Ru mãi bài ca bất tử!

Thứ tư, 27/07/2016 10:24

(Cadn.com.vn) - Tháng 7 về. Như hàng triệu trái tim con dân đất Việt, những "cựu binh Thành cổ" Quảng Trị với trận chiến lịch sử 81 ngày đêm "mùa hè đỏ lửa 1972" hiện sinh sống tại Đà Nẵng lại một lòng hướng về ngày trọng đại 27-7 - là ngày để dân tộc tri ân, tưởng nhớ những người chiến sỹ đã anh dũng hy sinh hoặc hiến một phần xương máu cho độc lập, tự do của Tổ quốc. Nhớ lại những ngày "máu trộn bùn non", sống dưới mưa bom bão đạn của kẻ thù, ai cũng bùi ngùi, xúc động không ngăn được những dòng nước mắt…

Thiếu tướng Trần Minh Hùng và Thượng tá Lương Hữu Khanh gặp nhau, ôn lại kỷ niệm
một thời chiến đấu tại Thành cổ Quảng Trị.

Khúc tráng ca Thành cổ

Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, có hàng triệu thanh niên Việt Nam đã lên đường hiến dâng cả tuổi thanh xuân đẹp nhất cho Tổ quốc. Đó là những chàng trai, cô gái từ nhiều miền quê, những sinh viên còn trên ghế trường đại học-đã để lại sau lưng mình hình bóng mẹ thân yêu, tạm biệt người thân, xếp bút nghiên ra trận. Cùng với nhiều thế hệ cha anh, dấu chân của họ đã in trên khắp nẻo đường chiến dịch…Thiếu tướng Trần Minh Hùng (1950), nguyên Phó Tư lệnh Quân khu V là một trong hàng triệu thanh niên như thế. Sinh ra trong gia đình có truyền thống cách mạng tại xã Điện Dương, H. Điện Bàn (Quảng Nam), tuổi thơ ông đã tận mắt chứng kiến kẻ thù ngày đêm gieo rắc tội ác, dày xéo quê hương.  Và như ông nói, lòng căm thù và tinh thần đánh giặc cứ thế được nung nấu, hun đúc theo lẽ tự nhiên. 12 tuổi, ông  tham gia đội công tác mật ở địa phương, đến 60 tuổi giã từ binh nghiệp với quân hàm thiếu tướng, trải qua những năm tháng chiến tranh gian khổ từ mảnh đất Quảng Đà "trung dũng, kiên cường" đến Trị Thiên khói lửa, tham gia hàng trăm trận đánh lớn nhỏ ở nhiều cương vị khác nhau, nhưng trận chiến 81 ngày đêm "mùa hè đỏ lửa 1972" tại Thành cổ Quảng Trị vẫn chưa bao giờ phai nhạt trong ông.   

Đầu tháng 5-1972, Thị xã Quảng Trị được giải phóng giai đoạn 1, khi ấy mới 22 tuổi và từ một cán bộ đại đội, Trần Minh Hùng được bổ nhiệm làm Trợ lý tác huấn Trung đoàn 95, Sư đoàn 325 cùng các đơn vị khác có nhiệm vụ chốt giữ, bảo vệ Thành cổ. 81 ngày đêm ông và đồng đội phải đối mặt với bom đạn kẻ thù. Sự sống ở đây quá mong manh, đồng chí đồng đội vừa sát cánh bên nhau, trao nhau nụ cười nhưng chỉ trong tích tắc người còn người mất. "Cuộc chiến đấu giữa ta và địch tại Quảng Trị trong 81 ngày đêm diễn ra vô cùng ác liệt. Các chốt quan trọng như Long Quang, nhà thờ Trí Bưu, ngã ba Long Hưng, ngã ba Cầu Ga... là những nơi quân ta đập tan các đợt phản kích của địch. Có ngày ta phải đương đầu với 5 đợt tấn công bằng bộ binh, xe tăng, phi pháo của địch. Đặc biệt, Thành cổ Quảng Trị là tiêu điểm ác liệt nhất và cũng là nơi thể hiện tinh thần anh dũng hy sinh, chiến đấu phi thường của quân và dân ta", Thiếu tướng Hùng nhớ lại.

Theo tướng Hùng, 81 ngày đêm 1972 đã diễn ra cuộc chiến đấu vô cùng ác liệt trong lòng thị xã và Thành cổ Quảng Trị, ta và địch giành nhau từng căn nhà, góc phố, từng mảng tường Thành cổ. Đặc biệt vào đầu tháng 9, thời tiết lúc này không thuận lợi, áp thấp nhiệt đới liên tục xảy ra, nước sông Thạch Hãn dâng cao, cả thị xã chìm trong biển nước. Lợi dụng tình hình đó, địch tăng cường bắn phá vào công sự của ta. Các chiến sỹ vừa thay nhau tát nước chống ngập công sự, vừa chống trả địch, suốt ngày ngâm mình trong nước, ăn lương khô, uống nước lã nên sức khỏe giảm sút, thương vong rất lớn. "Đau thương mất mát quá lớn, có tiểu đoàn phải bổ sung 3 đến 4 đợt quân, có ban chỉ huy tiểu đoàn lần lượt hy sinh đến đồng chí tiểu đoàn trưởng thứ 4, có ngày mất một đại độ bộ binh nhưng tất cả đều vượt qua đau thương, chết chóc để chiến đấu với quân thù", Thiếu tướng Trần Minh Hùng ngậm ngùi.

Báo Quân đội Nhân dân số ra ngày 9-8-1972 viết: "Mỗi mét vuông đất tại Thành cổ Quảng Trị là một mét máu..., mỗi ngày có 1 đại đội vượt dòng Thạch Hãn để tiếp viện quân số, nhưng đêm nay một đại đội tiến vào thì ngày mai chỉ còn lại vài người sống sót". Trong 81 ngày đêm "mùa hè đỏ lửa" 1972, cựu binh-Thượng tá Lương Hữu Khanh (Phó Chủ tịch Hội Chiến sỹ bảo vệ Thành cổ Quảng Trị tại Đà Nẵng) có hơn nửa thời gian trực tiếp chiến đấu ngay trong lòng Thành cổ, trước lúc ông bị thương và phải chuyển ra tuyến sau điều trị. Với ông, kỷ niệm nhớ nhất là việc được kết nạp Đảng ngay trên mặt trận, giữa làn bom đạn của kẻ thù. Nhưng điều làm ông day dứt, đau đớn nhất lại là việc chứng kiến đồng đội hy sinh ngay trước mắt mình. "Đó là ngày 10-8-1972, tổ chiến đấu gồm có tôi, đồng chí Nguyễn Văn Mưng và Trần Văn Thời (cùng quê Quảng Bình - P.V) được lệnh lên cứu chốt. Khi đồng chí Mưng vừa ra khỏi cửa hầm, đến lượt đồng chí Thời bước ra thì một quả đạn pháo bắn trúng và hy sinh. Điều đau đớn nhất là khi chúng tôi chôn cất đồng chí ở khu vực gần địa đạo trong Thành cổ, tuy nhiên do bom đạn cày xới liên tục, thi thể không được nằm yên", cựu binh Lương Hữu Khanh rưng rưng kể.

"Ru mãi bài ca bất tử đến vô cùng"...

Hàng năm, cứ đến dịp kỷ niệm ngày TB-LS 27-7, những cựu binh Thành cổ như thiếu tướng Hùng, thượng tá Lương Hữu Khanh và hơn 60 thành viên trong Hội chiến sỹ Thành cổ Quảng Trị tại Đà Nẵng cùng hàng triệu người dân nước Việt lại hướng về Quảng Trị. Họ trở về thăm lại chiến trường xưa, tìm lại quá khứ hào hùng của một thời tuổi trẻ, và cũng để tưởng nhớ, cầu mong cho linh hồn các đồng đội được an giấc ngàn thu. Nhiều người ngã xuống khi chưa tròn 18, 20 tuổi; nhiều người hy sinh đến nay vẫn còn chưa xác định danh tính. Xương máu các anh đã hòa quyện vào gạch đá đổ nát, tan vào đất đai, từng cành cây ngọn cỏ.

"Nhẹ bước chân và nói khẽ thôi. Cho đồng đội tôi nằm yên dưới cỏ. Trời cũng tự trong xanh và lộng gió. Dẫu ồn ào đừng lay mạnh hàng cây. Nhẹ bước chân và nói khẽ thôi. Thành cổ rộng sao đồng đội tôi nằm chật. Mỗi tấc đất là một cuộc đời có thật. Cho hôm nay, tôi đến nghẹn ngào. Bạn nằm lại nơi này, nơi nao? Phía đông thành, tây thành hay dưới dòng Thạch Hãn. Tám mươi mốt ngày đêm đất trời ken dày bom đạn. Cát trắng rang vàng, nghiêng lệch cả dòng sông"…, lời nhắn nhủ nhẹ nhàng nhưng sâu lắng trong bài thơ "Tấc đất Thành cổ" của cựu binh Phạm Đình Lân (Hà Nội) trong một lần về thăm lại chiến trường xưa cũng là thông điệp cho tất cả chúng ta mỗi khi có dịp đặt chân đến Thành cổ. Rằng hãy nhớ, hãy trân trọng và biết ơn sự hy sinh của những chàng trai, cô gái "đẹp như hoa hồng, cứng hơn sắt thép". Và tháng 7 trở thành mùa tri ân, mùa hành hương về cội!

D.Hùng