Tiếng vọng rừng xanh
(Cadn.com.vn) - Bức xúc trước việc một đơn vị mượn cớ khai thác rừng trồng để triệt hạ rừng, nhiều người dân địa phương tại xã Hòa Bắc, H. Hòa Vang (TP Đà Nẵng) viết đơn kêu cứu. Tòa soạn đã cử phóng viên tìm hiểu sự việc.
Bức xúc có thật
Trong đơn "kêu cứu", người dân Hòa Bắc, mà cụ thể là các hộ đồng bào Cơ Tu 2 thôn Giàn Bí, Tà Lang trình bày: lợi dụng việc sửa chữa đường, nhiều phương tiện cơ giới và xe cộ khai thác keo của Cty Cổ phần Vinafor (thành viên của Tổng Cty Lâm nghiệp Việt Nam) đã tàn phá rừng già giáp với khu vực Nam Đông (TT- Huế) một cách trắng trợn. Lần theo địa chỉ mà người dân phản ánh, chúng tôi đến khu vực Vườn Mít sát chân đèo Mũi Trâu. Một quang cảnh tan hoang, đường đi đến đâu rừng già biến mất đến đó, trơ trọi dây leo và những đám thực bì không chịu cháy. Từ đường chính, muôn vàn đường phụ được mở cheo leo trên các sườn núi.
Xoan đào chờ cơ hội vượt sông Cu Đê. |
Tiếp tục vào Bãi Tranh, khu vực có rừng keo, chúng tôi phát hiện nhiều tốp người chen chúc trong các lán trại dựng cạnh những con suối. Đấy là những nhóm khai thác keo. Theo Trưởng CAX Hòa Bắc Hồ Tăng Khoa, thời cao điểm có lúc lên đến 120 người, song do thời điểm này có mưa nên chỉ còn chừng 40 người. Trà trộn và các nhóm khai thác keo là các nhóm khai thác gỗ. Tại Bãi Tranh, những súc kiền kiền đường kính tựa cái xô đựng nước được ngụy trang một cách sơ sài, chờ cơ hội vận chuyển. "Gọi là rừng già nhưng thực chất chỉ còn các loại gỗ không mấy giá trị, gỗ nhóm I, II đã bị đẵn sạch, chỉ còn dây leo và bìm bìm", thanh niên dẫn đường người bản địa giải thích. Vào sâu, những cây xoan đào được rã thành phách hay nằm ven đường, tiếng cưa máy nổ dồn.
Ghé vào một lán khai thác keo, một phu keo người Quảng Nam bảo: "Lâm tặc ư? Người từ nơi khác đến, dân bản địa ở đây không có gan đâu. Còn chúng tôi, dân làm thuê cho chủ rừng, cưa keo đã mệt lắm rồi, hơi đâu phá rừng nữa. Không tin thì anh có thể kiểm tra, bọn chúng hoạt động có tổ chức, người ở dưới kia thuê đội ngũ "lâm tặc" vào rừng, đến chúng tôi còn sợ họ". Thăm dò tài xế chiếc xe ben hai cầu mang biển số 92 (Quảng Nam) đang bò vào rừng, anh này than vãn: "Chúng nó (giới khai thác gỗ trái phép- P.V) ghê gớm lắm, thường xuyên gửi gỗ về xuôi theo xe keo, mỗi lần vài súc. Kiểm lâm mà lần ra được thì chắc chắn mình mang họa, làm ơn mắc oán là vậy. Không cho chúng gửi thì không được, hết đường làm ăn luôn".
Lá đơn kêu cứu của người dân Hòa Bắc yêu cầu vạch mặt những kẻ phá rừng. |
Khóc dưới tán rừng
Sau vài đêm "phục", cuối cùng gỗ rừng cũng xuất hiện trước mắt chúng tôi, theo lối vận chuyển đường sông. Có 3 bè, cỡ chừng 60 phách xoan đào. Anh thanh niên Cơ Tu bảo, dân Giàn Bí và Tà Lang bao đời gắn bó nghĩa tình với thiên nhiên. Cũng chính vì vậy, thấy rừng bị phá xót lắm. Buồn nhất là mang tiếng oan là "lâm tặc". Ông Trần Văn Biên (59 tuổi) thôn Giàn Bí đang chuẩn bị làm nhà cho con gái mới gả chồng, giải thích: "Ở rừng mà không dám vào rừng đốn gỗ, mà phải tận dụng gỗ vườn như mít, xoan vườn để làm. Một số khác tôi phải đi từng nhà để mua".
Đoạn ông chỉ về phía Bãi Tranh, nói: "Trong đó bị lâm tặc từ nơi khác đến phá cho tan hoang. Người dân mình hay kiếm sống trong rừng, vô tình lại mang tội rồi. Chuyện này phải làm rõ thực hư chứ ai đời người dân mình lại xách cưa đục tàn sát rừng xanh". Hỏi chuyện già làng Tà Lang Trường Văn Nhơi (80 tuổi), già bảo: "Người Cơ Tu nghèo khổ thật nhưng không đi làm cái việc có lỗi với mẹ thiên nhiên như vậy. Ngày trước khi chưa ra đây, dân làng mình sống ở khu vực Vườn Mít, không những bảo vệ rừng mà còn trồng thêm hàng hoạt cây gỗ nữa. Nhưng đợt vừa rồi già vào đó, nó đốn sạch phá sạch, ngay những cây mít mà già trồng chúng cũng đốn nhẵn".
Những lán trại nửa phu keo nửa "lâm tặc" giữa rừng. |
Trong lá đơn kêu cứu của mình, những người dân quanh năm gắn bó với rừng ở Hòa Bắc viết rằng: "Chúng tôi là những người dân địa phương xã Hòa Bắc kiến nghị cơ quan chức năng cần điều tra làm rõ hành vi phá rừng, vận chuyển gỗ trên địa bàn. Xử lý nghiêm minh với những hành vi phá rừng, vận chuyển gỗ lậu, tịch thu xe đã vận chuyển gỗ lậu để răn đe những trường hợp xảy ra tiếp theo, làm gương cho những kẻ coi thường sự nghiêm minh của pháp luật, tàn phá rừng một cách không thương tiếc".
Mang "nỗi oan" của người dân xã Tà Lang, Giàn Bí gặp Chủ tịch UBND xã Hòa Bắc Hồ Tăng Phúc, ông xác nhận, việc lợi dụng khai thác keo trồng để tàn phá rừng già là có nhưng hoạt động nhỏ lẻ, rất khó quản lý. Chính quyền thường xuyên tổ chức những đợt tuần tra kết hợp với Kiểm lâm cơ sở, đã xử lý một số vụ vụn vặt, nhỏ lẻ. Ông Phúc cũng thanh minh rằng, khu vực rừng già quá sâu nên việc kiểm tra gặp rất nhiều khó khăn, trong khi đó lực lượng tuần tra truy quét không thể ăn dầm ở dề trong rừng được.
Một súc kiền kiền được lăn ra sát đường, ngụy trang một cách sơ sài. |
Lời kết
Trong lúc chính quyền địa phương và cơ quan chức năng than khó, từng mảng rừng cứ ngày càng bị xà xẻo, lở lói và người dân phải viết đơn để cứu rừng và tự giải nỗi oan của mình...
Bùi Đức Tú