Thăm khu di tích Đá Chông-k9

Thứ tư, 29/08/2018 13:56

Trung tuần tháng 7 vừa qua, tôi có dịp về thăm Khu di tích Đá Chông-k9 ở Ba Vì, cửa ngõ phía Tây Bắc, cách Thủ đô Hà Nội khoảng 60km. Đứng trên độ cao 250 mét so với mực nước biển, hòa mình trong khu rừng nguyên sinh có tổng diện tích khoảng 234 ha, mọi người thỏa sức phóng tầm mắt nhìn ra một vùng rộng lớn chung quanh. Sở dĩ, chuyến đi có một thay đổi là do không vào Lăng viếng Bác vì đang trong thời kỳ bảo dưỡng, tu bổ định kỳ nên chúng tôi đã chọn khu di tích Đá Chông-K9 làm điểm dừng chân trong chuyến hành trình về Tây Bắc. Lý do đặc biệt nhất chính là vùng đất Ba Vì từng vinh dự được Bác Hồ nhiều lần về thăm, làm việc. Đá Chông-K9 cũng vinh dự được Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương chọn là nơi bảo vệ, giữ gìn thi hài của Người trong những năm chiến tranh (1969 -1975) thời điểm đế quốc Mỹ đánh phá miền Bắc ác liệt nhất.

Khu nhà làm việc của Bác ở di tích Đá Chông-K9. 

Anh Nghiền Văn Út, người dân tộc Nùng, hướng dẫn viên du lịch giải thích thêm vì sao địa danh này có tên Đá Chông. Nằm ngay sát bên dòng sông Đà thơ mộng, bên cạnh là núi Tản Viên hùng vĩ, Đá Chông là khu vực có địa hình rất đặc biệt. Nơi đây có rất nhiều tảng đá nhọn như đầu mũi chông từ dưới đất mọc lên. Truyền thuyết kể rằng, đây là bãi chông chà, dấu tích của những trận chiến dữ dội giữa Sơn Tinh và Thủy Tinh thời tiền sử. Theo trí tưởng tượng dân gian, khu vực này mang dáng dấp một con rồng, đầu đang cúi xuống uống nước sông Đà, U Rồng là đỉnh cao nhất của khu đồi Đá Chông...

Khi dừng lại ở nơi có 3 mỏm đá (Đá Chông), mỗi người đều thành kính thắp nén hương tại nơi Bác đã từng dừng chân. Theo lời cô thuyết minh: "Vào tháng 5-1957, Bác đi kiểm tra Trung đoàn 36, Sư đoàn 308 tập mẫu chiến thuật Trung đoàn bộ binh tăng cường tiến công quân địch phòng ngự. Trên đường về, Bác dừng chân nghỉ, ăn cơm trưa, nơi có 3 mỏm đá nhọn như hình mũi chông, ngọn mác xếp liền kề nhau (người dân gọi là Đá Chông). Thấy địa thế nơi đây hiểm trở, phong cảnh đẹp, khí hậu mát mẻ, Bác đã trao đổi với các đồng chí cùng đi, ngỏ ý chọn vị trí này làm nơi nghỉ ngơi và làm việc của Bác và Trung ương. Ngày 23-2-1958, Bác Hồ lên thăm và xem xét lại địa bàn khu vực Đá Chông. Sau chuyến đi này,  Tổng cục Hậu cần QĐNDVN được lệnh xây dựng một số ngôi nhà trong khu vực Đá Chông".

Du khách viếng, thắp hương tại 3 mỏm đá nơi Bác đã từng dừng chân.

Mảnh đất Đá Chông địa linh lại càng trở lên thiêng liêng hơn khi được Bác Hồ chọn nơi đây làm Khu căn cứ địa, nơi làm việc, nghỉ ngơi của Bộ Chính trị, tiếp các đoàn khách quốc tế từ năm 1960-1969. Đặc biệt hơn nữa sau khi Bác mất vào ngày 2-9-1969, thể theo nguyện vọng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, Bộ Chính trị, Trung ương Đảng đã quyết định chọn nơi đây làm nơi gìn giữ lâu dài thi hài của Bác. Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ngày 18-7-1975, thi hài Bác được chuyển về Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Ba Đình lịch sử để đồng bào, chiến sĩ cả nước cũng như kiều bào ta ở nước ngoài và bạn bè quốc tế đến viếng Người.

Anh Lê Hữu Nhơn, Phó Phòng LĐ-TB&XH Q.Thanh Khê cùng với những người có công, gia đình chính sách trên địa bàn đã dừng chân tại đây khá lâu và ghi chép rất tỉ mỉ những thông tin về những nơi đi qua, dừng lại, câu chuyện kể của những người thuyết minh. Anh Nhơn tâm sự: "Tuy thời gian Bác Hồ sống, làm việc tại Đá Chông không liên tục; thời gian gìn giữ thi hài của Người tại đây cũng nhiều lần phải di chuyển, song mỗi tấc đất, lối đi, cành cây, ngọn cỏ, mỗi căn phòng nơi đây như vẫn còn vương vấn hình ảnh, tâm hồn của Bác; một lãnh tụ anh minh, kiệt xuất của dân tộc, giản dị, nhưng mang đầy tính nhân văn của nhân loại". Nhiều người trong đoàn từ TP Đà Nẵng ra, đây là lần đầu tiên đặt chân đến khu di tích Đá Chông-K9. Đó là thương binh Phan Xuân Mia, Nguyễn Ngọc Tân, Cao Văn Hoàng (P.Thanh Khê Đông); Trần Văn Xuân (P.Chính Gián); Nguyễn Thị Phòng (P.Thạc Gián); Ngô Thị Hoài Tâm (P.Tân Chính)... Theo một số tư liệu để lại, về cơ bản, từ năm 1969-1975, thi hài Bác được giữ gìn ở đồi Đá Chông. Bộ Tư lệnh Lăng bố trí bộ phận tiếp đón các đoàn cán bộ và nhân dân toàn quốc về thăm K9. Tại đây, du khách được thắp hương trước Nhà thờ Bác Hồ, tham quan khu vực bảo quản thi hài Bác vẫn được giữ nguyên trạng gắn với nhà kính, nhà hầm và các phương tiện kỹ thuật máy móc. Bên trái khu đồi là dòng sông Đà êm đềm chảy với cảnh quan thiên nhiên đầy thơ mộng.

 Đông đảo du khách tham quan Khu di tích Đá Chông-K9.

 Tại Khu di tích hiện có 2 nhà bia bằng đá quý đặt 2 bên, chạm khắc hoa văn tinh xảo ghi bài phúng do Anh hùng Lao động, Giáo sư Vũ Khiêu phụng thảo tại Đá Chông ngày 19-5-2015. Nhà tưởng niệm Bác to, rộng một tầng 2 mái kiến trúc theo lối cổ. Trên bàn thờ, tượng Bác ngồi trên ghế tựa đặt chính giữa, phía sau là nền cờ đỏ, bên trên có búa liềm và ngôi sao vàng. Ở 2 cột bên ban thờ treo đôi câu đối chữ Việt: "Hồn Việt tụ nơi đây linh khí trải dài muôn dặm đất/Bác Hồ về thuở ấy tinh anh tỏa sáng bốn phương trời".

Theo chỉ dẫn, chúng tôi thăm các công trình nhà làm việc của Bộ Chính trị,  khu nhà bếp, phòng ăn được nối với nhà làm việc bằng lối đi có mái che. Cả khu nhà làm việc của Bác ẩn mình dưới tán cây cổ thụ. "Buổi tham quan di tích Đá Chông-K9 thực sự là một bài học thực tế và sự trải nghiệm không có sách vở nào có thể so sánh được. Qua đây, chúng ta hiểu biết nhiều hơn về khu di tích lịch sử Đá Chông-K9; hiểu hơn về cuộc đời, sự nghiệp của Bác Hồ kính yêu cũng như công việc mà Trung ương Đảng đã thực hiện gìn giữ thi hài Bác trong suốt những năm tháng chiến tranh"-Chủ tịch UBND Q.Thanh Khê Nguyễn Văn Tĩnh bộc bạch.

PHƯƠNG LAN