Thực hiện mục tiêu kép, trước hết phải an toàn

Thứ hai, 05/10/2020 06:50

Đó là một trong những nội dung quan trọng mà Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã đề cập tại hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 trong thời gian tới. Dự tại điểm cầu Đà Nẵng có Phó Chủ tịch UBND TP Trần Văn Miên và đại diện các sở, ngành, địa phương.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại hội nghị. 

Nguy cơ lây nhiễm luôn luôn thường trực

Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho rằng, đối với các địa phương, nguy cơ lây nhiễm luôn luôn thường trực, trong đó hai nguy cơ lớn nhất là từ người nhập cảnh (cả trái phép, hợp pháp), người mang mầm bệnh đã lưu hành trong cộng đồng. “Đến nay, chúng ta vẫn kiên định các giải pháp phòng, chống dịch từ trước đến nay theo đúng 5 nguyên tắc: ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch sớm nhất có thể”, ông Long nói.

Theo ông Nguyễn Thanh Long, hai trọng tâm cần đặc biệt chú trọng trong thời gian tới là công tác quản lý, cách ly người nhập cảnh và phòng chống lây nhiễm trong các cơ sở y tế.“Vừa qua, Bộ Y tế đã ban hành các hướng dẫn cách ly đối với các nhóm đối tượng nhập cảnh hợp pháp.Hình thức cách ly dưới 14 ngày, không cần cách ly tập trung được áp dụng cho các chuyên gia, lao động kỹ thuật người nước ngoài có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 từ 3-5 ngày trước khi nhập cảnh vào Việt Nam, tiếp tục xét nghiệm sau khi nhập cảnh và xét nghiệm định kỳ, đồng thời thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch. Các địa phương có trách nhiệm triển khai và thực hiện các biện pháp này.Về hình thức cách ly tập trung 7 ngày và cách ly tại nhà 7 ngày dành cho các chuyên gia, lao động kỹ thuật người nước ngoài có kết quả xét nghiệm âm tính trước khi nhập cảnh vào Việt Nam từ 3-5 ngày, sau đó xét nghiệm lần 1 vào ngày thứ 1 nhập cảnh, lần thứ 2 vào ngày thứ 6 hoặc 7. Nếu tiếp tục có kết quả âm tính, những người này được cách ly tại nhà và xét nghiệm lần 3 vào ngày thứ 14”, ông Long cho biết.

Các trường hợp nhập cảnh khác chưa có hướng dẫn vẫn thực hiện cách ly tập trung 14 ngày. Việc thu phí cách ly thực hiện theo quy định của Thủ tướng Chính phủ. Ông Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh: “Ngành y tế chủ động xây dựng kế hoạch xét nghiệm phát hiện nhiễm virus SARS-CoV-2 trong giai đoạn mới, đảm bảo chính xác, tiết kiệm; có phương án xét nghiệm, giảm thời gian cách ly tập trung đối với các chuyên gia, nhà đầu tư, đối tác thương mại, lao động kỹ thuật cao nhập cảnh vào Việt Nam từ một số quốc gia, khu vực an toàn”.

Quyền Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nêu rõ gắn trách nhiệm với người đứng đầu, tạm đình chỉ công tác nếu để xảy ra tình trạng lây nhiễm chéo trong các cơ sở y tế.

Theo PGS.TS Trần Như Dương - Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, trong chống dịch Covid-19, việc truy vết các trường hợp F1 ngay khi phát hiện ca bệnh là yếu tố cực kỳ then chốt, quyết định, với nguyên tắc truy vết là phải “Thần tốc và triệt để”… “Đáng chú ý, trong đợt chống dịch vừa qua, tại miền Trung, chỉ trong một thời gian ngắn, chính quyền các địa phương đã thành lập được hàng nghìn tổ phòng, chống dịch Covid-19 cộng đồng. Với số lượng này, đồng nghĩa với việc chúng ta đã huy động thêm được gần 3 vạn người trực tiếp tham gia chống dịch một cách tích cực và hiệu quả tại cộng đồng. Những tổ Covid-19 cộng đồng chính là hạt nhân của phong trào toàn dân tham gia phòng, chống dịch”, TS Dương nhấn mạnh.

Bs.Ck 2 Ngô Thị Kim Yến – Giám đốc Sở Y tế TP Đà Nẵng cho biết, bài học kinh nghiệm mà Đà Nẵng rút ra chính là sự quan tâm, chỉ đạo, điều hành quyết liệt, sâu sát của Trung ương, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 quốc gia, Bộ Y tế, Thành ủy, UBND TP Đà Nẵng trong công tác kiểm soát, phòng, chống Covid-19. Việc tuân thủ các nguyên tắc, yêu cầu về phòng, chống dịch bệnh trong công tác phát hiện, truy vết, khoanh vùng, xét nghiệm, cách ly, điều trị được thực hiện nghiêm ngặt. Song song đó, các đơn vị đã chủ động đánh giá, phân tích kịp thời các yếu tố nguy cơ, khẩn trương áp dụng mạnh mẽ các biện pháp phòng, chống dịch cấp bách như giãn cách xã hội, dừng các hoạt động tập trung đông người và hoạt động văn hóa, kinh tế, xã hội trên địa bàn thành phố. Bên cạnh đó, tinh thần, thái độ chủ động triển khai các hoạt động đáp ứng của các cấp, các ngành; sự vào cuộc, chung tay của cả hệ thống chính trị và sự ủng hộ, đồng lòng của người dân trong công tác kiểm soát và khống chế dịch bệnh, sự hỗ trợ của các đơn vị, địa phương… đã góp phần giúp Đà Nẵng khống chế được dịch bệnh.

Điểm cầu tại TP Đà Nẵng.

Phải chuẩn bị tinh thần là dịch còn kéo dài sang năm 2021

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh: “Chúng ta thực hiện mục tiêu kép, phải tuyệt đối an toàn vì nếu có dịch thì mọi nỗ lực phát triển kinh tế sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. Đó đây đã xuất hiện tâm lý chủ quan, lơi lỏng không chỉ trong xã hội mà cả trong cơ quan nhà nước. Chúng ta đã có bài học Đà Nẵng và không để bài học đấy trở thành vô nghĩa. Chúng ta phải chuẩn bị tinh thần là dịch còn kéo dài sang năm 2021 như dự báo của Tổ chức Y tế thế giới và các tổ chức quốc tế khác”.

Theo Phó Thủ tướng, đeo khẩu trang là biện pháp đơn giản nhất, hiệu quả nhất. Việc phát hiện nhanh, truy vết, cách ly người nhiễm trong thời gian sớm nhất là biện pháp có tính chất quyết định. Giãn cách xã hội là giải pháp quan trọng để làm chậm tốc độ lây lan dịch. Một số kinh nghiệm lớn được rút ra trong công tác phòng, chống dịch ở Việt Nam thời gian qua là có hệ thống chính trị chỉ đạo xuyên suốt, sự vào cuộc của cả hệ thống từ Trung ương đến địa phương, các bộ ngành, đoàn thể chính trị-xã hội…

Nhân dân ủng hộ, tham gia và có nhiều nghĩa cử cảm động. “Chúng ta có sự hợp tác quốc tế chặt chẽ, thường xuyên trong nghiên cứu, phân lập virus, nghiên cứu, sản xuất sinh phẩm xét nghiệm, vaccine, phác đồ điều trị… Chiến lược của Việt Nam là chiến lược của một nước nghèo nên các biện pháp phòng, chống dịch được đặt cao hơn một mức, sớm hơn một bước so với khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới để hạn chế ít nhất các ca lây nhiễm trong cộng đồng. Bằng công nghệ thông tin, các lực lượng phòng chống dịch đã được kết nối chặt chẽ từ Trung ương đến địa phương, giữa các ngành để truy vết, theo dấu ca nhiễm, hỗ trợ điều trị từ xa. Quan trọng nhất là lực lượng quân đội, tiếp đó là lực lượng Công an đã tham gia phòng, chống dịch ngay từ những ngày đầu cùng với lực lượng y tế. Đây là điểm độc đáo trong công tác phòng chống dịch của Việt Nam, tới đây phải tiếp tục phát huy”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói.

Phó Thủ tướng cho rằng, trong thời gian tới chúng ta phải làm tốt hơn nữa 5 nguyên tắc chống dịch: ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch nhanh nhất có thể. Phó Thủ tướng nhấn mạnh: “Dịch không trừ một ai, một địa phương nào. Không chỉ riêng Đà Nẵng mà tỉnh nào cũng có thể xuất hiện dịch. Tuy nhiên, bài học rút ra từ Đà Nẵng là dù chúng ta đã cảnh báo phải giữ tuyệt đối an toàn các cơ sở y tế, đặc biệt là các khoa hồi sức cấp cứu, thận nhân tạo, có nhiều bệnh nhân nặng, có bệnh nền dài ngày nhưng dịch đã lây nhiễm sau khoảng 2 tuần mới phát hiện ra. Hoàn toàn nhiều nơi có thể bị như thế nếu chúng ta không siết lại kỷ cương”.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam yêu cầu phải xây dựng ngay hệ thống giám sát việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh tại bệnh viện, trường học, khách sạn, nhà máy, xí nghiệp, trụ sở cơ quan nhà nước, địa điểm công cộng, vui chơi, giải trí…“Bộ Y tế chịu trách nhiệm rà soát lại các hướng dẫn, phối hợp với bộ ngành liên quan để xây dựng các bộ tiêu chí chi tiết, cụ thể, khả thi để từng trường học, bệnh viện, siêu thị, khách sạn… có thể thực hiện được, cập nhật trực tuyến theo thời gian thực. Các bộ ngành, địa phương phải kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, nhất là trách nhiệm người đứng đầu”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

LÊ HÙNG