Rong Nhật “định cư” ở miền Trung
(Cadn.com.vn) - Rong nho có tên khoa học là Caulerpa lentillifera, thuộc bộ rong cầu lục Caulerpales, ngành rong lục Chlorophytarong, phân bố ở vùng biển ấm Thái Bình Dương, tập trung ở Nhật Bản, Philippines, Java, Micronesia, Bikini... Cây rong nho Nhật Bản đã được di thực về vùng biển Ninh Thuận, Quảng Nam, Khánh Hòa..., mở ra hướng chuyển đổi sinh kế mới cho người dân.
Gia đình ông Nguyễn Đức Siêng (ở thôn Bình Trung, xã Tam Hải, H. Núi Thành - Quảng Nam) đang tất bật với việc thu hoạch rong nho trên diện tích khoảng 500m2 ao nuôi của gia đình. Ông Siêng cho biết, gia đình ông được Phòng NN&PTNT H. Núi Thành chọn làm mô hình thử nghiệm, hỗ trợ giống và kỹ thuật để đưa cây rong nho Nhật Bản về trồng tại địa phương từ đầu năm nay. Qua 2 tháng triển khai trồng, cây rong nho thích nghi cao với môi trường mới, phát triển khá ổn định. Mỗi tháng, gia đình ông thu hoạch trên 600kg rong nho tươi, với giá bán tại chỗ 30 ngàn đồng/kg, cho thu lãi từ 18 - 20 triệu đồng. “So với nuôi tôm, nghêu, hàu trước đây thì tôi thấy mô hình trồng rong nho này hiệu quả hơn hẳn. Cây rong nho không đòi hỏi kỹ thuật cao, dễ chăm sóc, phát triển nhanh và thời gian thu hoạch cũng ngắn, khoảng hơn 1 tháng đến 2 tháng sau khi trồng”- ông Siêng cho biết.
Theo Phòng NN&PTNT H. Núi Thành, sở dĩ loài Caulerpa lentillifera có tên rong nho là vì thân và lá giống như chùm nho xanh. Rong nho là loài thủy sinh có khả năng thích nghi với môi trường nuôi trồng ở nhiều vùng biển tại khu vực miền Trung Việt Nam. Theo quy trình “chuẩn” trong việc di thực rong nho Nhật Bản về Việt Nam để trồng thì yêu cầu địa điểm nuôi rong nho phải ở vùng biển (ao, hồ) sạch, nguồn nước không bị nhiễm bẩn; dùng các khay bằng nhựa hay đóng bằng gỗ tạp (tre, lồ ô...) có kích thước dài, rộng và cao khoảng 50 x 30 x 5 cm. Sau đó cho chất dinh dưỡng (đất bùn đáy biển) vào và cấy nhẹ cây rong nho trải đều lên mặt đất bùn, rồi đem các khay đặt trên các giá kê cách mặt đáy khoảng 0,5 m. Nước lấy vào ao nuôi có độ sâu từ 1 - 1,2 m, dùng guồng đập để tạo cho nước không bị tù đọng, đồng thời cung cấp thêm oxy cho nước để rong nho phát triển tốt. Bên trên mặt nước che bằng lưới để chủ động điều tiết lượng ánh sáng và nhiệt độ của nước trong ao nuôi cho phù hợp với điều kiện sống và phát triển của rong nho (22-280C).
Khai thác rong nho Nhật Bản tại xã Tam Hải, H. Núi Thành - Quảng Nam. |
Cây rong nho đã được trồng thành công ở Ninh Thuận, Khánh Hòa; được Viện Hải dương học Nha Trang, Công ty TNHH Trí Tín (Khánh Hòa) nhân giống và trồng trên quy mô lớn. Tại Phan Rang - Tháp Chàm (Ninh Thuận), gia đình ông Trần Hùng đã trồng rong nho theo hướng sản xuất hàng hóa trên tổng diện tích 5ha, cùng cơ sở chế biến rong tươi với 5 lao động. Bình quân mỗi ngày gia đình ông Hùng thu 60 kg rong nho, bán ra thị trường với giá khoảng 100.000-130.000 đồng mỗi kg, sau khi trừ chi phí, công lao động, thu lãi khoảng 2-2,5 triệu đồng. Mỗi năm cơ sở của ông thu lãi khoảng 700-800 triệu đồng!
Sản phẩm rong nho đã được thị trường săn đón, loại tốt (màu tươi xanh, trái to, đều, bóng mượt...) có giá từ 100-130 ngàn đồng/kg. Cây rong nho có hàm lượng vitamin A, C, các nguyên tố vi lượng và các axit béo... rất tốt cho sức khỏe, nhất là đối với người già, nên là loại thực phẩm được ưa chuộng tại Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan. Rong nho tươi có thể dùng ngay như một loại rau, rửa sạch, để ráo nước và trải lên trên lớp đá lạnh thì ăn rất ngon. Rong nho có thể chế biến thành các món nộm, súp, như một loại rau xanh thay thế. Rong nho muối nước hay muối khô bảo quản được 2 - 3 tháng.
Thân và lá cây rong nho. |
Chính vì lợi nhuận cao, điều kiện nuôi trồng khá thuận lợi, tận dụng được nguồn lao động tại chỗ... nên cây rong nho Nhật Bản đã và đang trở thành cây trồng tiềm năng ở một số vùng biển tại Việt Nam. Trồng rong nho chi phí đầu tư tập trung chủ yếu ở cây giống (1 tấn giống/sào khoảng 15 triệu đồng), rong sinh trưởng nhanh, sau 15 ngày là khai thác một lứa, nhưng cung không đủ cầu. Cây rong nho Nhật Bản sống và phát triển tốt trên vùng ao nuôi tại một số địa phương ven biển miền Trung tạo cơ hội cho bà con nhân dân ổn định việc làm tại chỗ, cho thu nhập cao so với nuôi trồng các loại thủy sản truyền thống. Khi áp dụng mô hình trồng rong nho, địa phương tận dụng được các diện tích ao nuôi tôm bị bỏ hoang để đưa vào sản xuất, tăng thu nhập đến giải quyết công ăn việc làm cho lao động nhàn rỗi tại địa phương.
Ông Lê Văn Hiệp, chuyên viên Phòng NN&PTNT H. Núi Thành (Quảng Nam) cho biết: “Toàn huyện có trên 1.500 ha diện tích mặt nước, được xem là điều kiện để phát triển rong nho Nhật Bản. Đối với mô hình này, chỉ cần đầu tư một lần chi phí ban đầu, tuy nhiên để đạt được những hiệu quả nhất định thì người nuôi trồng cần đảm bảo đúng quy trình kỹ thuật. Trong thời gian tới, H. Núi Thành định hướng mở rộng mô hình nuôi trồng rong nho nhằm giúp người dân tăng thu nhập. Với khả năng cải thiện tốt môi trường nước, cây rong nho Nhật Bản không chỉ được xem là hướng chuyển đổi sinh kế mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân mà còn góp phần nâng cao chất lượng môi trường tại địa phương.
Bài, ảnh: Th. Hà