Sự đổi thay kỳ diệu
(Cadn.com.vn) - Tờ nhật báo lớn của nước Anh trong số ra trung tuần tháng 3-2015 đánh giá sự thay đổi kỳ diệu của Đà Nẵng là minh chứng điển hình cho quá trình đổi thay ở Việt Nam sau 40 năm giải phóng. Sự thay đổi kỳ diệu ấy chẳng nhờ một phép mầu nào cả cũng chẳng phải ngẫu nhiên mà có. Thành quả của Đà Nẵng hôm nay là cả một tiến trình với quyết tâm, khát vọng không ngừng nghỉ từ lãnh đạo, tới mỗi người dân TP. Quan trọng hơn, tiền đề để Đà Nẵng bứt phá, để những cách nghĩ, cách làm "tạo sự khác biệt" của Đà Nẵng có thể phát huy, chính là cơ chế đặc thù mà Trung ương trao cho TP.
Gạch nối thời gian
Khi nói về sự đổi thay của Đà Nẵng, nhiều người liên tưởng ngay tới những dãy nhà chồ nhếch nhác ven sông Hàn thuở nào, để rồi ngay tại nơi này giờ đây thay bằng những tuyến phố sầm uất, tráng lệ. Và cũng trên dòng sông Hàn này, từ cây cầu quay lịch sử, trở thành biểu tượng cho sự đổi mới của Đà Nẵng, giờ đây đã có gần chục cây cầu mới bắc qua, đều mang những dấu ấn kiến trúc độc đáo. Ai đó đã ví, sông Hương của Huế là dòng sông thi ca, còn sông Hàn của Đà Nẵng là dòng sông của lịch sử- nơi đã chứng kiến sự chuyển mình, đổi thay "từng hơi thở" của thành phố, hẳn là rất có lý. Nhưng có lẽ, sự đổi thay lớn lao nhất khi nói về đô thị Đà Nẵng chắc chắn phải là công cuộc kiến thiết để TP từ quay lưng ra biển đã hướng mặt về phía biển.
Còn nhớ, lúc tuyến đường ven biển Nguyễn Tất Thành mở ra, nhiều người đã vỡ òa niềm vui bởi không ngờ Đà Nẵng quay ra biển lại đẹp thế. Về đêm, nhìn từ Hải Vân, tuyến đường cánh cung ôm trọn biển cả vào lòng nối một vệt tới cửa Hàn mang vẻ quyến rũ, lung linh thật khó cưỡng. Chưa dừng ở đó, khi tuyến đường Hoàng Sa, Võ Nguyên Giáp được mở ra chạy dọc bãi biển từ chân núi Sơn Trà qua Non Nước lại tiếp tục được coi là kỳ tích mới của Đà Nẵng. Dấu ấn ở đây chính là lối quy hoạch tiên tiến và sự định vị chiến lược.
Bằng cảm nhận chủ quan hẳn người dân, du khách cũng đều bị mê hoặc bởi vẻ đẹp quyến rũ thế nào của bãi biển Mỹ Khê, để không phải ngẫu nhiên nó được thế giới xếp hạng là một trong những bãi biển quyến rũ nhất hành tinh. Nhưng nếu nhìn xa hơn, tuyến đường ven biển này nối với Hội An- di sản thế giới, được quy hoạch cách xa bãi biển để dành chỗ cho du lịch. Bây giờ thì các dự án resort du lịch mọc lên san sát với sự kỳ vỹ, cuốn hút, trở thành những "thiên đường" thực thụ của du khách. Từ biển nhìn vào Đà Nẵng, nhìn vào mặt tiền của TP, hẳn sẽ có cảm nhận TP như một con tàu lớn tràn căng sức sống đang vững chãi tiến ra đại dương.
Quay lại câu chuyện khi xây dựng con đường Nguyễn Tất Thành từ 10, 15 năm trước. Khi đó, hàng ngàn hộ dân đã phải di dời, giải tỏa, không ít người đã chấp nhận sự thiệt thòi phần nhỏ về mình vì công cuộc kiến thiết, phát triển TP. Nhìn rộng ra trên toàn TP, có lẽ câu chuyện giải tỏa, đền bù đã tác động đến cuộc sống của hàng trăm ngàn hộ dân. Trong khoảng 10 năm từ năm 2000, TP như một đại công trường. Nói như lãnh đạo TP, cái được lớn nhất của Đà Nẵng là được lòng dân. Vì tạo được sự đồng thuận của dân nên công cuộc kiến thiết diễn ra nhanh, mạnh, đã căn bản thay đổi diện mạo, tạo sức sống mới cho TP. Là TP trẻ, phát triển sau nên Đà Nẵng đã rút ra nhiều bài học quý giá về quy hoạch đô thị. Việc phát triển hạ tầng được Đà Nẵng tính trước cho cả nửa thế kỷ sau, cũng chính vì vậy so với nhiều địa phương khác đô thị Đà Nẵng không mắc phải những căn bệnh trầm kha như kẹt xe, ngập úng, ô nhiễm môi trường... một cách nặng nề.
Cũng phải nói rằng, khi hạ tầng Đà Nẵng được đầu tư, phát triển từ sân bay, cảng biển, đường sá, luôn gắn với một chiến lược dài hơi, bền vững. Cũng chính là sự đổi thay nhìn từ những cây cầu, từ những tuyến đường ven biển, nhưng, những cây cầu ở Đà Nẵng không chỉ để phục vụ giao thông mà còn là điểm nhấn kiến trúc, phục vụ du lịch. Tuyến đường ven biển không chỉ để đi lại, mà là điểm tựa để phát triển du lịch, tận dụng lợi thế từ biển. Và, cũng không phải đến bây giờ người Đà Nẵng mới nhận ra rằng du lịch, dịch vụ chính là ngành kinh tế mũi nhọn, là tiền đề của sự phát triển bền vững. Cũng không phải bây giờ, mà trước đó hàng chục năm, khi các địa phương khác "trải thảm đỏ" mời gọi đầu tư công nghiệp, Đà Nẵng đã nói không với các dự án đầu tư "khủng" vì nó gây ô nhiễm môi trường. Những con đường, những cây cầu hay sân bay, bến cảng hiện đại chính là những gạch nối thời gian, vừa tạo sự đổi thay diệu kỳ cho Đà Nẵng, nhưng cũng là tiền đề để Đà Nẵng hướng tới tương lai phát triển bền vững...
Sự kỳ diệu đến từ đâu?
Sự kỳ diệu được tạo ra nhưng không phải từ một phép mầu nào cả, mà bằng chính quyết tâm và khát vọng của mỗi người dân TP. Còn nhớ, cố Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh-người lãnh đạo đã để lại dấu ấn sâu đậm trong tiến trình phát triển Đà Nẵng hiện đại, từng nói, chính cách làm "khác biệt" đã tạo cho Đà Nẵng phát triển nhanh hơn. Chỉ với 2 từ "khác biệt" nhưng đã bao hàm khá nhiều "chuyện" của Đà Nẵng. Chẳng hạn chuyện giải tỏa đền bù, trong khi các địa phương khác rất lúng túng thì Đà Nẵng lại làm rất tốt, trở thành điển hình.
Sự khác biệt đơn giản chỉ là gần dân, lắng nghe nguyện vọng của người dân, biết lo cho cái khó của dân và biết thuyết phục để người dân cùng chia sẻ, đồng thuận với chính quyền, tất cả vì mục tiêu thành phố phát triển hiện đại hơn. Hoặc, có những cách làm "khác biệt" đã tạo ra "thương hiệu" của Đà Nẵng. Chẳng hạn chủ trương "5 không", "3 có", chỉ Đà Nẵng mới dám nghĩ, dám làm. Đà Nẵng đã xây hàng chục ngàn căn hộ cho dân nghèo, phụ nữ đơn thân, với quan điểm có an cư mới lạc nghiệp, có việc làm mới có cuộc sống ổn định, có nếp sống văn minh, tránh xa các tệ nạn xã hội. Đó là một chủ trương rất nhân văn và nhắc tới Đà Nẵng người ta nghĩ ngay đến "5 không", "3 có" như một thương hiệu.
Nhưng Đà Nẵng không chỉ có vậy. "Thương hiệu" Đà Nẵng có thể nằm ở Cuộc thi trình diễn pháo hoa quốc tế (duy nhất ở Việt Nam, thu hút hàng triệu lượt khách tham gia); có thể nằm ở những công trình kỳ vỹ, ấn tượng như những cây cầu, Cung thể thao Tiên Sơn, Công viên Châu Á, Bà Nà Hills, hệ thống resort ven biển... Nhưng "thương hiệu" Đà Nẵng cũng có thể nằm trong những cái nhất liên tục như Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, Chỉ số sẵn sàng ứng dụng CNTT, TP môi trường của ASEAN, thành phố có hàm lượng carbon thấp, thành phố có khả năng chống chịu, thành phố tiến bộ nhất, điểm đến hấp dẫn nhất hành tinh...
Sự nhạy bén trong việc đưa ra các quyết sách của lãnh đạo TP chính là việc luôn biết mình đang đứng ở đâu, phải làm gì để cải tiến vị trí. Khi Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh tụt bậc, TP tổ chức ngay hội thảo mời các chuyên gia để mổ xẻ; khi xây dựng những công trình chưa được dư luận đồng tình, TP mời các nhà khoa học để tham vấn, cầu thị, lắng nghe; khi văn hóa, văn minh đô thị đang có biểu hiện lệch chuẩn ở nhiều địa phương khác, TP đã ra ngay chủ trương phải thực hiện Năm văn hóa, văn minh đô thị... Trong các cuộc họp HĐND, trong cách tiếp cận xử lý các vấn đề "nóng" của lãnh đạo TP, ít nhiều cũng tạo dấu ấn, thương hiệu riêng của Đà Nẵng được dư luận, bè bạn khắp nơi đồng tình. Tất cả những điều đó đã tạo cho Đà Nẵng một sức hút riêng. Đến mức, trên nhiều diễn đàn, khi ở đâu đó xảy ra vấn đề gì, dư luận lại chọn Đà Nẵng để làm minh chứng so sánh.
Như vậy có thể tin tưởng rằng, với truyền thống, thành tựu đạt được; với sự đồng thuận của người dân, sự hỗ trợ của Trung ương, Đà Nẵng sẽ phát triển bứt phá mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới. Nói như Chủ tịch UBND TP Huỳnh Đức Thơ: "Đà Nẵng sẽ phát triển xứng đáng với sự hy sinh của lớp lớp cha ông đi trước, với niềm tin của nhân dân và sự kỳ vọng của con cháu mai sau".
Phạm Quỳnh Nam