Vị tướng xây đền liệt sĩ
(Cadn.com.vn) - Tại lễ khánh thành Đền Tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ Trung đoàn 95 ở Mang Yang năm 2015, có một vị tướng cứ luôn lấy khăn chậm nước mắt khi đọc bài phát biểu của mình. Ngỡ như ông không nói với những ai có mặt mà đang tâm sự với hàng ngàn CBCS của Trung đoàn đã hy sinh. Đó là Trung tướng Ma Thanh Toàn, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 95, nguyên UVTW Đảng, Tư lệnh Quân khu 2.
Ông dân tộc Tày, sinh ra từ miền núi Cao Bằng nhưng Trung đoàn 95 (hiện nay thuộc Sư đoàn 2, đứng chân ở Đắc Lắc) là đơn vị ông gắn bó sâu nặng gần 20 năm từ trung đội phó đến đến trung đoàn trưởng. Và Tây Nguyên là vùng đất ông lăn lộn chiến đấu suốt 10 năm trong quãng đời trận mạc. Nhiều người cho rằng, những năm tháng chỉ huy trên chiến trường Tây Nguyên với những trận đánh then chốt, ông đã xứng đáng là anh hùng LLVTND của Trung đoàn 95 anh hùng. Sau khi đánh địch ở A Sầu, giải phóng một vùng đất rộng lớn tây Thừa Thiên, đơn vị ông được lệnh hành quân vào Tây Nguyên. Lúc này là tháng 6-1966. Trung đoàn nhận lệnh của Bộ Tư lệnh Mặt trận B3 chuẩn bị đánh quân địch nống ra càn quét vùng Đi-na-mô, phía bắc sông Ia Drăng, Gia Lai.
Trung tướng Ma Thanh Toàn (thứ ba từ trái sang) tại lễ khánh thành Đền Tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ Trung đoàn 95. |
Trận thử sức đầu tiên ở đây, không chỉ chiến đấu cùng đơn vị, trung đội trưởng Ma Thanh Toàn còn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tải hết thương binh, liệt sĩ về phía sau, không bỏ sót ai ngoài trận địa. Ông được đơn vị cắt qua làm trinh sát sau đó là Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 1, đánh "Cánh cửa thép" Chư Thoi. Lúc này chiến dịch Xuân Hè dai dẳng đã làm Tiểu đoàn chỉ còn 80 tay súng. Ông nói với Trung đoàn trưởng của mình: "Anh còn quân bổ sung cho em một ít!". Trả lời ông là cái lắc đầu: "Các tiểu đoàn đều như vậy cả, lấy đâu cho cậu". Những lúc ngặt nghèo như thế, ông càng bộc lộ tố chất chỉ huy. Đại đội 1 đã luồn giữa đội hình địch tiêu diệt 14 xe tăng và xe thiết giáp. Khi đánh căn cứ A Zun, ông đã là Trung đoàn phó khi tuổi đời còn rất trẻ. Rồi ông dẫn quân giải phóng Pleiku, sau đó là phối hợp giải phóng Trường Sa, cù lao Thu (Phú Quý) ở Bình Thuận, Hòn Tre (Nha Trang).
Trở thành Trung đoàn trưởng Trung đoàn 95 năm 1976, ông tiếp tục cùng Trung đoàn làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia. Trong đội hình Sư đoàn 307, Trung đoàn trưởng Ma Thanh Toàn nổi tiếng gan lì, quả cảm. Nhiều đồng đội vẫn còn nhắc đến ông, tư thế như thời đánh Mỹ, còn một tay súng là còn chiến đấu. Trung đoàn 95 làm địch vô cùng khiếp sợ. Ông chỉ huy đơn vị giữ vững đền cổ Preat Vihear trước những đợt tấn công dai dẳng của bọn Pol Pot Jeng Sa Ry. Chiến tranh phía Bắc bùng nổ ngay trên quê hương Cao Bằng. Vợ con ông dắt díu chạy đạn. Quyến luyến chia tay Trung đoàn, nơi ông đã gửi cả tuổi thanh xuân đầy nhiệt huyết, ông về Cao Bằng làm Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh, sau đó Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân khu 2 rồi 10 năm làm Tư lệnh Quân khu 2 cho đến khi nghỉ hưu.
Trung tướng Ma Thanh Toàn tự cho mình là người "hoài cổ". Ông viết hồi ký mang tên "Từ những miền cao nguyên" dành phần lớn nội dung cuốn sách về Tây Nguyên máu thịt. Những địa danh như Đèo Măng Yang, An Khê, Chư Thoi, Chư Pao, Chư Tút, Chư Rệt cứ luôn hiển hiện trong tâm trí ông bởi: "Tây Nguyên ai một lần qua đó. Suốt cuộc đời nghĩ lại vẫn thương nhau". Ông nhớ đồng đội đánh nhau ở đường 19, thiếu lương thực, đói lả vậy mà khi địch tràn vào vẫn xung phong chiến đấu đến viên đạn cuối cùng. Có đồng chí bị thương nặng, biết không sống nổi đã nhường nắm cơm vắt cuối cùng trong ba lô cho đồng đội. Nhớ những lần vượt suối sâu, dốc thẳm, sống cùng muỗi, vắt, rắn rết, chia nhau bom đạn, chia nhau cái chết.
Trung tướng Ma Thanh Toàn (ngoài cùng bên phải) với cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 95. |
Về ý tưởng cho ra đời Đền Tưởng niệm ở Mang Yang, ông tâm sự: "Chưa bao giờ mình thôi nhớ Tây Nguyên. Nhớ và biết ơn đồng bào các dân tộc ở đây đã nuôi nấng, giúp đỡ Trung đoàn suốt cuộc kháng chiến. Cái tên Đoàn Măng Yang cũng là do đồng bào yêu mến đặt cho Trung đoàn 95. Tây Nguyên là quê hương thứ hai của tôi. Trung đoàn 95 là gia đình lớn của tôi". Đi qua những nơi từng là chiến trận, bom đạn mịt mùng nay đã xanh ngắt màu của cà phê, cao su, hồ tiêu, lúa, khoai; những con đường uốn lượn đẹp như bức tranh, Trung tướng Ma Thanh Toàn, luôn tự hỏi đồng đội nằm đâu giữa thăm thẳm đại ngàn. Rồi ông nhớ đến lớp lớp chiến sĩ Trung đoàn hy sinh trên đất bạn để làm hồi sinh dân tộc Campuchia. Ông ước gì có một nơi để thắp nén nhang cho đồng đội. Ước gì có một chốn cho anh linh đồng đội đi về.
Ông đem ý tưởng của mình bàn với Đảng ủy, Ban Chỉ huy Trung đoàn 95, bàn với các tướng lĩnh, CCB của Trung đoàn. Được mọi người đồng tình, ông bắt đầu đi gõ cửa xin đất, xin tiền và làm các thủ tục pháp lý. Thuận lợi lớn là ông được Tỉnh ủy, UBND tỉnh Gia Lai ủng hộ và bố trí vị trí đẹp nhất ở thị trấn Kon Dơng, huyện Mang Yang. Có đất rồi ông tiếp tục gõ cửa khắp nơi để xin tiền. Có phải nhờ các mối quan hệ trước đây khi là Ủy viên Trung ương Đảng hay hình ảnh một vị tướng già tóc trắng xóa lặn lội từ Bắc vào Tây Nguyên vận động để xây nơi thờ cúng cho 3.000 liệt sĩ đã lay động các mạnh thường quân, mà chỉ trong thời gian ngắn, ông đã vận động được hơn 9 tỉ đồng trong đó các ngân hàng, doanh nghiệp (6 tỉ đồng) và các đơn vị quân đội, ngân sách tỉnh Gia Lai, huyện Mang Yang, CCB cùng CB, CS Trung đoàn. Tuổi đã 75 vậy mà từ Hà Nội, ông vào ra như con thoi để đôn đốc việc xây dựng. Hôm khánh thành, các đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai và đông đảo CCB Trung đoàn khắp mọi miền đất nước đã về dự. Đại tướng Phạm Văn Trà, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cũng có mặt. Có CCB Trung đoàn dâng tiến lư hương, bia đá hoa cương trị giá hàng trăm triệu đồng. Đền Tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ Trung đoàn 95 đã trở thành địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cho cả khu vực.
"Người lính già đầu bạc. Kể mãi chuyện... Tây Nguyên". Đó chính là Trung tướng Ma Thanh Toàn, con người "hoài cổ" luôn được CB, CS Trung đoàn 95 qua các thời kỳ kính trọng và ngưỡng mộ.
Bài, ảnh: HỒNG VÂN