Sự thay đổi trọng đại biết chừng nào! (*)

Thứ hai, 30/04/2018 12:15

LTS- Trong chiến dịch Hồ Chí Minh, nhà báo Phương Hà - phóng viên báo Giải phóng - Cơ quan Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam được phân công đi viết hướng tây- bắc Sài Gòn. Sau khi tham gia giải phóng thị xã Tây Ninh, nhà báo Phương Hà đến thăm Trường Trung học nữ sinh Ngọc Vạn rồi thân quen với các thầy cô giáo ở đây, trong đó có cô giáo Võ Ngọc Sương dạy môn lịch sử và địa lý. Từ tháng 5-1975 đến tháng 12-1976, cô giáo Ngọc Sương viết rất nhiều thư cho nhà báo Phương Hà và anh đã trân trọng giữ gìn cẩn thận cho đến nay. Nhân kỷ niệm 43 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, được sự đồng ý của cô giáo Ngọc Sương, nhà báo Phương Hà đã gửi cho Báo Công an TP Đà Nẵng một số thư tựa như nhật ký của cô viết trong nửa cuối năm 1975, qua đó bạn đọc hiểu thêm tâm tư, tình cảm của những trí thức chế độ cũ đối với ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và đối với những chiến sĩ cách mạng. Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc. 

Tự vệ thị xã Tây Ninh, tháng 5-1975.   

Ngày 12-5-1975

Hôm anh đến, trường vắng, cây cối xác xơ vì thiếu người chăm sóc. Bây giờ trường đông vui và đã hết mùa khô  nhưng vẫn còn vài cánh phượng đỏ nổi bật trên màu xanh của lá. Trường vừa có hiệu trưởng mới, anh Mai. Bọn Sương đang chờ xem ông thầy cách mạng này "hắc" hay "hiền", có giỏi sư phạm không...

Ngày 5-6-1975

Hiệu trưởng Mai "hắc" thật, vì trong khóa học chính trị với giáo chức, anh là người khó tính nhất trong ban học tập. Nói vui vậy thôi chứ ảnh rất dễ gần, hiểu tâm trạng của những thầy cô giáo chưa biết số phận mình sẽ ra sao trong sự xáo trộn ghê gớm này. Anh là con người tràn đầy tình cảm và cũng chưa có thầy hiệu trưởng nào chiếm được tình cảm của học trò mau chóng và trọn vẹn như ảnh. Không biết các nơi khác thế nào, riêng trường của Sương, học sinh được học hết khóa để bù lại những ngày phải nghỉ cuối tháng 4 đầu tháng 5. Một số thầy giáo cách mạng cũng vừa về trường, trong đó có thầy Châu, con người nho nhã, xuất khẩu thành chương. Thầy Thống trong phần thuyết trình ở các buổi học chính trị cho bọn Sương, nhiều lúc làm mình choáng váng, giận ảnh ghê nhưng sau đó nhìn vẻ mặt hiền lành và nụ cười dễ thương của ảnh, chẳng còn ai giận nữa, dù có lúc ảnh chê bai thầy cô giáo tụi này tiếp thu tinh thần cách mạng chậm. Cô Đào tươi đẹp trả lời những câu hỏi hóc búa của tụi này bằng giọng nói ôn tồn và nụ cười hoa nở. Thầy Nhận rất dễ thương và luôn bắt đầu bằng câu: "Thưa các chị, thưa các anh...".

Ngày 10-6-1975

Hầu như các anh chị cách mạng đều đáng mến như vậy, phải không? Đối với người dân miền Nam, từ lâu sống trong một chế độ suy thoái, những người có lương tri cảm thấy thất vọng. Bây giờ những chiến sĩ cách mạng hiện ra như ánh hào quang, mọi người không kính yêu sao được! Thư cho Sương, anh dùng cụm từ "một chặng đường hoàn toàn mới", thật đúng về mọi mặt đối với Sương. Đọc cuộc đời hoạt động của Hồ Chủ tịch và những lời thế giới nói về Người, nhìn những thanh niên sống có lý tưởng, chết cho lý tưởng, như anh, Sương thấy mình sao mà bé nhỏ...

Ngày 14-7-1975

Các anh chị ở trường, nhất là Sương, rất mong được gặp anh ở Tây Ninh. Lần gặp này chắc sẽ không còn bỡ ngỡ như ngày nào vì Sương đã bước qua chặng đường mới, hy vọng mới. Hôm gặp anh sau khi hết tiếng súng, Sương có 45 ký, bây giờ đã là 48 ký. Như vậy, niềm vui và sự làm việc cũng có thể làm mình lên cân lắm chứ. Nhưng Sương không mong sẽ tiến bộ theo hướng đó!...

Ngày 22-7-1975

Tuần lễ này mệt ngất ngư anh ạ. Vừa dạy, vừa học chính trị. Chiều ngày vừa rồi có đoàn báo chí ngoại quốc đến thăm trường Ngọc Vạn. Sương được đại diện phát biểu để họ ghi âm. Chẳng kịp chuẩn bị gì nên mất bình tĩnh chút xíu. Sương nói thật lòng. Là thầy giáo, ở chế độ nào cũng phải truyền bá kiến thức cho học trò. Chương trình dạy học, nhất là môn văn, sử, địa có mới nhưng Sương tiếp thu được. Tất nhiên là Sương nói cho họ nghe các thầy cô giáo cũ ở đây chưa bị phân biệt đối xử. Tối nào Sương cũng thức đọc sách in ở miền Bắc và đọc Báo Giải phóng của anh. Đọc như một đứa trẻ ăn tham. Có thể không nhớ hết nhưng vẫn muốn đọc thật nhiều. Cái gì cũng mới mẻ. Mỗi lần thấy bài của anh trên báo, mừng ghê!

Anh bận nhưng có thể để ít thời giờ gửi lên Tây Ninh vài cuốn sách, được không? Và đừng quên một tập thơ Tố Hữu nhé. Để hôm nào viết cho anh thật nhiều. Bây giờ chuẩn bị làm bài thu hoạch đợt học chính trị vừa rồi. Tụi Sương tranh luận ào ào, chẳng e dè gì. Nếu tất cả vấn đề đều rõ như ban ngày thì cuộc chiến tranh đâu có kéo dài đến 20 năm. Trước đây tụi Sương được giảng một phần nhỏ lịch sử và bị che lấp phần lớn lao còn lại bằng lừa bịp.

Ôi chao, Sương định trả bài bằng thư hay sao đây!

 Ảnh chụp thư.

Ngày 1-8-1975

Anh dân Huế nhưng sống lâu ở Hà Nội, ở chiến khu. Bây giờ vào Sài Gòn hoặc chỉ đến các thành phố lớn, anh chưa không hiểu nhiều về miền Nam đâu. Nhất là Sài Gòn, tất cả thói hư tật xấu được tập trung nơi đó. Vì thế anh đừng có kết luận nào vội vã đấy nhé. Đến 15-8 là bãi trường. Nếu anh không kịp ghé trường trước ngày đó, chắc phải chờ đến năm học tới. Sương muốn đến thăm chị Chín của anh, đường không xa nhưng nghĩ đến cái màn tự giới thiệu, mắc cỡ chết đi thôi!

Ngày 19-8-1975

Qua thư, biết anh mới tìm gặp mẹ. Thật hạnh phúc. Hai mươi mốt năm mới gặp con, lòng mẹ vui biết bao nhiêu. Chắc mẹ bắt anh cưới vợ gấp. Nhưng anh bảo làm mối thì nhất định Sương không giúp đâu, dù anh có chê xấu bụng cũng đành chịu thôi.

Sắp tới có tuần rảnh rỗi, Sương định làm một chuyến "du hành" Sài Gòn nhưng sợ mình không phải là người dũng cảm để đến thăm anh. Run lắm, khi mà...

Ngày 4-9-1975

Anh được cái hãnh diện có đóng góp chút máu trong niềm vui toàn thắng của dân tộc. Còn Sương, Sương rất hãnh diện được là bạn của anh. Sương thấy mình cần học hỏi nhiều về tinh thần cách mạng để anh khỏi thất vọng về bạn gái của mình.

Ngày 17-10-1975

Sau ngày giải phóng, được biết những điều chưa biết hay biết rất sai lầm về cách mạng, Sương thấy yêu đời hơn. Từ mặc cảm tự ti, bây giờ tự hào mình là người Việt Nam anh hùng. Từ tư thế cúi đầu nhìn xuống đến ngửa mặt nhìn về phía trước, sự thay đổi trọng đại biết chừng nào! Cho nên Sương nhìn những người giải phóng với cái nhìn thật đặc biệt. Nồng nhiệt một cách chân tình. Mà hình ảnh của anh lúc mới gặp không phải khôi ngô tuấn tú đâu nhé. Xanh và ốm do sốt rét rừng. Sương nghĩ mình có thể chia sẻ những vất vả với anh để anh yên tâm mà đi trọn con đường đã từng đi 10 năm qua chiến tranh với tư cách người lính, người cầm bút...

Ngày 12-11-1975

Sương có ông anh đang học tập cải tạo, nhưng anh Sương chưa vay nợ máu. Đang dạy học, bị gọi đi lính nhưng không thích chơi với lính, chỉ chơi với thầy cô giáo. Ảnh giải ngũ trước Tết Mậu Thân, sau đó bị gọi tái ngũ rồi biệt phái huấn luyện quân sự cho sinh viên một thời gian rồi về trường dạy học. Năm 1972, ảnh đắc cử Hội đồng tỉnh Tây Ninh. Mấy năm qua, ảnh vận động mở mấy trường trung học và xin cho mấy người bị nghi là Việt cộng được thả tù. Ảnh không ưa chế độ Nguyễn Văn Thiệu, cũng không hướng về cách mạng. Ảnh ghét Mỹ đến mức giỏi tiếng Anh mà không dùng. Ảnh bảo xã hội phát triển để phục vụ con người chứ không thể hy sinh con người cho một chủ thuyết được. Bởi vì ảnh không có một lối thoát nào nên trở thành kẻ "chung thân bất mãn". Sương nghĩ sau khóa cải tạo ảnh sẽ hiểu rõ bản chất của Mỹ, của chế độ Sài Gòn và giá trị cuộc kháng chiến của ta, gây trong lòng ảnh niềm tự hào dân tộc. Gia đình Sương định tìm cách lãnh ảnh về nhưng Sương ngăn lại vì hiểu ra cải tạo có lợi cho ảnh. Cả nhà kết tội Sương là không biết thương anh...

Gửi đến anh mấy chiếc bánh. Tuy đựng trong hộp bánh tây nhưng là bánh ta đó, do Sương làm, nó có tên rất tượng hình là "bánh gai"...".

(*): Tít đề do BBT đặt