Thánh chiến ở Nam Á

Thứ sáu, 10/04/2015 11:47

* Hoạt động thánh chiến trong khu vực Nam Á đang dần thích ứng với những thay đổi

(Cadn.com.vn) - Quan hệ giữa Pakistan và Afghanistan tốt hơn trong những tháng gần đây, động thái đang gây ra mối đe dọa hiện hữu đối với một số nhóm thánh chiến trong khu vực, vốn được hưởng lợi từ sự bảo trợ và nhược điểm của cả hai nước.

Kết quả là, các phe phái Taliban tại Pakistan đang xốc lại hàng ngũ, Al-Qaeda hướng đến mục tiêu lật đổ cuộc đàm phán hòa bình giữa Kabul và Taliban ở Afghanistan; và các chiến binh thánh chiến có liên kết với với nhóm Hồi giáo cực đoan IS tìm cách thiết lập chỗ đứng trong khu vực bằng các biện pháp bạo lực giáo phái.

Quan hệ Afghanistan - Pakistan

Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani lên nắm quyền năm 2014, tạo cho Kabul và Islamabad cơ hội khởi đầu lại quan hệ song phương. Ông Ghani muốn có quan hệ tốt đẹp với quân đội Pakistan.

Hướng đến mục tiêu này, ông giữ khoảng cách với chính phủ của ông từ Ấn Độ và đảo ngược hỗ trợ cho nhóm phiến quân Taliban tại Pakistan (TTP) hoạt động tại Afghanistan. Quan hệ Islamabad-Kabul được cải thiện sau vụ thảm sát tháng 12-2014 tại trường học ở Peshawar, do TTP gây ra. Kabul và Islamabad hiện đang chia sẻ thông tin tình báo và phối hợp hoạt động dọc theo biên giới chung. Cơ quan Tình báo Pakistan cũng tăng cường các nỗ lực để thuyết phục Taliban tại Afghanistan ngồi vào bàn đàm phán.

Người Hazara biểu tình đòi hỏi hành động để giải cứu những người Hazara bị IS bắt cóc ở Ghazni hôm 17-3. Ảnh: Diplomat

Tái hợp nhất

Các hoạt động quân sự phối hợp giữa Pakistan, Afghanistan và lực lượng liên quân đang đưa các nhánh TTP gắn kết trở lại. Hồi đầu tháng này, Ehsanullah Ehsan, phát ngôn viên Jamaat-ul Ahrar (JA), nhóm tách từ TTP tuyên bố sẽ tái gia nhập TTP dưới hội đồng lãnh đạo mới.

TTP ra đời năm 2007 như một chiếc ô cho các nhóm phiến quân Pakistan chiến đấu chống lại Islamabad. Năm 2014, nội bộ TTP lục đục sau khi thủ lĩnh Maulvi Fazlullah quyết định tham gia vào các cuộc đàm phán hòa bình với Islamabad. Các thành viên bất mãn tách ra và thành lập JA hồi tháng 8-2014. Nhưng vào cuối năm, các lãnh đạo của cả TTP và JA nhận thấy mình là mục tiêu của các cuộc không kích Pakistan, Afghanistan và lực lượng liên quân dọc theo biên giới tỉnh Nangarhar của Afghanistan và Khyber của Pakistan.

Hợp tác ba bên chống TTP và JA đánh dấu sự đảo ngược vận mệnh của các nhóm khủng bố, vốn xem Afghanistan là nơi trú ẩn an toàn từ năm 2009. Trong khi quân đội Pakistan nỗ lực đưa Taliban ngồi vào bàn đàm phán, Al-Qaeda đang cố gắng lợi dụng mối quan hệ của các học giả tôn giáo Pakistan để kéo Taliban ở lại. Al-Qaeda Nam Á (AQIS) thậm chí ra tuyên bố kêu gọi các học giả tôn giáo Pakistan cản trở tiến trình hòa bình ở Afghanistan. Tuyên bố nói rằng, quân đội Pakistan âm mưu cùng với Mỹ nhằm đánh bại Taliban thông qua đàm phán, vì thất bại trên chiến trường.

Bạo lực giáo phái?

Hồi tháng 1, IS chính thức thành lập tỉnh Khurasan - khu vực thuộc cả Afghanistan và Pakistan. Nhưng kể từ khi được thành lập, đã xảy ra loạt các vụ tấn công giáo phái ở Afghanistan. Hàng chục người Shiite Hazara Afghanistan bị bắt cóc trong 3 vụ việc riêng biệt kể từ tháng 1.

Không có nhóm nào nhận trách nhiệm về các vụ tấn công, song các cá nhân có cảm tình với IS có thể là thủ phạm. Các cuộc tấn công giáo phái tương đối hiếm ở Afghanistan song có thể IS đang tạo ra chỗ đứng trong khu vực bằng cách tham gia bạo lực giáo phái ở Afghanistan. Tấn công vào người Shiite sẽ giúp IS được chú ý.

Đồng thời, bằng cách tham gia vào các cuộc tấn công giáo phái, IS có thể ngăn chặn những người Afghanistan muốn chống lại nhóm. Các lãnh đạo IS bị ảnh hưởng nặng nề bởi các cuộc không kích bằng máy bay không người lái của Mỹ trong thời gian qua. Việc Mỹ có được các thông tin tình báo về nơi ở của các chỉ huy IS ở Afghanistan cho thấy người dân địa phương mong muốn loại bỏ nhóm ngay từ giai đoạn trứng nước.

An Bình
(Theo Diplomat)