Thắm đỏ mãi nơi này...
(Cadn.com.vn) - Trung đoàn 64 thuộc Sư đoàn 320B (nay là Trung đoàn 64 Sư đoàn 390 Quân đoàn I), đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, trực tiếp chiến đấu tại mặt trận cánh đông H. Hải Lăng, TX Quảng Trị và Thành cổ năm 1972 và 1973. Trong quá trình chiến đấu, trung đoàn đã thực hiện hơn 400 trận đánh cam go, ác liệt, góp phần quan trọng bảo vệ vùng giải phóng. Trên mặt trận này, hơn 700 CBCS của Trung đoàn đã anh dũng hy sinh, gần 2.000 CBCS bị thương. Và ngay tại thôn Phương Lang, xã Hải Ba (H. Hải Lăng), từ ngày 28 – 6 – 1972 đến 5 – 7 – 1972 đã diễn ra trận vận động kết hợp chốt, hiệp đồng binh chủng, quy mô trung đoàn thiếu. Trận chiến đấu giành thắng lợi vẻ vang nhưng đã có hơn 200 CBCS đã ngã xuống, máu xương thấm vào quê hương Phương Lang, ghi dấu mốc son chói ngời tinh thần quả cảm vì độc lập, tự do của Tổ quốc.
CCB Trần Quang Đức tìm tên của đồng đội quê Nghệ An vừa được nhập thạch vào Bia tưởng niệm. |
Đêm 30–6, nhân kỷ niệm 70 năm ngày TB–LS, 45 năm chiến đấu bảo vệ vùng giải phóng thị xã, Thành Cổ Quảng Trị, Ban liên lạc Trung đoàn 64 cùng với Hội hỗ trợ gia đình liệt sĩ tỉnh Thái Bình, xã đoàn Hải Ba tổ chức đêm nhạc tri ân tại Nhà bia tưởng niệm các AHLS của Trung đoàn tại thôn Phương Lang. Tiếp nối hoạt động, vào sáng 1–7, Ban liên lạc phối hợp với chính quyền xã Hải Ba và nhà chùa Phương Lang tổ chức lắp đặt khánh thành bia đá ghi danh thêm 23 liệt sĩ của Trung đoàn ở 9 tỉnh, thành phố trong cả nước mới được rà soát bổ sung từ năm 2015 đến nay và cúng giỗ lần thứ 45 cho hơn 700 liệt sĩ đã ngã xuống trên mặt trận cánh đông này. Sự kiện thấm đẫm tri ân này khiến hàng trăm cựu chiến binh (CCB) và thân nhân liệt sĩ ngày trở về chiến trường xưa rưng rưng xúc động. Hỏi chuyện CCB, có người năm nào cũng về TX Quảng Trị, đến Triệu Đông (H.Triệu Phong), thăm Hải Ba, Hải Quế..., cũng có người điều kiện khó khăn vài năm mới có dịp về với đồng đội, thăm bà con đã sát cánh và đùm bọc trong chiến tranh nhưng lần nào cũng mang một tâm trạng bồi hồi, nhớ thương.
Chúng tôi được Ban liên lạc giới thiệu gặp gỡ Đại tá Nguyễn Văn Bang, người lính tham gia mặt trận ngay từ ngày đầu. CCB Bang cho biết lúc đó ông là tiểu đội phó, rồi làm trợ lý quân lực, sau tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh, suốt dọc dài hành quân chiến đấu vào sinh ra tử, ông vẫn chưa nguôi năm tháng ở vùng đông Quảng Trị. “Lúc đó chúng tôi đều là những người lính trẻ, thậm chí có anh chưa tròn tuổi quân đã có mặt ở chiến trường ác liệt nhất này. Gian nan biết mấy mà kể, mùa mưa năm đó dữ dội, kinh hoàng càng khiến cuộc chiến thêm phần cam go...”, CCB Bang nhớ lại. Ngày 28-6-1972, dưới sự yểm trợ tối đa của hỏa lực gồm máy bay ném bom chiến lược B52, máy bay tiêm kích F105, F4, A37... pháo hạm, địch mở cuộc hành quân quy mô lớn hòng tái chiếm Quảng Trị. Tại mặt trận cánh đông, ngay từ sáng sớm, Sư đoàn Thủy quân lục chiến ngụy có xe tăng thiết giáp đẫn đầu bám theo trảng cát và trục đường 68 tiến công lên vùng giải phóng Đông–Nam. Để chặn mũi tiến công của địch, Trung đoàn 64 được lệnh cùng các đơn vị bạn xuất kích chặn đánh địch. Nhiều trận khốc liệt trên bãi cát Phương Lang, cánh đồng và bìa làng Đơn Quế (xã Hải Quế), làng Đông Dương (xã Hải Dương)...
Nhà Bia tưởng niệm AHLS Trung đoàn 64 tại Phương Lang. |
Theo hồi nhớ của Đại tá Bang và nhiều CCB, mỗi ngày có vài chục lượt B52 oanh tạc, bom đạn cày nát thôn xóm nhưng những người lính của Trung đoàn 64 kiên cường cùng với du kích và bộ đội địa phương bám trụ, chặn mọi bước quân thù. “Gặp đúng mùa mưa lụt, bệnh ngoài da là nỗi ám ảnh của bộ đội. Rất may nhờ các chị, các bác du kích địa phương bày cho phương thuốc bí truyền từ mủ loại cây dưới mọc nhiều ở vùng trũng Hải Lăng”, CCB già bày tỏ niềm cảm kích và biết ơn đến người dân quê hương. Giọng ông như chùng xuống khi nhắc đến những người lính giải phóng của Trung đoàn đã ngã xuống nhưng vẫn chưa tìm được hài cốt, trong đó có cả người bạn học cấp 3 với ông tại Thái Bình là LS Thẩm. Hòa bình lập lại, ông về công tác tại Học viện Khoa học Quân sự, có dịp ông lại tranh thủ về thăm Phương Lang, thăm những miền quê cánh đông mà đội quân Trung đoàn 64 từng in dấu. “Ngay tại Bích La đông, quê hương cố Tổng Bí thư Lê Duẩn, là nơi anh hùng Kiều Ngọc Luân và 8 CBCS khác đã hy sinh, đến nay vẫn chưa xác định được hết danh tính những người hy sinh tại điểm đó”, CCB Bang ngậm ngùi cho biết thêm.
Đại tá Nguyễn Văn Bang và đồng đội hồi nhớ những năm tháng chiến đấu tại Quảng Trị. |
Phía khu bia tưởng niệm, nơi vừa nhập thạch tên tuổi 23 liệt sĩ vừa mới bổ sung, CCB Trần Quang Đức (P. Trường Thi, TP Vinh, Nghệ An) chăm chú lần qua từng dòng tên đồng đội, trong đó có 4 liệt sĩ quê Nghệ An – Hà Tĩnh. Người em gái của liệt sĩ Giáp đến từ Nghệ An cũng rưng rưng dõi theo rồi chị òa lệ: “Có tên anh đây rồi, em gái cũng vào đây với anh rồi”. 45 năm qua đi, kể từ ngày anh trai hy sinh, được về nơi máu xương anh thấm từng tấc đất, chị cũng bất giác cảm thấy gần với anh mình đến như thế.
Bảo Hà