuần trước rằng có thể áp đặt các biện pháp trừng phạt mới mạnh mẽ hơn. Theo ông Ghobash, cũng như việc trục xuất Doha khỏi Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC) gồm 6 thành viên, các quốc gia Arab có thể ra “tối hậu thư” với các đối tác kinh tế: hoặc lựa chọn làm ăn với họ hoặc với Qatar.
Trong dấu hiệu mở ra một chút hy vọng cho cuộc khủng hoảng Vùng Vịnh lần này, Kuwait vẫn đang nỗ lực hết mình để tìm cách kéo các nước ngồi lại bàn đàm phán. Trong khi đó, ngoại trưởng các nước Ai Cập, Saudi Arabia, UAE và Bahrain sẽ nhóm họp tại Cairo vào ngày 5-7 để thảo luận vấn đề Qatar.
KHẢ ANH