TƯ VẤN PHÁP LUẬT

Có được chấm dứt hợp đồng lao động khi người lao động không hoàn thành KPI?

Thứ ba, 09/01/2024 15:36
*Bạn đọc hỏi: anh Trương Thiên Hoàng ở tỉnh Gia Lai, hỏi: Tôi hiện đang làm nhân viên kinh doanh của Công ty TNHH A. có trụ sở tại Q.Sơn Trà (TP Đà Nẵng). Công ty tôi chuyên phân phối hạt điều khắp cả nước. Tháng 10 vừa rồi, tôi đã không đạt chỉ tiêu bán hàng được giao, thấp hơn tháng trước và đây là lần đầu tôi không đạt doanh số bán hàng. Công ty đã gửi email thông báo cho tôi nghỉ việc với lý do tôi không hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động. Cho tôi hỏi việc Công ty cho tôi nghỉ như vậy có đúng không? Tôi rất lo lắng vì hoàn cảnh gia đình tôi rất khó khăn, vợ chồng tôi còn đang nuôi con nhỏ mới 10 tháng tuổi.
Luật sư Phan Thụy Khanh
Luật sư Phan Thụy Khanh

*Luật sư Phan Thụy Khanh, Phó trưởng Văn phòng luật sư Phong & Partners – Trưởng Chi nhánh Sơn Trà, trả lời:

Hiện nay các doanh nghiệp, nhất là các đơn vị kinh doanh, thường xây dựng nội quy lao động, trong đó có nội dung về đánh giá mức độ hoàn thành công việc của người lao động (NLĐ), thường được gọi là KPI (Key Performance Indicator). Về phía doanh nghiệp, các chỉ số KPI giúp doanh nghiệp theo dõi, đánh giá được mức độ thực hiện công việc của NLĐ một cách minh bạch, công bằng thông qua các số liệu cụ thể; từ đó thực hiện các chế độ lương thưởng cho từng NLĐ. Về phía NLĐ, KPI giúp họ hiểu được mức độ hoàn thành công việc, tạo động lực để làm việc và phấn đấu thực hiện mục tiêu cụ thể. Tuy nhiên, việc áp dụng quy định về KPI cần đúng quy định và phù hợp với thực tiễn. Nếu không, rất dễ dẫn đến tranh chấp giữa người sử dụng lao động (NSDLĐ) và NLĐ. Trường hợp anh Trương Thiên Hoàng vừa hỏi ở trên có liên quan đến vấn đề này.

NSDLĐ có được quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ với lý do NLĐ không đạt doanh số bán hàng?

Bộ luật Lao động 2019 quy định khá rõ các trường hợp NSDLĐ có quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ với NLĐ, trong đó có trường hợp liên quan đến việc không hoàn thành công việc theo thỏa thuận, cụ thể tại điểm a khoản 1 Điều 36:

“Điều 36. Quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ của NSDLĐ

1. NSDLĐ có quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ trong trường hợp sau đây:

a) NLĐ thường xuyên không hoàn thành công việc theo HĐLĐ được xác định theo tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành công việc trong quy chế của NSDLĐ. Quy chế đánh giá mức độ hoàn thành công việc do NSDLĐ ban hành nhưng phải tham khảo ý kiến tổ chức đại diện NLĐ tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện NLĐ tại cơ sở”.

Theo quy định vừa nêu, NSDLĐ được quyền chấm dứt HĐLĐ nếu NLĐ thường xuyên không hoàn thành công việc; tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành công việc đã được quy định tại quy chế của NSDLĐ. Quy chế này phải được ban hành theo đúng trình tự pháp luật.

Theo thông tin anh Hoàng cung cấp, anh chưa nói rõ Công ty A. đã có ban hành quy chế này chưa, quy chế đã được ban hành đúng trình tự pháp luật không, thỏa thuận đánh giá mức độ hoàn thành công việc đã được quy định trong HĐLĐ hay không. Do đó, chưa có cơ sở để xem xét yếu tố “thường xuyên” không hoàn thành công việc theo HĐLĐ, bởi nếu Công ty A. đã ban hành và áp dụng quy chế đánh giá thì sẽ có nội dung quy định số lần cụ thể tính trên mốc đơn vị thời gian nhất định mà ở thời điểm đó, NLĐ không hoàn thành được chỉ tiêu công việc được giao. Tuy nhiên, anh có nói rõ rằng đây là lần đầu anh không đạt doanh số bán hàng, nghĩa là lần đầu không hoàn thành công việc theo mức đánh giá của Công ty. Do đó, việc Công ty A. thông báo cho anh nghỉ việc với lý do anh không hoàn thành công việc, cụ thể là không đạt doanh số bán hàng tháng 10, là không phù hợp với quy định pháp luật như phân tích ở trên.

NLĐ đang nuôi con nhỏ có bị đơn phương chấm dứt HĐLĐ?

Bộ luật Lao động 2019 quy định các trường hợp NSDLĐ được quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ và cũng có quy định các trường hợp NSDLĐ không được phép đơn phương chấm dứt HĐLĐ, cụ thể:

“Điều 37. Trường hợp NSDLĐ không được thực hiện quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ

1. NLĐ ốm đau hoặc bị tai nạn, bệnh nghề nghiệp đang điều trị, điều dưỡng theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều 36 của Bộ luật này.

2. NLĐ đang nghỉ hằng năm, nghỉ việc riêng và trường hợp nghỉ khác được NSDLĐ đồng ý.

3. NLĐ nữ mang thai; NLĐ đang nghỉ thai sản hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi”.

Theo khoản 3 Điều 37, trong trường hợp NLĐ đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi, không phân biệt là NLĐ nam hay NLĐ nữ, thì NSDLĐ không được đơn phương chấm dứt HĐLĐ. Như vậy, từ những quy định đã phân tích trên đây, việc Công ty A. chấm dứt HĐLĐ với anh Hoàng là không đúng quy định pháp luật. Để đảm bảo quyền lợi của mình, anh Hoàng có thể trao đổi với Công ty anh để đàm phán, thương lượng giải quyết vấn đề. Trong trường hợp Công ty không có thiện chí và vẫn tiến hành việc đơn phương chấm dứt HĐLĐ, anh có quyền khởi kiện tới tòa án có thẩm quyền để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Chuyên mục này có sự hợp tác về chuyên môn của Văn phòng Luật sư Phong & Partners. Đường dây nóng hỗ trợ tư vấn: 0236.3822678 - 0905.102425