Thái Lan khủng hoảng sau đánh bom

Thứ hai, 24/08/2015 10:56

(Cadn.com.vn) - Vụ tấn công khủng bố kinh hoàng tại đền Erawan ở Bangkok tác động nghiêm trọng nền kinh tế Thái Lan. Thủ phạm của vụ đánh bom cướp đi mạng sống của 21 người và khiến 120 người bị thương vẫn là câu hỏi chưa có lời giải. Và tác động của vụ tấn công này, vốn cướp đi sinh mạng những du khách người Trung Quốc, Philippines, Nhật Bản, Singapore và Đài Loan thật sự rất nghiêm trọng. Thái Lan đang đứng trước nguy cơ phải gánh chịu các hậu quả kinh tế, đặc biệt là sự giảm sút trong ngành du lịch - lĩnh vực đem lại rất nhiều lợi nhuận cho quốc gia Chùa Vàng.

Du lịch gánh hậu quả

Vào thời điểm vụ đánh bom, nhiều khách du lịch trong và ngoài nước cũng như những người đi thờ cúng đang có mặt tại đền Erawan bởi ngôi đền này tọa lạc trên con đường mua sắm sầm uất nhất thủ đô. Cảnh sát Thái Lan bao quát các đối tượng tình nghi và tìm kiếm sự hỗ trợ từ Interpol để mở rộng phạm vi điều tra từ các tổ chức khủng bố trong nước sang quốc tế.

Du lịch chiếm đến 20% GDP Thái Lan. Do vậy, vụ đánh bom khủng bố vừa qua đang gây tác động tiêu cực đối với không chỉ riêng Bangkok mà toàn bộ nền kinh tế Thái Lan. Tướng Prawit Wongsuwan, Bộ trưởng Quốc phòng Thái Lan cho rằng, thủ phạm đang nhằm vào nền kinh tế và du lịch Thái Lan bởi vụ tấn công xảy ra ngay tại trung tâm phố du lịch. "Du lịch là động lực mạnh nhất cũng như là niềm hy vọng của nền kinh tế Thái Lan. Tăng trưởng trong nửa cuối năm nay có thể giảm mạnh bởi lượng khách du lịch, đặc biệt đến từ Trung Quốc, sẽ giảm sút đáng kể", chuyên gia kinh tế Santitarn Sathirathai nhận xét. 

Các nhà phân tích tại Ngân hàng ANZ của Australia cũng cảnh báo về những thiệt hại kinh tế trong bối cảnh bất ổn hiện nay khi nền kinh tế Thái Lan vẫn đang phải vật lộn để phục hồi từ cuộc khủng hoảng chính trị trước đó không lâu. Lượng tiêu thụ các sản phẩm sản xuất trong nước của Thái Lan giảm trong 6 tháng liên tiếp trước cuộc tấn công. Hơn nữa, do tiêu dùng trong nước chiếm tới 80% GDP, sự suy giảm nhu cầu của các hộ gia đình trong thời gian tới sẽ khiến tình hình ngày càng xấu thêm. Du lịch là động lực tăng trưởng chính của kinh tế Thái Lan trong năm nay.

Tuy nhiên, các quốc gia bao gồm Australia, Anh, New Zealand, Mỹ và một số nước khác ban hành khuyến cáo du lịch đến Bangkok và Thái Lan, đồng thời các Cty du lịch Hồng Kông hủy bỏ các chuyến đi thăm Bangkok cho đến cuối tháng 8 "vì lý do an toàn" và rất có thể nhiều Cty khác cũng sẽ đưa ra tuyên bố tương tự. Như vậy, chắc chắn lượng du khách nước ngoài đến Thái Lan sẽ giảm mạnh trong thời gian tới.

Theo các nhà kinh tế, sự suy giảm trong lượt khách du lịch do tình trạng bất ổn chính trị trong năm 2006, 2010 và 2014 chỉ là tạm thời. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại ở đây là vụ đánh bom vừa qua tác động tiêu cực lên nền kinh tế nước này còn rõ rệt hơn rất nhiều.

Cảnh sát Thái Lan vẫn ráo riết truy tìm nghi phạm chính đánh bom Bangkok. Ảnh: Diplomat

Khả năng hồi phục

Nhìn theo hướng tích cực hơn, các chuyên gia kinh tế chỉ ra, dòng chảy du lịch đến Philippines hồi phục "tương đối nhanh" sau cuộc tấn công năm 2001 vào một khu nghỉ mát sang trọng ở đảo Samal. Tuy nhiên, vụ đánh bom ở Bali, Indonesia năm 2002 giết chết 201 người từ 22 quốc gia có ảnh hưởng lớn hơn. Số lượng khách du lịch nước ngoài giảm gần 60% sau đó, khiến gần 2,7 triệu người mất việc ở hòn đảo nghỉ mát nổi tiếng của Indonesia.

ANZ cho rằng, những hậu quả đối với kinh tế của vụ tấn công ở Thái Lan không hẳn sẽ nghiêm trọng như một vụ khủng bố. Về chính trị, vụ việc này xảy ra vào thời điểm khá nhạy cảm đối với chính quyền quân sự cầm quyền khi Hiến pháp mới chuẩn bị được phê duyệt vào tháng 9 sắp tới. Tuy nhiên, Bangkok cho thấy khả năng phục hồi mạnh mẽ trong quá khứ từ các cuộc đảo chính thường xuyên, lũ lụt, bạo động và sóng thần. Việc quan trọng nhất mà chính phủ Thái Lan nên quan tâm lúc này là nhanh chóng xác định thủ phạm vụ đánh bom ở Bangkok để tạo dựng niềm tin đối với khách du lịch trong và ngoài nước, từ đó vực dậy từ khủng hoảng kinh tế.

An Bình
(Theo Diplomat)