Quảng Nam: Cần đột phá trong xây dựng chính quyền điện tử

Thứ hai, 10/09/2018 14:10

Trong tháng 9-2018, tỉnh Quảng Nam sẽ "chốt" đề án xây dựng chính quyền điện tử (CQĐT) trình Chính phủ phê duyệt. Thực tế, trước khi có CQĐT, việc áp dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào hoạt động của các cơ quan trong bộ máy chính quyền đã được tỉnh Quảng Nam triển khai nhiều năm qua và mang lại những tín hiệu tích cực. Đấy được xem là cơ sở quan trọng, là "đòn bẩy" để tỉnh bứt phá, sớm đưa mô hình CQĐT hoàn thiện vào thực tiễn.

Quảng Nam đang hướng đến việc hoàn thiện chính quyền điện tử phục vụ tốt nhu cầu của người dân, doanh nghiệp.

"Đòn bẩy" từ nền tảng CNTT

Lộ trình xây dựng CQĐT tỉnh Quảng Nam được chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 từ năm 2018 - 2020 với mục tiêu xây dựng nền tảng CQĐT tỉnh. Giai đoạn này triển khai những nhiệm vụ trọng tâm như: nâng cấp cổng dịch vụ công trực tuyến, phần mềm một cửa điện tử tại Trung tâm Hành chính công và xúc tiến đầu tư, tại các sở, ban ngành, đơn vị cấp huyện, xã; đảm bảo khả năng đáp ứng yêu cầu phục vụ cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 và tích hợp, liên thông giữa các hệ thống. Hướng đến hình thành kênh giao tiếp hành chính duy nhất của chính quyền với người dân và doanh nghiệp. Xây dựng các dịch vụ nền tảng, danh mục dùng chung (tập trung vào các hệ thống phục vụ các ứng dụng nghiệp vụ của các lĩnh vực). Tiếp tục triển khai mở rộng cung cấp, ứng dụng chữ ký số, chứng thư số cho các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh. Đào tạo công dân điện tử cho một số TP/thị xã/huyện trên địa bàn tỉnh...

Giai đoạn 2 triển khai từ năm 2021 trở đi với những mục tiêu trọng tâm: phát triển toàn diện CQĐT tỉnh; tiếp tục kiểm tra, đánh giá và hoàn thiện các ứng dụng dùng chung cấp tỉnh, cơ sở dữ liệu dùng chung, cơ sở dữ liệu chuyên ngành. Tập trung phát triển các dịch vụ công trực tuyến từ mức độ 2 lên mức độ 3 và mức độ 3 lên mức độ 4 cho các lĩnh vực thường xuyên có giao dịch. Xây dựng các ứng dụng chuyên ngành ở mọi lĩnh vực, kho dữ liệu báo cáo, thống kê. Xây dựng, triển khai các hệ thống ứng dụng đảm bảo an toàn, an ninh thông tin. Nâng cấp, mở rộng các hệ thống tương tác với người dân như: hệ thống phản ánh, kiến nghị, góp ý, hệ thống hỗ trợ doanh nghiệp. Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng chữ ký số, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật đảm bảo khả năng kết nối, an toàn bảo mật an ninh thông tin cho các cơ quan, đơn vị còn lại trên địa bàn...

Theo ông Phạm Hồng Quảng, Giám đốc Sở TT&TT tỉnh, chủ trương xây dựng CQĐT là đề án lớn của tỉnh. Vì thế, cần có sự chung tay, vào cuộc một cách quyết liệt từ các sở, ban, ngành đến chính quyền các TP, huyện, thị xã... "Có thể xem mô hình CQĐT là một ứng dụng "thông minh" của khoa học công nghệ vào phục vụ việc giải quyết các vấn đề cũng như quản lý nhà nước. Điều này sẽ giúp người dân tiết kiệm thời gian trong giải quyết các vấn đề, cập nhật thông tin, chính sách cũng như tương tác, góp ý xây dựng các chủ trương của địa phương nhanh chóng, dễ dàng hơn...". Cũng theo ông Quảng, nền tảng để Quảng Nam hướng đến CQĐT hoàn thiện là đã đẩy mạnh việc áp dụng CNTT vào hoạt động của bộ máy chính quyền. Kể đến như: Cổng thông tin điện tử tỉnh, Một cửa điện tử, dịch vụ công trực tuyến, quản lý văn bản điều hành, thư điện tử công vụ, chữ ký số...

Cần sự bứt phá

 Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân, việc triển khai xây dựng CQĐT là mục tiêu bắt buộc của mỗi địa phương không riêng gì Quảng Nam. Tiện ích mà CQĐT mang lại là vô cùng lớn, không phải bàn cãi. Tuy nhiên, theo ông Tân, việc áp dụng triển khai tại Quảng Nam vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. "Công tác tổ chức triển khai vẫn còn rời rạc, chưa thật sự quyết liệt, mỗi nơi làm mỗi kiểu nên chưa phát huy tối ưu hiệu quả. Muốn có chính quyền điện tử phải có công dân điện tử nhưng trước hết mỗi cán bộ, nhân viên phải nâng cao khả năng, tiếp cận, áp dụng thành thạo những tiến bộ của KHCN, CNTT vào công tác", ông Tân nói.

Trong khi đó, đánh giá cao những nỗ lực của chính quyền Quảng Nam thời gian qua trong việc triển khai áp dụng CNTT vào điều hành hoạt động. Tuy nhiên, theo bà Mai Thùy Ngân, Phó Giám đốc Trung tâm Chính phủ điện tử (Cục Tin học hóa - Bộ TT&TT), để xây dựng mô hình CQĐT thì tỉnh còn nhiều điều phải quan tâm. Vẫn còn một số những hạn chế cần khắc phục như: hạ tầng về CNTT ở các cơ quan, nhất là các huyện, xã còn thiếu; trình độ dân trí chưa đồng đều, chưa mạnh dạn sử dụng các ứng dụng CNTT để giao tiếp với các cơ quan hành chính thay cho phương thức truyền thống là nộp trực tiếp hồ sơ; Thiếu nhân lực chất lượng cao am hiểu về công nghệ, quản trị và các chuyên ngành mà dịch vụ công cung cấp... Bên cạnh đó, hệ thống ứng dụng các mô hình của tỉnh còn phát triển rời rạc, phân mảnh, vận hành riêng lẻ tại các đơn vị, chưa có sự liên thông dữ liệu giữa các ứng dụng; Cổng thông tin điện tử của một số đơn vị cập nhật không thường xuyên, thông tin thủ tục hành chính chưa đầy đủ theo đúng quy định, chưa có số liệu thống kê chuyên ngành cũng như giao diện, bố cục website chưa thật sự thuận tiện cho việc truy cập, khai thác thông tin phục vụ người dân, doanh nghiệp. Bà Ngân cho rằng, để khắc phục những hạn chế này tỉnh Quảng Nam cần chú trọng đến những nội dung trọng tâm về về công tác tổ chức triển khai, nguồn nhân lực cùng các cơ chế chính sách đặc thù. "Xây dựng và duy trì kiến trúc là một quá trình liên tục. Do đó, sau khi được phê duyệt cần phải có phương án tổ chức để duy trì và vận hành kiến trúc CQĐT. Việc làm này đảm bảo chất lượng của kiến trúc, khi đó, kiến trúc sẽ trở thành công cụ hiệu quả trong tổ chức triển khai CQĐT", bà Ngân cho hay.

Hiện tại, để hoàn thiện đề án xây dựng CQĐT trình Chính phủ trong tháng 9, tỉnh Quảng Nam yêu cầu các bên liên quan góp ý nhằm sửa đổi, bổ sung. "Các sở, ban, ngành cần phối hợp chặt chẽ để tổng hợp các góp ý, chỉnh sửa trình UBND tỉnh phê duyệt. Đề án sớm đưa vào triển khai thực tế sẽ giúp tỉnh duy trì, nâng cao các chỉ số cạnh tranh qua đó thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội tỉnh", ông Tân nhấn mạnh.

Phi Nông