Sai phạm trên đất quy hoạch nguyên liệu chè ở Nghệ An: Trách nhiệm thuộc về ai?

Thứ ba, 12/11/2013 10:26

Bán đất quy hoạch nguyên liệu

(Cadn.com.vn) - Đầu tháng 6-2013, một số công nhân Xí nghiệp chế biến dịch vụ chè Thanh Mai (viết tắt: XN)- thuộc Cty TNHH MTV đầu tư phát triển chè Nghệ An, phản ánh: có một nhóm người lạ đưa máy móc đến đào bới, san lấp trên một diện tích rộng thuộc đất quy hoạch nguyên liệu ở gần đường mòn Hồ Chí Minh. Ngày 19-6, XN đã cử cán bộ đến hiện trường để kiểm tra, xác minh. Qua đó, xác định khu vực đang bị đào bới, san lấp mặt bằng là đất thuộc vùng quy hoạch nguyên liệu chè của XN đã giao khoán cho hộ gia đình ông Nguyễn Công Lý (trú đội 12/9- thuộc XN), địa giới hành chính thuộc xã Thanh Xuân, H. Thanh Chương (Nghệ An).

Trước sai phạm này, XN đã lập biên bản sự việc, tuy nhiên nội dung được thể hiện khá sơ sài, nhiều chi tiết chưa thực sự rõ ràng. Cụ thể, XN cho rằng gia đình ông Lý tiến hành san lấp mặt bằng, gây ảnh hưởng đến đất nông nghiệp, làm thay đổi hiện trạng về đất đai. Song theo trình bày của ông Lý (trong biên bản), diện tích đất nói trên (7.000m2) ông đã chuyển nhượng cho một người tên Quý (trú TP Vinh, Nghệ An). Sau đó, ông Quý lại chuyển nhượng lại cho một người tên Hóa (trú H. Hương Sơn, Hà Tĩnh). Đồng thời, ông Lý khẳng định, ông Hóa chính là người đang san lấp mặt bằng để xây dựng Nhà máy chế biến gỗ dăm.

Sau khi tiến hành kiểm tra xác minh, đoàn kiểm tra của XN yêu cầu gia đình ông Lý giữ nguyên hiện trạng đất đai, không được tiếp tục san lấp hay xây dựng công trình khi chưa có sự cho phép của các cơ quan có thẩm quyền...

Nhà máy chế biến gỗ dăm được xây dựng trái phép trên đất của Xí nghiệp chè Thanh Mai.

Bao che cho sai phạm?

Tuy nhiên, kể từ đợt kiểm tra ngày 19-6 đến mấy tháng sau chẳng thấy bóng dáng của cán bộ XN tiếp tục kiểm tra, xử lý việc xây dựng trái phép nữa. Điều khiến dư luận vô cùng ngạc nhiên hơn là, ngay sau đó một "đại công trường" đã được hình thành tại khu vực đang san lấp trái phép này.

Đến đầu tháng 10-2013, việc xây dựng nhà máy trái phép đã đạt hơn... 80% với số vốn đầu tư (khoảng 40 tỷ đồng), gồm các hạng mục: 3 dãy nhà cấp 4 rộng khoảng 300m2; nhà bảo vệ; nhà xưởng rộng khoảng 450m2, một trạm biến thế điện. Ngoài ra, đơn vị xây dựng trái phép đã đầu tư mua sắm các trang thiết bị, máy móc phục vụ sản xuất chế biến gỗ nguyên liệu... tất cả đều được xây dựng trên diện tích 10.076m2 đất nông nghiệp của XN.

Trước sự việc "tày trời", mãi đến ngày 7-10, tổ công tác của UBND H. Thanh Chương mới tiến hành làm việc với đơn vị xây dựng trái phép nói trên. Qua đó, xác định đơn vị này là Cty CP Đầu tư & Sản xuất Thành Phát (DN này được Sở KH&ĐT Nghệ An cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh số 2901626798 ngày 20-5-2013 và đăng ký thay đổi lần 1 vào ngày 18-9-2013). Cũng trong ngày hôm đó, UBND xã Thanh Xuân ra thông báo đình chỉ xây dựng công trình trái phép trên đất nông nghiệp. Riêng Cty TNHH MTV Đầu tư phát triển chè Nghệ An thì đến ngày 9-10 mới ra Công văn số 172/CV/CT-KH về việc xử lý vi phạm quản lý sử dụng đất đai không đúng mục đích tại XN.

Sau đó, ngày 11- 10, Cty Thành Phát có công văn gửi các cơ quan chức năng về việc "Xin chỉ đạo hướng dẫn làm các thủ tục hành chính cấp giấy chứng nhận đầu tư khu buôn bán vật liệu xây dựng, buôn bán chế biến gỗ nguyên liệu".

Đến ngày 17-10, Cty TNHH MTV Đầu tư phát triển chè Nghệ An lại có công văn về việc "xây dựng trái phép, sử dụng đất sai mục đích". Ngày 28-10-2013, UBND tỉnh Nghệ An có Công văn số 7630/UBND-CN về việc "Kiểm tra xây dựng nhà máy sản xuất gỗ dăm tại khu đất đội 12/9, XN chè Thanh Mai". Vì thế, ngày 1-11, Cty TNHH MTV đầu tư phát triển chè Nghệ An tiếp tục có công văn chấn chỉnh công tác quản lý đất đai tại XN...

Trước sự việc trên, lãnh đạo Cty TNHH MTV Đầu tư phát triển chè Nghệ An, bà Trần Thị Thảo- Phó Tổng giám đốc, ông Đinh Văn Hiệp- Trưởng phòng kế hoạch và ông Nguyễn Viết Toàn- Cán bộ Phòng kế hoạch đều thừa nhận có sự buông lỏng quản lý và gặp "sự cố" về công tác cán bộ nên mới để xảy ra sự việc vừa qua: "Chúng tôi mới chỉ nhận được thông tin vụ việc vào ngày 9-10 và đã ra văn bản chỉ đạo luôn. Dù hàng tháng chúng tôi có cử cán bộ đi kiểm tra về quản lý đất đai nhưng thực sự là địa bàn quá rộng, đôi khi chúng tôi cũng không biết đất của mình đến đâu nữa nên không phát hiện được sai phạm". Về vấn đề này, bà Trần Thị Thảo quả quyết: "Chúng tôi bị XN chè Thanh Mai che giấu"(?).

Với cách trả lời thiếu thuyết phục trên của lãnh đạo Cty TNHH MTV Đầu tư phát triển chè Nghệ An, dư luận có thể hiểu được vì sao một dự án "chui" có quy mô lớn, vốn đầu tư "khủng" nhưng lại có thể dễ dàng "qua mắt" nhiều cơ quan chức năng có thẩm quyền đến thế.

Bài, ảnh: Xuân Sơn