Quả đắng từ “bạn trai” ngoại quốc
Ngày 5-2, Cơ quan CSĐT Công an TP Đà Nẵng tống đạt quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bắt tạm giam Trương Thị Phương Mai (1974, trú P.7, Q.8, TPHCM) thời hạn 4 tháng để tiếp tục điều tra, xử lý về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Mai là một trong những mắt xích quan trọng của đường dây lừa đảo qua mạng Internet do nhóm đối tượng người nước ngoài tổ chức, điều hành.
Cơ quan CSĐT CATP Đà Nẵng tống đạt quyết định bắt tạm giam Trương Thị Phương Mai. |
Theo Đội đấu tranh, Phòng chống tội phạm Công nghệ cao thuộc Phòng CSHS CATP Đà Nẵng cho biết, năm 2018, đơn vị tiếp nhận đơn tố giác tội phạm của chị Tuyết M. (57 tuổi, trú Đà Nẵng) về việc bị lừa số tiền 1,2 tỷ đồng. Theo đơn, khoảng tháng 1-2017, thông qua mạng xã hội, chị M. làm quen với một đối tượng người ngoại quốc tên là Ryan Danieil. Người này giới thiệu quốc tịch Mỹ, đang phục vụ quân ngũ tại chiến trường Afghanistan. Sau 3 tháng trò chuyện thân mật, cởi mở qua mạng xã hội, Ryan Danieil tâm sự với M. là đang sở hữu số tiền 1 triệu USD và ngỏ ý nhờ chị giữ giúp. Tuy nhiên, để thực hiện được sự việc này, chị M. phải mở một tài khoản tại Ngân hàng ở Indonesia. Vì tin tường, chị M. răm rắp nghe theo lời của Ryan Danieil.
Một vài ngày sau khi đồng ý giúp đỡ bạn trai người Mỹ, chị M. nhận email của một người giới thiệu là giám đốc Ngân hàng tại Indonesia. Qua trao đổi, người này yêu cầu chị M. làm các thủ tục mở tài khoản ngân hàng, trong đó có đóng các khoản phí như: Phí bảo lãnh, phí luật sư, thuế... Vì quá tin tưởng nên chị M. răm rắp làm theo các yêu cầu từ phía người này. Đối tượng gửi cho chị M. nhiều tài khoản ngân hàng tại Việt Nam để chị chuyển tiền hoàn tất các thủ tục đứng tên chủ sở hữu 1 triệu USD. Và từ tháng 5-2017 đến 8-2017, chị M. đã 10 lần chuyển số tiền 1,2 tỷ đồng vào 10 tài khoản khác nhau, trong đó lần thấp nhất là 80 triệu đồng. Sau khi chuyển tiền mà không thấy phản hồi từ ngân hàng tại Indoneia cũng như người bạn Mỹ tên Ryan Danieil, chị M. biết mình bị lừa nên đã đến Cơ quan CATP Đà Nẵng trình báo.
Từ đơn tố giác của bị hại, các trinh sát Đội đấu tranh, Phòng chống tội phạm Công nghệ cao khẩn trương vào cuộc điều tra. Kết quả xác minh thể hiện, hầu hết các tài khoản ngân hàng chị M. chuyển tiền đều không xác định được chủ thẻ. Bởi lẽ, các đối tượng lừa đảo đã sử dụng chứng minh nhân dân (CMND) không chính chủ (CMND bị mất cắp, làm giả, tẩy xóa...) để đăng ký mở thẻ. Và số tiền sau khi chị M. gửi vào đều bị rút đi một cách nhanh chóng. Đáng chú ý trong số này, Công an Đà Nẵng phát hiện có 1 chủ thẻ đứng tên chính chủ là Trương Thị Phương Mai, sinh ngày 4-4-1974, tại Bến Tre. Đi sâu xác minh nhân thân lai lịch nghi can này, cơ quan điều tra phát hiện, Mai quê gốc tại Bến Tre nhưng gia đình chuyển lên sinh sống tại TPHCM và đăng ký thường trú ở số nhà 280/15/5 Trịnh Quang Nghị (thuộc P.7, Q.8, TPHCM). Mai có chồng và 2 người con nhưng đã sống ly thân từ năm 2010. Hiện Mai bỏ nhà sống lang thang, không có nơi cư trú ổn định, thỉnh thoảng mới về nhà mẹ ruột tại Q. 8 (TPHCM).
Kiên trì phối hợp cùng Công an TPHCM tổ chức xác minh, đến đầu tháng 2-2020, CATP Đà Nẵng phát hiện, triệu tập Mai về Đà Nẵng để làm rõ những nghi vấn liên quan đến việc lừa đảo số tiền 1,2 tỷ đồng của chị Tuyết M. Trước những chứng cứ thuyết phục, hết đường chối, Mai thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội của mình. Cụ thể, từ năm 2015, Mai có quen biết với nhóm đối tượng quốc tịch Nigeria sinh sống tại TPHCM. Trong 2 năm (từ 2015 đến 2017), Mai được số đối tượng này nhờ đứng tên mở tài khoản cá nhân để nhận tiền bị hại chuyển đến. Khi mở thẻ, Mai đăng ký dịch vụ nhắn tin, vậy nên lúc tài khoản phát sinh giao dịch, Mai nhanh chóng rút tiền đưa cho đồng bọn và được chia một phần trong số này.
Theo Phòng CSHS CATP Đà Nẵng, thủ đoạn lừa đảo của Trương Thị Phương Mai cùng đồng bọn tuy không mới nhưng vẫn có nhiều người nhẹ dạ, cả tin mắc phải. Qua vụ việc này, mong người dân hết sức cảnh giác, đề phòng với những yêu cầu nộp phí để được nhận quà, tiền thông qua mạng xã hội.
ĐINH NGA