Theo dấu thú hoang (2)
Bài cuối: Thú rừng xuống phố
(Cadn.com.vn) - Trong những chuyến đi thực tế miền núi tôi được biết những quán ăn ở đây ngoài cơm lam, cá suối bao giờ cũng là thịt rừng. Những quán ăn này tuy bên ngoài vẫn để biển bán thức ăn thông thường nhưng khi thực khách hỏi đến luôn sẵn sàng đáp ứng từ heo rừng đến nai có khi còn cả mang, nhím.
Trong những ngày ở thị trấn Thành Mỹ, tôi lân la hỏi chuyện những người dân trong đó có cả người Kinh và người địa phương thì được họ chỉ đến những đầu nậu chuyên bán thú rừng rất dễ dàng, tuyệt nhiên không ai tỏ vẻ lạ lẫm khi thú rừng là mặt hàng cấm lại được bày bán tự do. Thậm chí, khi tôi đề cập đến thì có người còn tặc lưỡi cho rằng thú chạy đầy rừng muốn bắt bao nhiêu mà chẳng được, có ai đếm được mất bao nhiêu, mất ở đâu đâu mà sợ. Không chỉ vậy, hiện nay vẫn còn tình trạng bẫy thú để chống phá rẫy nên việc săn bắt cũng không thể cấm hoàn toàn. Nếu lực lượng chức năng phát hiện chỉ cần nói là bẫy để chống phá rẫy là được (!).
Là thôn xa nhất của xã Cà Dy (H. Nam Giang) với chỉ hơn 95 hộ nhưng thôn Ngói lại phát triển chẳng khác gì thị trấn. Nơi đây có rất nhiều hộ dân chuyên nuôi heo rừng để cung cấp cho các quán nhậu. Ngồi ở một quán cà-phê đầu cầu Xơi tôi quan sát khung cảnh nơi đây khác hẳn với những vùng cao xa xôi mà tôi đã đi qua. Những chiếc xe số, xe tay ga liên tục chạy ào ào mà chẳng cần mũ bảo hiểm. Đời sống phát triển, cuộc sống con người cũng dần khấm khá hơn chẳng còn cảnh đói ăn thiếu mặc.
Trò chuyện với chị Alăng Thị Mai, chị Mai cho biết: “Dạo ni thú hiếm rồi, họ đốn gỗ dữ quá nó nghe hơi người chạy tút lên núi cao. Chỉ có mấy xã vùng xa kia là đông người đi làm. Ở chỗ của tui chỉ đặt bẫy để chống heo rừng, khỉ tới phá rẫy thôi. Bắt được thì làm mồi nhậu”.
![]() |
Một điểm bán thịt rừng "công khai" ở Thành Mỹ. |
Chỉ vào những chú lợn đang chạy rông ngoài sân chị Mai lý giải: “Cái giống heo ni cũng là heo rừng đây, nhà nào cũng nuôi hết, thịt ăn cũng ngon không khác gì heo rừng thật, chỉ có lông của chúng là ít đen hơn. Mỗi ngày tụi tui chỉ cho nó ăn một bữa còn lại thả ra cho nó tự đi kiếm thức ăn. Thế nhưng họ không thích mua heo ni, giá rẻ lắm, chỉ có heo chính cống bắt ở rừng giá mới cao”. Câu nói của chị Mai đã giúp tôi hóa giải được nguyên nhân vì sao ở thị trấn Thành Mỹ có hàng chục điểm bán heo rừng, thì ra chúng chỉ để lừa mắt những “thượng đế” miền xuôi.
Để mục sở thị tôi cùng một người bạn tìm đến một quán ăn khá bắt mắt gần chợ Thành Mỹ. Vừa bước vào bà chủ đã đon đả: “Anh chị dùng gì? Hôm nay quán có hàng tươi lắm nhé!”. Nói rồi bà chủ đưa menu cho chúng tôi xem rồi đứng bên thao thao bất tuyệt. “Anh chị ở đâu mới tới phải không? Đang có nai nướng lá lốt thơm lắm. Không thích thì lợn rừng nấu giả cầy chính hiệu nhé”. Tôi hỏi: “Sao không thấy ghi mấy món này trong menu” thì bà chủ nói trớ: “Cái ni là theo mùa, theo thời, với lại khách quen biết hết rồi, chỉ cần a-lô loại nào cũng có, đảm bảo tươi ngon”.
![]() |
Những con lợn rừng được thui sẵn với giá 200 ngàn đồng/kg. |
Trong khi dùng bữa, chúng tôi có dịp nghe kể về cách thức “nhậu” thịt rừng của một nhóm thanh niên mà sởn da gà. Với vẻ mặt hào hứng một người đàn ông cao giọng: “Ăn thịt rừng thì cũng phải có cách ăn chứ không thể làm bừa được không là mất hết cái mùi của rừng. Không biết cách chế biến thì đừng nói chi tới thịt ta hay thịt tây. Với khỉ thì óc là ngon nhất”. Nói rồi anh ta kể có lần đã được ăn óc khỉ theo một phương pháp đặc biệt là nấu một nồi nước sôi có đầy đủ gia vị trong đó, con khỉ sẽ được nhốt vào một cái lồng sắt rất chặt chỉ để lộ mỏm đầu ra trên mặt bàn. Khi ăn các “thượng đế” sẽ dùng một con dao róc ngang đầu khỉ để lấy óc, con khỉ dù đau đớn nhưng không thể giãy giụa được. Óc khỉ sau đó được dội một vá nước sôi cho chín rồi dùng muỗng xúc ăn. “Béo với dậy mùi lắm”, đó là câu nhận xét của người đàn ông nọ.
Hình dung cảnh con khỉ bị giết một cách tàn bạo như vậy chỉ để thỏa mãn cái thú ẩm thực của một số người mà tôi lạnh cả sống lưng. Chẳng biết phần óc khỉ chỉ vừa một cái muỗng ấy béo bổ kiểu gì mà khiến nhiều người tàn nhẫn như vậy.
Rời quán nọ chúng tôi cùng đến chỗ một đầu nậu chuyên bán thịt rừng nằm trong chợ Thành Mỹ. Thoạt nhìn qua người phụ nữ này chỉ bán rau bình thường nhưng bên trong chiếc thùng xốp đặt bên cạnh mới thực là mặt hàng chính. Hé chiếc nắp thùng bà bán rau ra giá 200 ngàn một ki-lô-gam thịt nai, 230 ngàn là thịt heo rừng. Tôi hỏi thêm: “Có nhím hay con gì lạ để ngâm rượu không cô” thì bà bán rau hồ hởi: “Có hết nhưng để chỉ về nhà cho tiện, ở đây không có chỗ chứa. Ưng chi có nấy mang, nhím, chồn, rắn... tha hồ mà lựa”.
Theo lời chỉ dẫn, chúng tôi đến một ngôi nhà nhỏ nằm ven cầu. Trong nhà có 3 chiếc tủ lạnh lớn đặt cạnh nhau bên trong là những con thú đã được đông lạnh. Bên ngoài sân vườn có hàng chục con thú đang được nuôi trong lồng. Những con thú này có giá dao động từ 300 đến 500 ngàn đồng/kg tùy theo độ “hiếm”. Lấy lý do quên mang ví tiền chúng tôi chuồn thẳng.
Có thể nói, không chỉ tình trạng khai thác gỗ trái phép Quảng Nam mới đáng báo động mà tình trạng săn bắt thú rừng trái phép cũng đang diễn ra rầm rộ. Sự tác động của con người đã làm diện tích rừng tự nhiên bị thu hẹp cộng thêm nạn săn bắt động vật hoang dã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đa dạng sinh học. Nhiều loài thú quý hiếm đã và đang đứng trước nguy cơ diệt vong.
Hà Dung