Thuyền trưởng giỏi sẽ không còn đi làm thuê?

Thứ bảy, 20/09/2014 13:21

(Cadn.com.vn) - Nhằm tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh giải ngân gói tín dụng theo Nghị định 67, vừa qua các ngân hàng Nhà nước và ngân hàng thương mại tại tỉnh Quảng Ngãi đã thống nhất nhiều nội dung, đặc biệt là tháo gỡ những bất cập còn gây khó khăn khi ngư dân tiếp cận gói tín dụng này.

Các đại biểu tại Hội nghị. 

PHƯƠNG CHÂM “HIỆU QUẢ”

Tại Hội nghị triển khai thực hiện Nghị định 67 vừa được tổ chức tại Quảng Ngãi, những ý kiến từ các ngân hàng sẽ được Sở NN & PTNT báo cáo UBND tỉnh Quảng Ngãi ra văn bản thống nhất chung về việc triển khai thực hiện.

Ông Trần Luyện, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Quảng Ngãi nêu ý kiến khẳng định: “Cho vay ưu đãi, nhưng không cho ngư dân vay tràn lan sau này khó thu hồi, mà cần phải xem xét kỹ năng lực của ngư dân được cho vay để sau này có điều kiện thu hồi vốn, không để thất thoát”. Ý kiến này cũng phù hợp với lộ trình của tỉnh Quảng Ngãi, triển khai đóng 20 tàu trong năm 2014.

Ông Luyện cũng đề cập về việc hồ sơ vay vốn phải có phương án kinh doanh, nếu ai đề nghị bỏ phương án kinh doanh là vi phạm pháp luật. Phương án kinh doanh có sự tham gia của chính quyền địa phương, nếu ngư dân vi phạm thì địa phương phát hiện và ngăn chặn.

Thực hiện Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản, từ nay đến năm 2016, tỉnh Quảng Ngãi sẽ đóng mới 189 tàu khai thác và tàu dịch vụ hậu cần nghề cá, với tổng nguồn vốn đầu tư trên 1.600 tỷ đồng. Số vốn này dự tính sẽ đóng mới 72 tàu vỏ gỗ và 117 tàu vỏ thép (bao gồm cả tàu khai thác và tàu dịch vụ hậu cần nghề cá). Riêng trong năm nay, tỉnh Quảng Ngãi phấn đấu hoàn thành đóng mới 20 tàu.

Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện Nghị định 67 thì cần phải tháo gỡ nhiều vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện. Tuy nhiên hiện nay các cơ quan liên quan vẫn còn những quy định không phù hợp như: Bảo hiểm quy định mua bảo hiểm tai nạn thì phải có thẻ thuyền viên, trong khi Nhà nước đã cải cách thủ tục hành chính và bãi bỏ thẻ thuyền viên mấy năm nay. Các ngân hàng chưa có sự thống nhất trong việc thực hiện, mỗi ngân hàng còn quy định một cách khác nhau. Có ngân hàng cho vay vốn, đóng mới, nâng cấp nhưng không cho cải hoán… Như vậy là làm khó cho ngư dân.

Ngân hàng sẽ cho ngư dân Quảng Ngãi vay tiền ưu đãi để đóng 117 tàu vỏ thép, 72 tàu vỏ gỗ.

LÀM THUÊ TRỞ THÀNH ÔNG CHỦ

Các đại biểu dự Hội nghị cũng đề cập việc phê duyệt hồ sơ xét duyệt vay vốn sai thẩm quyền. “UBND cấp xã, huyện, tỉnh chỉ nghiên cứu hồ sơ và phê duyệt đối tượng, tại sao lại đi phê duyệt phương án sản xuất kinh doanh? Nếu như thế là chúng ta vi phạm pháp luật”, một đại biểu nêu chính kiến.

Nói về việc cho ngư dân Quảng Ngãi vay vốn để đóng 189 tàu cá bằng nguồn vốn ưu đãi, đại diện Ngân hàng Agribank Chi nhánh Quảng Ngãi đề nghị: “Hiện nay có 4 ngân hàng được chỉ định cho vay theo nghị định 67, vậy 4 ngân hàng không thể đi giành khách hàng. Sở NN & PTNT phải báo cáo UBND tỉnh để thông qua Ngân hàng Nhà nước phân bổ nguồn vốn, số lượng tàu. Bởi ngân hàng làm theo Luật Tổ chức tín dụng”. Vị đại diện Agribank Chi nhánh Quảng Ngãi cũng kiến nghị việc quan tâm các thuyền trưởng giỏi có đủ năng lực đánh bắt và ưu tiên cho họ vay vốn để không còn cảnh đi làm thuê cho chủ tàu, giúp người làm thuê trở thành ông chủ.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến lo ngại về việc thuyền trưởng đánh bắt giỏi trên biển, nhưng khi vào bờ thì không có phương án tiêu thụ sản phẩm. Ý kiến này chưa sát với thực tiễn. Bởi hiện nay, khi tàu hành trình vào đất liền, thuyền trưởng thường điện thoại cho nhiều chủ nậu để so sánh giá. Nếu nơi nào giá cao thì tàu chạy về cửa biển đó bán cá, thậm chí là địa bàn ngoài tỉnh.

Các đại biểu cũng chung quan điểm về việc nếu danh sách ngư dân đã được địa phương xã, huyện, tỉnh phê duyệt, nhưng ngân hàng là cửa cuối cùng thẩm định, nếu xét thấy không đủ điều kiện thì ngân hàng vẫn bác hồ sơ không cho vay.

Có đại biểu đã nêu ra trường hợp thuyền trưởng Nguyễn Bé ở Sa Huỳnh (Đức Phổ) nợ ngân hàng 300 triệu đồng không trả nổi, nhưng sau đó lại tiếp tục làm hồ sơ để vay tiền đóng 2 chiếc tàu 20 tỷ đồng thì ngân hàng không thể xét cho vay. Đây là một thực tế  cần thảo luận kỹ bởi dự báo đây không phải là trường hợp duy nhất khi triển khai gói tín dụng theo Nghị định 67.

Chương Lê