Thủy điện, những điều trông thấy... (5)

Thứ sáu, 08/11/2013 11:50

* Bài 5:  Hiệu quả thực tế: Được ít mất nhiều

(Cadn.com.vn) - Miền Trung-Tây Nguyên, với 3 lưu vực của các con sông lớn là sông Ba, sông Sêsan-Serepok và Vu Gia-Thu Bồn, trên các hệ thống sông này là cả một “đại công trường” với các dự án thủy điện (DATĐ) đã, đang và sắp triển khai. Những tác động tiêu cực của thủy điện đến môi trường, đến an sinh của các vùng hạ lưu đang là mối lo ngại hiện hữu…

Tại một Hội thảo về thủy điện tổ chức tại Quảng Nam vào giữa năm 2012, các nhà khoa học đã chỉ rõ,  khi xây dựng các đập ngăn nước công trình TĐ trên các hệ thống sông, sẽ hình thành các hồ chứa, phân đoạn các dòng sông vùng thượng lưu và trung lưu, làm mất đi tính liên tục của dòng chảy; làm thay đổi căn bản về chế độ thủy văn, lưu lượng dòng chảy ở cả phía trên đập lẫn phía dưới đập TĐ; thay đổi môi trường sống, gây tác động mạnh lên hệ sinh thái và khu hệ thủy sinh vật sống…

Thủy điện A Vương xả lũ gây ngập lụt xã Đại Lãnh (Đại Lộc, Quảng Nam)
trong cơn bão số 10 năm 2013.

Trong khi đó, việc xây dựng các báo cáo tác động môi trường của các DATĐ chỉ mang tính dự báo và tập trung đánh giá tác động môi trường ở giai đoạn xây và vận hành nhà máy, mà hầu như chưa chú trọng tới đánh giá tác động môi trường lâu dài ở vùng sau đập về sản lượng cá, về nơi cư trú, nơi sinh sản của các loài thủy sinh vật nói chung và cá nói riêng.  Không phải ngẫu nhiên mà chúng tôi đã đề cập ở phần đầu loạt bài viết này, khi nói đến sự “bức xúc” của ông Giám đốc Vườn quốc gia Yok Đôn (Đắc Lắc) Trần Văn Thành. Nếu người ta vẫn quyết tâm xây dựng bằng được DATĐ Đrăng Phok thì số phận của dòng sông Serepok nằm ngay giữa vùng lõi của vườn quốc gia sẽ ra sao? Liệu dòng sông sẽ trở thành một dòng sống “chết”.

Mà dòng sông chết thì có còn vườn quốc gia Yok Đôn không?  Những tác động về môi trường phụ thuộc chủ yếu vào chế độ vận hành hồ chứa, chế độ dòng chảy tự nhiên của dòng sông. Một trong những tác động của hồ chứa là ngăn cản đường di cư của cá đến các bãi đẻ. Bởi hầu như tất cả các công trình xây dựng đập TĐ đều né tránh việc xây dựng các đường cho cá di cư qua đập bởi sợ tốn kém, mất nguồn nước để phát điện.  Nhiều văn bản quy định liên quan đến công tác bảo tồn khó có thể thực thi, ví dụ như Quyết định 1479/QĐ-TTg ngày 13-10-2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt hệ thống khu bảo tồn vùng nước nội địa đến năm 2020, cụ thể là theo Quyết định này giai đoạn 2011-2015, tỉnh Quảng Nam sẽ hình thành khu vực bảo tồn trên lưu vực sông Vu Gia-Thu Bồn với mục tiêu là bảo vệ đường di cư của cá mòi, cá chình hoa…

Diện tích rừng bị mất do các hồ TĐ làm ngập, do bị phá làm đường, hành lang vận chuyển và đường dây tải điện sẽ gây ra mất hay phá hủy rất nhiều diện tích rừng có giá trị đa dạng sinh học cao. Việc xây dựng các công trình hồ chứa, đường giao thông nội bộ các công trình TĐ sẽ làm cắt đường di chuyển, cô lập các quần thể động vật, thực vật. Chất lượng rừng bị suy giảm, việc vận chuyển, đi lại dễ dàng hơn dẫn tới gia tăng tình trạng buôn bán động vật hoang dã và khai  thác gỗ trái phép… Khi xây dựng các công trình TĐ, nhất là các công trình lớn, nhiều loài động vật, nhất là các loài thú quý hiếm sẽ phải di chuyển đi nơi khác, thật sự chưa biết chúng sẽ đi đâu hoặc đã bị mất. Tuy chưa có một nghiên cứu khoa học nào để đánh giá cụ thể việc di chuyển đến nơi mới hay sự hiện hữu của các loài động vật rừng ở các vùng có TĐ, song thực tế cư dân địa phương ghi nhận là có thật.

Thủy điện xả lũ gây ngập lụt phố cổ Hội An trong cơn bão số 10 năm 2013.

Trong công tác đánh giá tác động môi trường của TĐ, quy trình và thực hiện quy trình vận hành các công trình TĐ, vận hành hồ chứa, liên hồ chứa cũng là một công tác vô cùng quan trọng.  Vận hành TĐ trong mùa nắng, theo tính toán, hầu hết các hồ TĐ bậc thang có lưu lượng xả nước phát điện lớn hơn dòng chảy kiệt của lưu vực mỗi dòng sông, đây là điều hết sức thuận lợi, nó sẽ bổ sung lượng nước đáng kể phục vụ cho sản xuất và đời sống nhân dân ở các vùng hạ du.

Tuy nhiên, trên thực tế các công trình TĐ sẽ có một số thời gian chỉ phát điện “phủ đỉnh” và ngừng xả nước phát điện ở những giờ thấp  điểm trong ngày hoặc ngừng hẳn một thời gian dài để duy tu bảo dưỡng thiết bị, xử lý các sự cố bất ngờ khác của công trình… lúc đó toàn bộ vùng hạ du sẽ bị thiếu nước. Nguồn nước từ các dòng sông sẽ không đảm bảo cung cấp ổn định cho sản xuất, sinh hoạt, đồng thời nước mặn từ biển sẽ xâm nhập sâu vào các cửa sông, gây thiệt hại cho sản xuất và đời sống nhân dân. Vấn đề này thể hiện rõ nét nhất trong hai năm 2012-2013 vừa qua tại các vùng đồng bằng như Quảng Nam, TP Đà Nẵng thuộc hạ du của hệ thống sông Vu Gia-Thu Bồn.

Từ tháng 11 đến tháng 5 năm sau trong 2 năm qua đã có hàng nghìn héc-ta đất sản xuất nông nghiệp ở Quảng Nam và H. Hòa Vang (Đà Nẵng) thiếu nước sản xuất, Đà Nẵng đã phải “báo động” vì thiếu nước sinh hoạt do các dòng sông bị nhiễm mặn nặng.  Trong những năm qua, Bộ NN-PTNT, Bộ Công thương và chính quyền tỉnh Quảng Nam, TP Đà Nẵng, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã phải phối kết hợp rất tích cực trong việc điều hành các nhà máy TĐ xả nước qua phát điện mới đáp ứng được yêu cầu dùng nước sản xuất và sinh hoạt ở vùng hạ du.

Xả lũ gây ngập lụt ở một trường học xã Đại Hưng (Đại Lộc, Quảng Nam).

Riêng về vận hành TĐ trong mùa mưa lũ,  theo báo cáo của Sở Công thương tỉnh Quảng Nam, hiện nay trên địa bàn tỉnh đã phê duyệt được quy trình vận hành của 14 hồ chứa TĐ, bao gồm: Bộ Công thương phê duyệt 12 hồ chứa A Vương, Sông Kôn 2, Sông Bung 2, Sông Bung 4, 5, 6, Sông Tranh 2, 3, Za Hưng, Đắk Mi 4 A-B-C. UBND tỉnh phê duyệt 4 hồ chứa An Điềm, An Điềm 2, Tà Vi, Trà Linh.  Có 3 nhà máy TĐ A Vương, Đắc Mi 2, Sông Tranh 2 thực hiện vận hành theo Quy trình liên hồ chứa các hồ trong mùa mưa lũ hằng năm theo Quyết định  1880/QĐ-TTg ngày 13-10-2010 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đánh giá, việc quản lý, vận hành các công trình hồ chứa đảm bảo thực hiện đúng quy trình vận hành trong mùa mưa lũ.

Tuy nhiên, trên thực tế, trong mùa mưa lũ, nhất là khi cơn bão số 10, số 11 năm 2013 xảy ra, các TĐ ở  thượng nguồn liên tục xả lũ, khiến nhiều địa phương ở phía hạ du, điển hình như H. Đại Lộc (Quảng Nam) bị nước ngập, chia cắt, cô lập hoàn toàn về giao thông, nhiều nhà dân, nhiều diện tích đồng ruộng, hoa màu, hồ chăn nuôi thủy sản bị thiệt hại nặng nề. Cũng vì “lũ thủy điện”, đô thị cổ Hội An nhiều lần phải báo động gấp để người dân, du khách sơ tán ngay trong đêm để tránh lũ.

UBND tỉnh Quảng Nam cũng liên tục phải điều hành, chỉ đạo, thậm chí “ra lệnh”  các nhà máy TĐ phải xả lũ trước khi có bão, hoặc ngừng xả lũ khi hoàn lưu của bão đang phức tạp, cho thấy vấn đề quản lý, vận hành các hồ chứa thủy điện trong mùa mưa lũ vẫn còn bất cập, lúng túng, chưa sát với thực tế.  Chúng tôi được biết, ngày  8-8-2011 Bộ Công thương đã ban hành Công văn số 7277/BCT-ATMT về việc xây dựng Phương án Phòng chống lũ lụt vùng hạ du đập TĐ. Tuy nhiên cho đến hiện nay đã là tháng 11-2013,  trên địa bàn tỉnh Quảng Nam vẫn chưa có chủ đập TĐ nào thực hiện theo hướng dẫn của nội dung công văn nêu trên. Vấn đề này ảnh hưởng đến công tác tham mưu, thẩm định phương án phòng chống lũ lụt vùng hạ du đập TĐ trên toàn tỉnh.

(còn nữa)
Phóng sự điều tra: Hồng Thanh- Lê Hùng