Qua miền đất hạn (2)

Thứ ba, 08/04/2014 10:03

Kỳ 2: Quảng Nam chủ động ứng phó với nắng hạn

(Cadn.com.vn) - Tại Quảng Nam, tổng diện tích vụ Đông Xuân 2013-2014 toàn tỉnh gieo cấy được khoảng 42.500ha. Tuy nhiên từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh chưa có đợt mưa nào khiến tình hình nhiễm mặn, thiếu nước tưới đang diễn ra trầm trọng, nguy cơ mất mùa đang rất cao.

Theo đánh giá của Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quảng Nam, lượng mưa từ tháng 12-2013 đến tháng 2-2014 giảm khoảng 65-85% so với trung bình nhiều năm; dòng chảy trên các sông đang hạ thấp dần, vùng hạ du các sông chịu ảnh hưởng mạnh của thủy triều, xâm nhập mặn. "Do lượng mưa, dòng chảy các con sông đều ở mức thấp và tình hình này có khả năng kéo dài trong vụ Đông Xuân 2013-2014, nguy cơ thiếu nước, khô hạn là rất lớn; mặn có khả năng xâm nhập vào vùng hạ du các con sông Vu Gia, Thu Bồn và Bàn Thạch. Trước diễn biến trên, ngày 28-2, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Phước Thanh đã ban hành Chỉ thị số 05/CT-UBND yêu cầu các ban, ngành, địa phương chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống hạn, nhiễm mặn nhằm giảm thiểu đến mức thấp nhất những thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp năm 2014", ông Lê Muộn- Phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam cho biết.

Nắng hạn kéo dài khiến nhà nông đang đối mặt với nguy cơ mất mùa.

Tại các huyện ở Quảng Nam, Điện Bàn chịu tác động lớn nhất của nắng hạn và nhiễm mặn. Ông Huỳnh Hiền, Phó Chủ nhiệm HTX Điện Ngọc 1 (H. Điện Bàn) cho biết: "Chúng tôi phải tận dụng hết thời gian có nước ngọt mở máy. Bởi HTX chúng tôi có 135ha lúa, hiện bước vào giai đoạn làm đòng nên rất cần nước. Nếu không có mưa và mức độ nhiễm mặn không giảm thì nguy cơ mất mùa là cái chắc". Còn ở Trạm bơm Tứ Câu (thuộc xã Điện Ngọc, H. Điện Bàn), cán bộ trạm phải túc trực gần như 24/24 giờ.

Anh Trương Hồng Nam, cán bộ trạm xác nhận: "Cứ 30 phút, cán bộ lại ra sông lấy nước đo nồng độ mặn. Nếu nồng độ dưới 0,8 phần nghìn thì tranh thủ vận hành máy để cung ứng nước cho ruộng đồng. Nhưng mỗi lần đo nếu độ nhiễm mặn vượt mức cho phép thì phải đóng máy ngay. Trạm bơm này hiện đang phục vụ tưới cho 262ha lúa, hoa màu xã Điện Ngọc và P. Hòa Quý (Q. Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng)".

Không chỉ Trạm bơm Tứ Câu mà hầu hết các trạm bơm khác như Trạm bơm Thanh Quýt phục vụ nước tưới cho 190ha của HTX Điện Ngọc 1, Điện Thắng Trung và Điện Thắng Bắc; Trạm bơm Cẩm Sa phục vụ nước tưới cho 117ha lúa của xã Điện Nam Bắc cũng đã xuất hiện tình trạng xâm nhập mặn. Nhân viên trạm bơm túc trực bên sông liên tục đo nồng mặn cho máy bơm hoạt động.

Điều đáng lo ngại, mức độ nhiễm mặn so với các năm trước cùng thời điểm năm nay thì mặn xâm nhập sớm và nồng độ cao hơn gấp nhiều lần. Để có nước tưới cho lúa, hầu hết các trạm bơm đóng ở phía Bắc tỉnh Quảng Nam phải hoạt động theo từng thời điểm. "Do độ mặn cao nên những ngày qua trạm chỉ vận hành được 5 giờ/ngày. Vì thế, diện tích lúa không đủ nước tưới"- một cán bộ Trạm bơm Tứ Câu cho biết.

Theo các ngành chức năng, thông thường những tháng đầu năm, nước thượng nguồn đổ về hồ thủy điện tới 60-70 m3/giây, nhưng các tháng đầu năm 2014 chỉ đạt 30-40 m3/giây và hiện nay chỉ còn 20 m3/giây. Cao trình mực nước hồ thủy điện Đắc Mi 4 hiện là 256m, thấp hơn mực nước dâng bình thường là 258m, vì thế nhà máy vừa phát điện nhưng vừa tích nước để đảm bảo phát điện. Do vậy hiện nay khu vực hạ du sông Thu Bồn đang phải đối mặt với khô hạn và xâm nhập mặn, ảnh hưởng đến nhiều cánh đồng lúa.

Mặn xâm nhập nặng khiến các trạm bơm phải hoạt động cầm chừng.

"Trước thực trạng trên, ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Nam và H. Điện Bàn đã có phương án đắp đập ngăn sông Vĩnh Điện, tổng vốn đầu tư gần 2 tỷ đồng. Thời gian thi công trong vòng 1 tháng. Sau khi hoàn thành đập sẽ ngăn mặn, giữ ngọt để tạo nguồn ổn định cho hàng chục trạm bơm hoạt động nhằm đảm bảo cung ứng nước tưới cho 3.000ha lúa, hoa màu phía Bắc tỉnh Quảng Nam và một phần TP Đà Nẵng. Sở NN&PTNT Quảng Nam đã có văn bản gửi tới các nhà máy thủy điện A Vương, Đắc Mi 4, Sông Tranh 2 và các huyện của tỉnh Quảng Nam.

Theo đó Sở NN&PTNT Quảng Nam đề nghị các nhà máy thủy điện báo cáo kế hoạch xả nước phát điện về Chi cục Thủy lợi Quảng Nam hàng ngày để tỉnh theo dõi, đề xuất kế hoạch phát điện phù hợp với nhu cầu sử dụng nước của hạ du"- ông Lê Muộn cho biết thêm. Ngày 1-4, UBND tỉnh phê duyệt phương án phòng, chống hạn và nhiễm mặn năm 2014, với tổng kinh phí thực hiện gần 35 tỷ đồng.

Theo đó, sẽ thực hiện các công trình chống hạn và nhiễm mặn, gồm: Nạo vét các đoạn sông bị ách tắc, bồi lấp để khơi thông dòng chảy; lắp đặt các trạm bơm điện, bơm dầu dã chiến chống hạn; nạo vét kênh mương các cấp; sửa chữa, kiên cố các đập dâng, hồ chứa nước; nạo vét bể hút các trạm bơm điện; đóng giếng khoan lấy nước ngầm; xây dựng, củng cố các đập thời vụ ở khu vực miền núi; xây dựng các đập tạm ngăn mặn trên sông Vĩnh Điện (H. Điện Bàn), sông Đầm (TP Tam Kỳ), sông Thu Bồn (tại Xuyên Đông, H. Duy Xuyên);... UBND tỉnh cũng chỉ đạo Cty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Quảng Nam và các đơn vị quản lý công trình thủy lợi ở địa phương phối hợp chặt chẽ với các tổ chức thủy nông cơ sở tăng cường công tác điều tiết dẫn nước trên hệ thống kênh tưới nhằm cấp nước kịp thời phục vụ sản xuất; thực hiện nghiêm túc các biện pháp tưới tiết kiệm trong điều kiện nguồn nước bị thiếu hụt.

Các địa phương, đơn vị chủ động sử dụng nguồn kinh phí dự phòng phòng chống thiên tai được giao trong dự toán ngân sách đã bố trí từ đầu năm để triển khai những biện pháp chống hạn... Đặc biệt, UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu các nhà máy thủy điện bậc thang trên hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với Sở NN&PTNT xây dựng và thống nhất kế hoạch xả nước qua phát điện theo các đợt gắn với nhu cầu sử dụng nước cho sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp năm 2014 ở hạ du, nhằm đảm bảo sử dụng nước hiệu quả nhất...

Với sự quyết liệt vào cuộc của các ngành chức năng của tỉnh Quảng Nam, hy vọng tình trạng hạn hán, nhiễm mặn trong năm nay sẽ phần nào được giải quyết, góp phần giảm thiểu thiệt hại thấp nhất cho người nông dân.

NHÓM PV XÃ HỘI
(còn nữa)