Thỏa thuận hạt nhân lịch sử

Thứ bảy, 04/04/2015 07:30

(Cadn.com.vn) - Barack Obama nói rằng, thỏa thuận khung về chương trình hạt nhân Iran có thể giải quyết một cách hòa bình “một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với an ninh của chúng tôi”.

Sau 8 ngày thương lượng và mặc cả thâu đêm, nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc cùng với Đức) và Iran cuối cùng đạt thỏa thuận khung về chương trình hạt nhân gây tranh cãi nhiều năm qua của Tehran.

Theo thỏa thuận, Iran sẽ đóng cửa hơn 2/3 số máy ly tâm có khả năng sản xuất uranium vốn có thể được sử dụng để sản xuất bom nguyên tử; tháo dỡ lò phản ứng có thể sản xuất plutonium, và chấp nhận cho thanh sát viên đến đây. Tehran cũng đồng ý giảm đáng kể số lượng máy ly tâm làm giàu uranium xuống còn 6.104 từ 19.000 và sẽ chỉ hoạt động 5.060 máy ly tâm theo thỏa thuận trong tương lai với 6 cường quốc. Cũng theo Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, trữ lượng uranium làm giàu cấp độ cao của Iran sẽ bị cắt đến 98% trong 15 năm, nhà máy Fordo sẽ được sử dụng cho mục đích hòa bình và lò phản ứng Arak sẽ ngừng sản xuất plutonium cấp độ dùng cho vũ khí.

Giới phân tích hy vọng, thỏa thuận này sẽ mở đường hướng đến thỏa thuận cuối cùng trong 3 tháng còn lại, cho đến thời hạn chót cuối cùng ngày 30-6.

Tổng thống Obama nói về thỏa thuận khung hạt nhân Iran tại Vườn Hồng hôm 3-4. Ảnh: Reuters

Thỏa thuận lịch sử

Phát biểu tại cuộc họp báo bất thường ở Vườn Hồng ngày 3-4, Tổng thống Obama ca ngợi thỏa thuận hạn chế chương trình hạt nhân của Iran là “bước đi lịch sử”, là thắng lợi của các nỗ lực ngoại giao bền bỉ.

Ông Obama cho biết, thỏa thuận khung đạt được sau 18 tháng nỗ lực ngoại giao “gay cấn và có nguyên tắc”, là kết quả mang tính lịch sử, mở đường hướng đến hiệp cuối cùng góp phần làm cho nước Mỹ, các đồng minh và toàn thế giới an toàn hơn. Ông chủ Nhà Trắng ví thỏa thuận này giống như Hiệp định cắt giảm vũ khí hạt nhân giữa Mỹ và Liên Xô cũ, dẫn đến tránh nguy cơ chiến tranh hạt nhân. Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon hoan nghênh thỏa thuận khung nói trên, cho rằng, nó sẽ mở đường cho việc củng cố hòa bình và ổn định ở Trung Đông. Bộ Ngoại giao Nga nhận định, đây là động thái công nhận “quyền vô điều kiện” của Tehran trong việc theo đuổi chương trình hạt nhân dân sự. Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif cũng tuyên bố, thỏa thuận hạt nhân đầy đủ với Iran sẽ cho phép nước này tham gia vào thị trường nhiên liệu hạt nhân toàn cầu.

Còn nhiều thách thức

Nhưng Tổng thống Mỹ Barack Obama vẫn phải đối mặt với nhiệm vụ đầy cam go: ngăn chặn Quốc hội - hiện do đảng Cộng hòa kiểm soát - phá hoại hiệp ước này và giữ không để bàn đàm phán sụp đổ.

Các đối thủ đảng Cộng hòa của ông Obama không chứng tỏ dấu hiệu cho thấy sẽ rút lui khỏi các kế hoạch đề xuất các luật mà ông Obama nói là sẽ làm suy yếu các cuộc đàm phán, bao gồm cả dự luật yêu cầu, bất kỳ thỏa thuận cuối cùng nào cũng cần phải được Quốc hội thông qua. Thượng nghị sĩ Marco Rubio, ứng cử viên tổng thống tiềm năng, cho rằng, các điều khoản ban đầu của thỏa thuận hạt nhân trên là “rất đáng lo ngại” và tuyên bố sẽ nỗ lực để áp đặt các biện pháp trừng phạt bổ sung. Chủ tịch Hạ viện Mỹ John Boehner cũng cho rằng, thỏa thuận khung trên là “bước xa rời đáng báo động” khỏi những mục tiêu ban đầu của ông chủ Nhà Trắng. Israel cũng là một rào cản lớn cho bàn đàm phán hạt nhân. Tel Aviv cảnh báo, thỏa thuận khung được ký kết này là “vô cùng nguy hiểm”, đồng thời cáo buộc quốc gia Hồi giáo này đang tìm cách sở hữu vũ khí nguyên tử.

Trên thực tế, dù các cường quốc và Iran đạt tiến bộ để tiến đến thỏa thuận rộng rãi ở Thụy Sĩ, các thử nghiệm thực tế đang phủ bóng bàn đàm phán vào cuối tháng 6, thời điểm thỏa thuận này phải được hoàn thiện. “Đây là bước phát triển đáng khích lệ, nhưng tất nhiên vấn đề quan trọng nằm trong việc đề ra các chi tiết”, Reuters dẫn lời chuyên gia Edwin Lyman nhận định.

Rõ ràng, các cuộc đàm phán marathon ở Lausanne có được sự cân bằng mịn màng giữa thành công và sụp đổ, và ông Obama cũng đã cảnh báo “thành công không được bảo đảm”, dù đạt thỏa thuận khung.

Khả Anh