KỲ HỌP THỨ 8, QUỐC HỘI KHÓA XIII:

Quy định rõ trần quân hàm trong quân đội và công an

Thứ sáu, 28/11/2014 07:27

(Cadn.com.vn) - Sáng 27-11 tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII, dự án Luật Công an nhân dân (sửa đổi) được thông qua với 357 đại biểu tán thành (chiếm 71,83% tổng số đại biểu Quốc hội).

Dự thảo Luật được thông qua đã quán triệt các kết luận chỉ đạo liên quan đến thẩm quyền, quyền hạn, mối quan hệ giữa các cấp có thẩm quyền bổ nhiệm, phong, thăng, giáng chức quân hàm trong lực lượng CAND hiện nay. Về trần quân hàm, Luật Công an nhân dân (sửa đổi) thống nhất chức danh Thứ trưởng, Phó Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương có trần quân hàm Thượng tướng. Cấp bậc hàm cao nhất của Giám đốc CATP Hà Nội, Giám đốc CA TPHCM là Trung tướng. Trần quân hàm Trưởng Công an cấp quận tại TPHCM và TP Hà Nội là Thượng tá.

Cũng trong buổi sáng, với 363 đại biểu tán thành (73,04% tổng số đại biểu Quốc hội), Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam. Dự án luật được thông qua đã tiếp thu ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội về quy định đối với cấp bậc hàm cao nhất của Tư lệnh, Chính ủy Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội và TPHCM; trần quân hàm Chỉ huy trưởng Quân sự cấp tỉnh theo hướng trần quân hàm đối với Tư lệnh, Chính ủy Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội và TPHCM cao nhất là Trung tướng, Chỉ huy trưởng, Chính ủy Bộ Chỉ huy quân sự các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác là Đại tá để thống nhất với quy định cấp bậc hàm cao nhất của Giám đốc CATP Hà Nội, Giám đốc CA TPHCM và CA cấp tỉnh.

Chiều 27-11, Dự thảo Luật Giáo dục nghề nghiệp gồm 8 chương 79 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7- 2015, đã được Quốc hội biểu quyết thông qua tại phiên họp.

* Chiều cùng ngày, thảo luận về dự án Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, một số ý kiến đánh giá đây là Luật mới có phạm vi điều chỉnh rộng, liên quan đến nhiều luật khác. Vì vậy, Ban soạn thảo phải rà soát, làm rõ hơn phạm vi điều chỉnh, đối tượng quản lý, phân công trách nhiệm giữa các bộ, ngành trong việc quản lý tổng hợp tài nguyên môi trường biển và hải đảo để không chồng chéo với quy định của các luật khác, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật và phù hợp với điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Thu Thủy – TTXVN