Thiếu niên 3 lần được phong danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ
Sinh ra trong gia đình giàu truyền thống cách mạng, chứng kiến cảnh người anh trai Nguyễn Hữu Nhị bị giặc Mỹ sát hại dã man, Nguyễn Hữu Quỳ (1959, trú thôn Phú Sơn Nam, xã Hòa Khương, H. Hòa Vang, TP Đà Nẵng) chất chứa căm thù những kẻ ngoại xâm. Mới 11 tuổi cậu bé Quỳ đã đi theo các cô, chú tham gia hoạt động cách mạng, lập được nhiều chiến công hiển hách. Ở tuổi 12 Quỳ đã 3 lần nhận được danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ...
Ông Nguyễn Hữu Quỳ trò chuyện với lớp đảng viên trẻ về những năm tháng chiến tranh. |
Tuổi nhỏ lập chiến công
Khi chúng tôi nhắc đến những ký ức thời chiến tranh, cảm xúc như tràn về, hiện hữu trước mắt, ông Quỳ kể: "Lòng căm thù giặc đã thôi thúc tôi quyết tâm trả thù cho anh trai. Mới 11 tuổi, tôi bắt đầu đi theo các cô, chú làm giao liên, du kích. Thấy tôi nhanh nhẹn, tổ chức quyết định đào tạo tôi thực hiện những nhiệm vụ đặc biệt. Lúc đó ông Đinh Ngọc Tắt là Bí thư xã Hòa Lương (nay là Hòa Khương) hoạt động bí mật trên vùng núi tây Hòa Vang đặt cho tôi bí danh là "Hùng". Ngoài việc chăn bò, Hùng thường theo dõi nhất cử nhất động của giặc Mỹ để kịp thời báo cáo cho tổ chức. Cuối năm 1970, nhận sự phân công của tổ chức, Hùng liên tiếp thực hiện thành công 2 nhiệm vụ gài mìn tiêu diệt 8 tên lính Mỹ. Lần thứ nhất, sau thời gian theo dõi, phát hiện một tốp lính Mỹ chuyên đi rà mìn trên QL14B, cứ đến 2 giờ chiều thì đến nghỉ chân tại cầu ông Xã Khiếm. "Nắm được quy luật đó, tôi đã gài một quả mìn 3 càn. Đúng theo dự kiến, 2 giờ chiều bọn giặc đến đạp phải mìn, 5 tên bị tiêu diệt. Sau trận đánh này tổ chức đã 2 lần phong cho tôi danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ hạng I, II. Lần thứ 2, lúc đó khoảng 8 giờ sáng, tôi tiếp tục theo dõi bọn Mỹ khi chúng đang dùng chiến thuật "Mỹ kép" nhằm đánh lừa lực lượng cách mạng. Tôi thủ sẵn một quả mìn trong người rồi bí mật theo dõi. Khi đến ngã ba Khu Dồn, bọn chúng dừng lại mua thức ăn, lúc đó tôi phát hiện có 3 tên Mỹ đang nằm nghỉ dưới một gốc cây, tôi tiếp cận rút chốt rồi đặt quả mìn hẹn giờ dưới ba lô của chúng. Mìn nổ làm 3 tên lính Mỹ chết tại chỗ"- ông Quỳ kể. Sau vụ đó, Hùng được tặng danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ hạng I, làm Liên đội trưởng liên đội Thiếu niên địa phương.
Bất khuất chốn ngục tù
Sau những phi vụ trên, Mỹ-ngụy tăng cường điều tra, truy bắt Hùng đưa vào nhà tù Hội An tra tấn buộc khai ra những người đứng sau. "Bọn chúng tra tấn đủ kiểu nhưng tôi quyết không khai. 15 ngày sau chúng đưa tôi ra nhà tù Kho Đạn (Đà Nẵng) kêu án 15 năm rồi đưa vào nhà tù thiếu nhi Đà Lạt" ông Quỳ nhớ lại. Nhà tù thiếu nhi Đà Lạt, là nơi tập trung những chiến sĩ nhỏ tuổi (từ 12-17 tuổi) tham gia phong trào cách mạng tại địa phương. Vào đây, chúng phát cho mỗi tù nhân 2 bộ quần áo ka-ki xanh, giày ba-ta, mũ ca-lô xem như một trường học chuyên nghiệp tập trung. Tại đây, chúng thực hiện nhiều kế hoạch để đầu độc tư tưởng các tù nhân nhỏ tuổi. Chúng truyền bá những bài giảng xuyên tạc chế độ cộng sản, nói xấu Đảng, nhằm làm mất lòng tin vào Đảng. Đáng sợ nhất đối với những chiến sĩ nhỏ là thời tiết lạnh, mỗi người chỉ có bộ quần áo mỏng manh, mỗi bữa ăn chỉ được một nắm cơm trắng chấm muối. "Những trận đòn tra tấn của bọn cai ngục không thể lay động ý chí chiến đấu của những chiến sĩ cách mạng nhỏ tuổi. Chúng tôi tích cực hưởng ứng các phong trào biểu tình như tuyệt thực, chống chào cờ do đàn anh khởi xướng... Khủng bố tinh thần, không hiệu quả, bọn cai ngục tăng cường tra tấn khiến cuộc đấu tranh gặp nhiều khó khăn"- ông Quỳ kể về quãng thời gian ở nhà tù thiếu nhi.
Năm 1972, sau khi Mỹ ký hiệp định Paris, các chiến sĩ càng đấu tranh mạnh mẽ đòi trao trả tự do. Để không rơi vào thế bị động, lãnh đạo nhà lao đã đề ra phương án mổ bụng tập thể. Lúc đó tinh thần, ý chí cách mạng sôi sục, dâng trào, với phương châm "mổ bụng phải lòi ruột ra nhưng không chết" được nhiều người xung phong thực hiện, với quyết tâm mổ bụng đến khi nào bọn chúng đồng ý các yêu cầu thì mới dừng lại. "Đáng nhớ nhất là lần rạch bụng của anh Thái Bá Trọng. Lúc đó anh Trọng rạch nhát dao đầu tiên nhưng không lòi ruột. Sau đó anh rạch liên tiếp 2 nhát nữa, ruột đổ ra, máu me lênh láng đầy người. Trước tình hình đó, bọn cai ngục đã đồng ý những yêu cầu của chúng ta"- ông Quỳ kể.
Trò chuyện với chúng tôi, ông Thái Bá Trọng - hiện là Trưởng Ban liên lạc tù yêu nước thiếu nhi Đà Lạt cho biết: Lúc mới vào nhà tù, Quỳ chỉ mới 12 tuổi, được xem như em út. Tuy tuổi nhỏ nhưng ở Quỳ có tinh thần chiến đấu rất cao, luôn hưởng ứng tất cả các phong trào do đàn anh khởi xướng, được xem là "Đội trưởng" của nhóm tù yêu nước H. Hòa Vang lúc bấy giờ. Năm 1973-1975, ông Quỳ được đưa về giam tại nhà tù Hội An (Quảng Nam). Sau khi đất nước thống nhất, ông Quỳ về tại địa phương tích cực hoàn thành nhiều nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao phó, góp phần xây dựng quê hương giàu đẹp hơn. Ngày 10-1-1982 ông vinh dự nhận Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng III; năm 2009 nhận danh hiệu Anh hùng LLVT Nhân dân. Từ năm 2005 đến nay, làm Phó Chủ tịch Hội tù yêu nước H. Hòa Vang...
LÊ VƯƠNG