TƯ VẤN PHÁP LUẬT

Công nhận và cho thi hành phán quyết trọng tài nước ngoài tại Việt Nam

Thứ hai, 11/12/2023 16:18
Công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết của trọng tài nước ngoài (TTNN) là một thủ tục tố tụng đặc biệt do tòa án tiến hành nhằm xem xét để công nhận tính hiệu lực của phán định TTNN trên phạm vi lãnh thổ Việt Nam. Với việc hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, ngày càng có nhiều đối tác nước ngoài hợp tác kinh doanh với các doanh nghiệp Việt Nam trong nhiều lĩnh vực nên tranh chấp có thể phát sinh giữa các bên. Vậy, trong trường hợp xảy ra tranh chấp và đã được giải quyết bằng phán quyết có hiệu lực của TTNN thì việc yêu cầu thi hành phán quyết đó được thực hiện như thế nào tại Việt Nam? Đây là điều hết sức quan trọng mà các bên tranh chấp được giải quyết bằng phán quyết TTNN phải quan tâm bởi lẽ, nếu phán quyết đó không được công nhận và cho thi hành tại Việt Nam thì mọi công sức và chi phí đã bỏ ra để có được phán quyết là hoàn toàn vô nghĩa. Mời bạn đọc tìm hiểu vấn đề này qua bài viết dưới đây.

Phán quyết của TTNN là gì?

Khoản 2 Điều 13 Luật Trọng tài thương mại 2010 quy định “Phán quyết của TTNN là phán quyết do TTNN tuyên ở ngoài lãnh thổ Việt Nam hoặc ở trong lãnh thổ Việt Nam để giải quyết tranh chấp do các bên thỏa thuận lựa chọn”.

TTNN là trọng tài được thành lập theo quy định của pháp luật TTNN do các bên thỏa thuận lựa chọn để tiến hành giải quyết tranh chấp ở ngoài lãnh thổ Việt Nam hoặc trong lãnh thổ Việt Nam.

Như vậy, theo quy định pháp luật Việt Nam, phán quyết của TTNN là phán quyết do “TTNN” tuyên, bất kể là ở ngoài hay ở trong lãnh thổ Việt Nam. Đồng thời, “TTNN” là trọng tài được thành lập theo quy định của pháp luật TTNN do các bên thỏa thuận lựa chọn. Như vậy, việc xác định TTNN hay trọng tài Việt Nam không dựa vào quốc tịch của trọng tài viên mà phải dựa vào căn cứ thành lập trọng tài giải quyết vụ tranh chấp. Cụ thể là, nếu các bên lựa chọn trọng tài được thành lập theo pháp luật trọng tài Việt Nam để giải quyết tranh chấp, thì phán quyết của trọng tài được thành lập bởi các trung tâm trọng tài này không được xem là phán quyết của TTNN, kể cả trường hợp có trọng tài viên là người nước ngoài; phán quyết này sẽ được thi hành theo pháp luật thi hành án dân sự mà không cần phải qua thủ tục công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết của TTNN.

Thời hiệu yêu cầu công nhận và cho thi hành phán quyết của TTNN tại Việt Nam

Theo quy định tại Điều 451 Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) 2015, thời hạn gửi đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành phán quyết của TTNN là 3 năm, kể từ ngày phán quyết đó có hiệu lực pháp luật.

Trường hợp người làm đơn chứng minh được vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan mà không thể gửi đơn đúng thời hạn quy định thì thời gian có sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan đó không tính vào thời hạn gửi đơn.

Điều kiện để công nhận và cho thi hành phán quyết của TTNN tại Việt Nam

Tương tự như bản án hay quyết định của tòa án nước ngoài, phán quyết của TTNN không được thi hành ngay theo pháp luật thi hành án dân sự, mà phải được tòa án Việt Nam công nhận và cho thi hành tại Việt Nam. Để được tòa án Việt Nam công nhận và cho thi hành tại Việt Nam, phán quyết của TTNN phải đáp ứng các điều kiện sau đây:

Phán quyết của TTNN mà nước đó và Việt Nam cùng là thành viên của điều ước quốc tế về công nhận và cho thi hành phán quyết của TTNN;

Phán quyết của TTNN không thuộc trường hợp nêu trên nhưng được xem xét công nhận và cho thi hành tại Việt Nam dựa trên nguyên tắc có đi có lại.

Những trường hợp không công nhận

Điều 459 BLTTDS 2015 quy định về những trường hợp không công nhận phán quyết của TTNN như sau:

“1. Tòa án không công nhận phán quyết của TTNN khi xét thấy chứng cứ do bên phải thi hành cung cấp cho tòa án để phản đối yêu cầu công nhận là có căn cứ, hợp pháp và phán quyết trọng tài thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Các bên ký kết thỏa thuận trọng tài không có năng lực để ký kết thỏa thuận đó theo pháp luật được áp dụng cho mỗi bên;

b) Thỏa thuận trọng tài không có giá trị pháp lý theo pháp luật của nước mà các bên đã chọn để áp dụng hoặc theo pháp luật của nước nơi phán quyết đã được tuyên, nếu các bên không chọn pháp luật áp dụng cho thỏa thuận đó;

c) Cơ quan, tổ chức, cá nhân phải thi hành không được thông báo kịp thời và hợp thức về việc chỉ định trọng tài viên, về thủ tục giải quyết vụ tranh chấp tại TTNN hoặc vì nguyên nhân chính đáng khác mà không thể thực hiện được quyền tố tụng của mình;

d) Phán quyết của TTNN được tuyên về một vụ tranh chấp không được các bên yêu cầu giải quyết hoặc vượt quá yêu cầu của các bên ký kết thỏa thuận trọng tài. Trường hợp có thể tách được phần quyết định về vấn đề đã được yêu cầu và phần quyết định về vấn đề không được yêu cầu giải quyết tại TTNN thì phần quyết định về vấn đề được yêu cầu giải quyết có thể được công nhận và cho thi hành tại Việt Nam;

đ) Thành phần của TTNN, thủ tục giải quyết tranh chấp của TTNN không phù hợp với thỏa thuận trọng tài hoặc với pháp luật của nước nơi phán quyết của TTNN đã được tuyên, nếu thỏa thuận trọng tài không quy định về các vấn đề đó;

e) Phán quyết của TTNN chưa có hiệu lực bắt buộc đối với các bên;

g) Phán quyết của TTNN bị cơ quan có thẩm quyền của nước nơi phán quyết đã được tuyên hoặc của nước có pháp luật đã được áp dụng hủy bỏ hoặc đình chỉ thi hành.

2. Phán quyết của TTNN cũng không được công nhận, nếu tòa án Việt Nam xét thấy:

a) Theo pháp luật Việt Nam, vụ tranh chấp không được giải quyết theo thể thức trọng tài;

b) Việc công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết của TTNN trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.

Tòa án có thẩm quyền công nhận và cho thi hành phán quyết của TTNN tại Việt Nam

Khoản 1 Điều 451 BLTTDS 2015 quy định: “…người được thi hành, người có quyền, lợi ích hợp pháp liên quan hoặc người đại diện hợp pháp của họ có quyền gửi đơn đến Bộ Tư pháp Việt Nam theo quy định của điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên hoặc tòa án có thẩm quyền của Việt Nam theo quy định của Bộ luật này trong trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên không quy định hoặc không có điều ước quốc tế liên quan để yêu cầu tòa án công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết đó”. Theo quy định này, người yêu cầu có thể gửi đơn đến 1 trong 2 cơ quan:

Bộ Tư pháp khi điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định; Bộ Tư pháp chuyển hồ sơ cho tòa án có thẩm quyền sau khi kiểm tra sơ bộ đơn yêu cầu;

Trong các trường hợp khác, tức là không có điều ước quốc tế hoặc điều ước quốc tế không quy định, thì đơn yêu cầu có thể được nộp trực tiếp tới tòa án có thẩm quyền của Việt Nam.

Căn cứ khoản 5 Điều 31, điểm b khoản 1 Điều 37 và điểm e khoản 2 Điều 39 BLTTDS 2015 thì tòa án có thẩm quyền thụ lý và giải quyết việc công nhận và cho thi hành phán quyết của TTNN tại Việt Nam là tòa án nhân dân cấp tỉnh nơi doanh nghiệp Việt Nam – người phải thi hành phán quyết của TTNN có trụ sở hoặc tòa án nhân dân cấp tỉnh nơi có tài sản liên quan đến việc thi hành phán quyết của TTNN.

Thủ tục công nhận và cho thi hành phán quyết của TTNN tại Việt Nam

1. Đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành phán quyết của TTNN

a. Người có quyền nộp đơn yêu cầu

Người được thi hành hoặc người đại diện hợp pháp của họ có quyền yêu cầu tòa án Việt Nam công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết của TTNNi, khi:

Cá nhân phải thi hành cư trú, làm việc tại Việt Nam;

Cơ quan, tổ chức phải thi hành có trụ sở chính tại Việt Nam;

Tài sản liên quan đến việc thi hành phán quyết của TTNN có tại Việt Nam vào thời điểm yêu cầu.

b. Hình thức và nội dung đơn yêu cầu

Đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành phán quyết của TTNN phải được làm bằng tiếng Việt hoặc nếu làm bằng tiếng nước ngoài thì phải gửi kèm bản dịch ra tiếng Việt được công chứng, chứng thực hợp pháp.

Đơn yêu cầu phải có các nội dung sau:

Họ, tên, địa chỉ nơi cư trú hoặc nơi làm việc của người được thi hành, người đại diện hợp pháp tại Việt Nam của người đó; nếu người được thi hành án là cơ quan, tổ chức thì phải ghi đầy đủ tên và địa chỉ trụ sở chính của cơ quan, tổ chức đó;

Họ, tên, địa chỉ nơi cư trú hoặc nơi làm việc của người phải thi hành; nếu người phải thi hành là cơ quan, tổ chức thì ghi đầy đủ tên và địa chỉ trụ sở chính của cơ quan, tổ chức đó; trường hợp người phải thi hành là cá nhân không có nơi cư trú hoặc nơi làm việc tại Việt Nam, người phải thi hành là cơ quan, tổ chức không có trụ sở chính tại Việt Nam thì trong đơn yêu cầu phải ghi rõ địa chỉ nơi có tài sản và các loại tài sản liên quan đến việc thi hành phán quyết của Trọng tài nước ngoài tại Việt Nam.

Yêu cầu của người được thi hành: Yêu cầu công nhận và cho thi hành phán quyết của TTNN.

c. Các giấy tờ, tài liệu kèm theo

Đối với đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành phán quyết của TTNN theo Công ước 1958 thì các giấy tờ, tài liệu kèm theo là:

+ Quyết định gốc hoặc bản sao quyết định có chứng nhận hợp lệ;

+ Thỏa thuận gốc hoặc bản sao thỏa thuận được chứng nhận hợp lệ.

Đối với đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành phán quyết TTNN trong trường hợp không có điều ước quốc tế hoặc điều ước quốc tế không quy định thì đơn yêu cầu phải kèm theo các giấy tờ, tài liệu sau:

+ Bản chính hoặc bản sao có chứng thực phán quyết của TTNN;

+ Bản chính hoặc bản sao có chứng thực thỏa thuận trọng tài giữa các bên.

Nếu phán quyết trọng tài và thỏa thuận trọng tài không được lập bằng tiếng Việt, người nộp đơn phải gửi kèm theo bản dịch đã được công chứng, chứng thực hợp pháp của các văn bản này. Công ước 1958 quy định rằng, bản dịch phải được cán bộ hoặc phiên dịch có trình độ chứng thực hoặc cơ quan ngoại giao hoặc lãnh sự xác.

2. Xử lý đơn

Sau khi tiếp nhận đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành phán quyết của TTNN, tòa án sẽ tiến hành các thủ tục thụ lý, xét đơn, và các thủ tục khác như kháng cáo, kháng nghị được quy định cụ thể từ Điều 455 đến Điều 463 BLTTDS 2015.

Việc xét đơn yêu cầu được tiến hành tại phiên họp do hội đồng xét đơn yêu cầu gồm ba thẩm phán thực hiện, trong đó một thẩm phán làm chủ tọa theo sự phân công của chánh án tòa án. Hội đồng có quyền ra quyết định công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết của TTNN hoặc quyết định không công nhận phán quyết của TTNN nước ngoài.

Trường hợp hội đồng ra quyết định công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết của TTNN và quyết định có hiệu lực pháp luật thì sẽ được thi hành theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự.

Chuyên mục này có sự hợp tác về chuyên môn của Văn phòng Luật sư Phong & Partners. Đường dây nóng hỗ trợ tư vấn: 0236.3822678 - 0905.102425