Tây Sơn huyền sử (2)
* Bài 2: Giai thoại Hoành Sơn
(Cadn.com.vn) - Nhiều giai thoại về nhà Tây Sơn được gắn với núi Hoành Sơn ở xã Bình Tường, H.Tây Sơn (Bình Định). Người dân truyền tụng trên núi có long mạch, là nơi chôn cất Nguyễn Nhạc cùng cha mình là ông Hồ Phi Phúc.
Đàn tế trời đất trên đỉnh Ấn Sơn, sau lưng là đỉnh Hoành Sơn. |
Một trong những nhà nghiên cứu địa phương biết nhiều giai thoại xung quanh núi Hoành Sơn là nhà thơ Trần Viết Dũng ở TT Phú Phong, H.Tây Sơn. Ông bảo, đứng từ cầu Phú Phong nhìn lên sẽ thấy núi Hoành Sơn trông như một án thờ khổng lồ với 2 cây đèn hai bên là ngọn Bút Sơn và Nghiên Sơn. Cũng có ý kiến cho rằng 3 ngọn núi này được tạo hóa sắp xếp tựa chiếc ngai vàng giữa đất trời. Theo dân gian truyền tụng, trước khi anh em Tây Sơn phất cờ khởi nghĩa, có một thầy địa lý tới ở nhờ nhà Nguyễn Nhạc để tìm long huyệt và đã xác định nơi ấy là Hoành Sơn. Sau đó ở Tây Sơn, anh em Nguyễn Nhạc đã phất cờ khởi nghĩa. Năm 1789, Nguyễn Huệ đại thắng 20 vạn quân Thanh. Năm 1792 Nguyễn Huệ băng hà ở Phú Xuân, một năm sau Nguyễn Nhạc cũng mất. Tới năm 1802, khi Nguyễn Ánh lên làm vua thì nhà Tây Sơn bị diệt vong. Nhà thơ Trần Viết Dũng nói, khi Nguyễn Nhạc chưa cho người đào các nhánh sông Côn phía bắc thì dưới án thờ Hoành Sơn là vùng đất bằng phẳng rộng rãi tựa như một chiếc chiếu mênh mông để người đến bái phục. Tiếc là "chiếc chiếu" ấy bị phá đi bởi những nhánh sông được đào mới và long mạch vì thế cũng mất.
Lăng mộ Mai Xuân Thưởng - một lãnh tụ phong trào Cần Vương ở Bình Định dưới chân núi Hoành Sơn. |
Theo những giai thoại được dân địa phương kể lại, sau khi Nguyễn Ánh lên ngôi vua đã thực thi đòn trả thù tàn khốc nhà Tây Sơn. Nghe tin trên núi Hoành Sơn có mộ Nguyễn Nhạc và ông Hồ Phi Phúc, Nguyễn Ánh đã lệnh quan địa phương cho người lên khai quật, nhưng không tìm thấy hài cốt mà chỉ thấy bốn chum dầu phụng, bên trong có ngọn đèn đang cháy. Quan quân nhà Nguyễn lật tung cả núi Hoành Sơn nhưng vẫn không tìm thấy mộ ông Hồ Phi Phúc. Theo ông Trần Viết Dũng, năm 1933, nhà thơ Tản Đà tới Bình Định nghe tin trên núi Hoành Sơn có mộ thân sinh ba anh em Tây Sơn đã cất công lên tìm kiếm. Quan xã lúc đó biết được bắt ông giải lên huyện vì dám "tôn thờ ngụy Tây Sơn". Tuy nhiên vì quan huyện mê thơ văn, biết tiếng Tản Đà nên đã cho thả ngay. Một giai thoại khác cũng liên quan tới núi Hoành Sơn, đó là con ngựa trắng rất quý, gắn bó với Nguyễn Nhạc từ ngày đầu dựng cờ khởi nghĩa. Khi Nguyễn Nhạc chết, con bạch mã cũng mất tích, ít lâu sau dân làng thấy có bóng ngựa trắng lúc thì thơ thẩn dưới chân núi, lúc lại đứng hí trên đỉnh núi. Ai cũng tin đó là hồn thiêng con bạch mã của vua hiện hình, vì thế trong vùng suốt mấy trăm năm nay không nhà nào nuôi ngựa trắng. Theo truyền thuyết, trên ngọn núi Bút Sơn gần núi Hoành Sơn có 9 ụ gọi là "Cửu diện tinh". Đây là 9 ngôi sao chiếu mạng chính nhân, gắn với 9 nhân kiện giúp anh em Tây Sơn làm nên cơ đồ. 9 nhân kiệt đó gồm các hổ tướng Võ Văn Dũng, Võ Đình Tú, Lê Văn Hưng, Đặng Xuân Phong, các phụng thư Bùi Thị Xuân, Bùi Thị Nhạn, Trần Thị Lan, các kỳ sỹ Nguyễn Thung, Võ Xuân Hoài...
Ông Nguyễn Anh Dũng, Phó Giám đốc Bảo tàng Quang Trung cho biết, khu tâm linh Đài cánh thiên, hay Đàn tế trời đất mới xây dựng trên đỉnh Ấn Sơn thuộc dãy Hoành Sơn đang làm hồ sơ công nhận di tích cấp tỉnh. Theo truyền thuyết, trước khi khởi binh ra Bắc để thực hiện sự nghiệp thống nhất đất nước, ba anh em nhà Tây Sơn đã lên núi Ấn lập đàn tế xin trời đất trao ấn, kiếm lệnh để dấy binh khởi nghĩa. Cảm lòng người, trời đất đã linh thiêng trao "Kiếm lệnh và ấn hình vuông có khắc 4 chữ "Sơn - hà - xã - tắc" đã phù hộ ba anh em Tây Sơn hoàn thành thắng lợi sự nghiệp thống nhất đất nước. Những giai thoại về núi Hoành Sơn gắn với Nguyễn Nhạc luôn huyền bí, huyễn hoặc. Với người dân địa phương ngọn núi là nơi linh thiêng, nhất là khi Đàn tế trời đất được xây dựng tại đây. Đến nay vẫn chưa biết chính xác mộ Nguyễn Nhạc và thân sinh ông có được chôn trên núi Hoành Sơn không và câu chuyện long mạch thực hư ra sao, tuy nhiên qua những câu chuyện lưu truyền đã thành giai thoại đã thấy được tình cảm tôn kính người dân dành cho anh em hào kiệt nhà Tây Sơn. Và dù đã bị diệt vong từ hơn 200 năm trước, song hào khí thời Tây Sơn vẫn phảng phất tận bây giờ, trên ngọn núi, con sông, đồng ruộng và trong lòng người dân.
Hải Quỳnh
(còn nữa)