Sai lầm của Ukraine

Thứ năm, 17/04/2014 09:11

(Cadn.com.vn) - Bắt đầu chiến dịch “chống khủng bố” nhằm vào người biểu tình ở miền đông Ukraine là thử nghiệm về cam kết mới của Kiev với các quyền dân chủ.

Báo CS Monitor cho rằng, một trong những thước đo dân chủ quan trọng cho một quốc gia là liệu lực lượng an ninh có tôn trọng quyền biểu tình và từ chối bắn người biểu tình hay không. Nhưng giờ đây, Tổng thống tạm quyền Ukraine, Olexander Turchynov phạm phải sai lầm nghiêm trọng khi điều binh đến trấn áp người biểu tình ở miền đông.

Giới phân tích cho rằng, cách tốt nhất là quân đội Ukraine phải kiềm chế trong cuộc chiến chống lại người biểu tình không vũ trang như thế này.  Bởi lẽ, điều này sẽ ảnh hưởng đến hành động của Moscow khi miền đông là nơi có đa số người dân nói tiếng Nga sinh sống. Nhưng rồi, máu đã đổ. Sự leo thang chóng vánh của cuộc xung đột trên thực tế khiến Tổng thống Nga phải cảnh báo “Ukraine đang đứng bên bờ vực nội chiến”.

Các binh sĩ Ukraine đụng độ với người biểu tình gần Kramatorsk, miền đông Urkaine.
Ảnh: Reuters

Ngày 16-4, 20 xe tăng và xe bọc thép được điều đến Slavyansk, phản ứng mạnh mẽ nhất mà chính quyền Kiev nhằm vào lực lượng ly khai, hiện đang chiếm đóng các tòa nhà chính quyền tại 10 thành phố, thị trấn trên khắp vành đai gỉ của Ukraine. “Họ phải được cảnh báo rằng nếu họ không hạ vũ khí, họ sẽ bị tiêu diệt”, Tướng Vasyl Krutov – người đứng đầu Cục  an ninh quốc gia Ukraine (SBU) nói với một nhóm các phóng viên. Quân đội Ukraine cũng có mặt tại sân bay quân sự ở Kramatorsk, phía nam Slavyansk mà họ tuyên bố được “giải phóng” mà không có bất kỳ thương vong nào.

Tuy nhiên, nhà hoạt động ủng hộ Nga Oleg Issanka nói với AFP rằng, quân đội đã nổ súng làm 2 người bị thương. Điện Kremlin mô tả các hành động của quân đội Ukraine là “bất hợp pháp khi chống lại các hành động biểu tình ôn hòa”. Trong khi đó, theo AFP, khoảng 20 người biểu tình ủng hộ Nga đi vào văn phòng thị trưởng thành phố công nghiệp Donetsk. Nhóm người trên, không vấp phải kháng cự của nhân viên an ninh tòa nhà, tuyên bố họ chỉ có yêu cầu duy nhất là để khu vực này được tổ chức trưng cầu dân ý nhằm đưa Ukraine trở thành một nhà nước liên bang với các quyền khu vực lớn hơn.

Ukraine từng trải qua hai cuộc cách mạng dân chủ (vào năm 2004 và 2013). Nhưng hiện người ta đang đặt câu hỏi là liệu các giá trị dân chủ này đã chìm nghỉm hay chưa. Chuỗi biểu tình của Ukraine lần này là điểm nóng mới nhất trong hàng loạt khủng hoảng biểu tình trên toàn thế giới. Từ năm 2006-2013, 842 cuộc biểu tình xảy ra tại 84 quốc gia, theo khảo sát của Quỹ Sáng kiến Đối thoại Chính sách của Đức, Friedrich-Ebert-Stiftung. Theo CS Monitor, một nửa trong số này bị chính quyền đàn áp khắc nghiệt. Người dân lại bất mãn và lại biểu tình. Một vòng tròn luẩn quẩn.

Và giờ đây, Kiev lại đi theo cái vòng tròn luẩn quẩn này. Các lực lượng Ukraine đã mở “chiến dịch đặc biệt” nhằm vào các phần tử ly khai ở khu vực miền đông bất chấp cảnh báo của Moscow và việc LHQ tuyên bố từ chối triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình đến quốc gia Đông Âu. Nhưng Mỹ đang ngầm ủng hộ hành động quân sự của Ukraine. AP dẫn lời người phát ngôn Nhà Trắng Jay Carney cho rằng, hành động như vậy không phải là sự lựa chọn ưu tiên, song Ukraine phải đối phó với cái mà ông này gọi là tình hình “không bảo vệ được”.

Trong khi phần còn lại của thế giới đang đổ mắt vào những diễn biến ở miền đông Ukraine, khả năng Nga-Mỹ có thể động binh ở Ukraine cũng được đặc biệt quan tâm. Vai trò của Nhà Trắng và sự xuất hiện của Giám đốc Cục tình báo Trung ương Mỹ (CIA) đang chứng tỏ cuộc khủng hoảng Ukraine đang vượt tầm kiểm soát của Kiev. Ukraine đang chờ những diễn tiến từ bên ngoài.

Theo đó, các bên nên tận dụng hội nghị 4 bên tại Genève (Thụy Sĩ) để tìm ra một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột ở Ukraine. Tất cả hy vọng cuộc họp có thể phát đi một tín hiệu rõ ràng để đưa tình hình trở lại khuôn khổ hòa bình.

Khả Anh