Tìm lời giải cho công nghiệp Đà Nẵng (Bài cuối: Cần chìa khóa mới)

Thứ sáu, 26/10/2018 10:18

Không thể theo kịp về qui mô và tăng trưởng như các tỉnh lân cận, cũng không thể để công nghiệp tụt hậu, vậy chìa khóa nào để công nghiệp Đà Nẵng (CNĐN) phát triển trong bối cảnh hiện nay?

Sản xuất trên nền tảng CNC là lĩnh vực Đà Nẵng khuyến khích thu hút.

Cơ hội từ CNTT

Tất nhiên, với điều kiện nguồn lực đất đai, môi trường, không để đòi hỏi Đà Nẵng phải thu hút đầu tư công nghiệp bằng mọi giá, ưu đãi đến kiệt quệ. Ông Huỳnh Đức Thơ nói, những năm qua ngành dịch vụ của TP tăng trưởng nhanh nhưng cũng chỉ chiếm 24% tổng sản phẩm xã hội (GRDP), không thể kéo kinh tế Đà Nẵng lên được. Trong kịch bản phát triển TP giai đoạn tới tăng trưởng phải hơn 11%, không thể dựa vào “1 chân” là dịch vụ được. Trong ngành dịch vụ, thực ra chỉ có du lịch nổi bật, song cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức, còn các dịch vụ khác từ y tế, đào tạo, tài chính… cũng không nhiều kỳ vọng, dù đã được đầu tư lớn. Để đạt mức tăng trưởng cao, Đà Nẵng phải đi bằng “2 chân” và công nghiệp rất quan trọng. Theo ông Thơ, Đà Nẵng chỉ cần có các nhà đầu tư lớn sẽ tạo % rất đáng kể cho GRDP. Đơn cử mỗi nhà máy bia thì hàng năm đã đóng góp ngân sách TP 3 ngàn tỷ đồng, hơn 10% tổng thu ngân sách. Hoặc như công nghiệp Quảng Nam, riêng Trường Hải đã đóng góp ngân sách cho tỉnh này gần bằng ngân sách Đà Nẵng. Đà Nẵng phải phát triển công nghiệp, nhưng không phải theo cách của 10 năm trước, mà phải nhắm vào lợi thế có thể bứt phá, đó là CNTT, công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ.

Đà Nẵng có rất nhiều lợi thế so với các địa phương trong khu vực để phát triển công nghiệp CNTT. Trong thực tế, tốc độ phát triển và giá trị của ngành công nghiệp này mang lại cho TP thời gian gần đây rất lớn. Với khoảng 700 DN đang hoạt động trong lĩnh vực CNTT, thu hút hơn 25 ngàn lao động, thì tổng doanh thu ngành CNTT và truyền thông của TP 9 tháng qua đạt trên 20 ngàn tỷ đồng, trong đó xuất khẩu phần mềm tăng 25%. Giám đốc Sở TT&TT Nguyễn Quang Thanh cho biết, trong ngành CNTT thì lĩnh vực phần mềm và nội dung số có giá trị gia tăng và hàm lượng tri thức cao, thu hút khoảng 8 ngàn lao động, năng suất bình quân 14 ngàn USD/người/năm. Công viên phần mềm Đà Nẵng diện tích hơn 23 ngàn m2, thu hút 75 DN, 2 ngàn lao động, trong năm 2017 doanh thu đạt 1,1 ngàn tỷ đồng. Nếu tính về hiệu quả sử dụng đất thì 1 ha tạo giá trị 450 tỷ đồng/năm. Tương tự, khu CVPM FPT Đà Nẵng diện tích 33 ha thuộc Khu đô thị công nghệ FPT thu hút khoảng 2,5 ngàn kỹ sư, chuyên gia, doanh thu năm 2017 đạt 880 tỷ đồng, tính ra đạt 27 tỷ đồng/ha. Rõ ràng, công nghiệp CNTT đang là xu hướng phát triển của thế giới, giá trị gia tăng cao, không ô nhiễm môi trường lại có hiệu quả sử dụng đất rất cao, trong bối cảnh quỹ đất TP hạn hẹp thì đây chính là “chìa khóa” mở ra sự phát triển công nghiệp của TP. Với đặc thù của ngành CNTT dựa vào nguồn nhân lực chất lượng cao là chính, mà điều này Đà Nẵng đang có lợi thế hơn so với các tỉnh trong khu vực miền Trung. TP hiện có mạng lưới cơ sở đào tạo CNTT rộng khắp (38 cơ sở) mỗi năm cung cấp 2 ngàn nhân lực. Ngoài ra với môi trường sống tốt, địa thế thuận lợi, hằng năm Đà Nẵng cũng thu hút một lượng lớn lao động CNTT trẻ từ các tỉnh thành đổ về.

Với kỳ vọng lớn vào ngành công nghiệp CNTT, TP cũng đang đầu tư rất lớn để phát triển hạ tầng, không gian công nghệ để phục vụ nhà đầu tư. Trong đó, khu CVPM số 2 rộng 5,3 ha tại P.Thanh Bình, Q.Hải Châu đang tổ chức đấu giá đất, lựa chọn nhà đầu tư mà nhiều khả năng “ông lớn” về CNTT của Singapore là tập đoàn Sempcop sẽ rót vốn đầu tư. Ngoài ra, dự án mở rộng CVPM số 1 diện tích sàn xây dựng hơn 1,5 ngàn m2, qui mô 8 tầng, tổng vốn hơn 18 tỷ đồng dự kiến triển khai trong năm 2019; Khu CVPM số 3 dự kiến xây tại Hòa Xuân (Q.Cẩm Lệ) đang qui hoạch để kêu gọi đầu tư; khu CNTT tập trung tại xã Hòa Liên (H.Hòa Vang), giai đoạn 1 rộng 131 ha hiện TP đang đẩy nhanh tiến độ để đầu năm 2019 đưa vào khai thác. Bên cạnh TP, nhiều nhà đầu tư tư nhân cũng nắm bắt cơ hội phát triển CNTT của TP nên chủ động đầu tư, phát triển hạ tầng không gian CNTT. Đơn cử như Trung Nam đã cất nóc tòa nhà CNTT 18 tầng, tổng vốn đầu tư 250 tỷ đồng tại Liên Chiểu để phục vụ nhu cầu thuê mặt bằng của các DN CNTT.

Từ trái tim khu CNC

Đà Nẵng có một lợi thế hơn các tỉnh miền Trung trong phát triển công nghiệp là có khu CNC. Là 1 trong 3 khu CNC quốc gia, song riêng khu CNC Đà Nẵng lại có được những ưu đãi vượt trội. Hiện tại đã có 15 dự án đầu tư vào khu CNC với tổng vốn 390 triệu USD, tại đây cũng có sẵn khoảng 500 ha đất sạch để phục vụ nhà đầu tư. Nhưng, CNĐN trong tương lai sẽ phải trông chờ từ khu CNC không chỉ là các dự án có hàm lượng CNC đầu tư vào đây, mà chính từ trái tim của khu, nơi khơi nguồn, ươm mầm, phát triển những ý tưởng sáng tạo phục vụ sản xuất. Thủ tướng cũng đồng ý cho triển khai thí điểm tại khu CNC Đà Nẵng là nơi sáng tạo khởi nghiệp, từ đó lan tỏa ra cả nước. Nói như Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, khu CNC khác KCN là mục tiêu của nó không phải thu hút cho được nhiều dự án lớn, vốn đầu tư nhiều mà phải là nơi tạo ra giá trị, tạo ra công nghệ. Từ đó, lan tỏa giá trị, lan tỏa công nghệ làm động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Khu CNC Đà Nẵng đã được đầu tư hạ tầng bài bản, cơ chế đặc thù, được chọn là nơi khởi nguồn đổi mới sáng tạo, như vậy tương lai sẽ đóng vai trò cốt lõi tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng công nghiệp TP.

Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ cho biết, ngoài khu CNC, khu CNTT đang đẩy nhanh tiến độ hay thực hiện cơ cấu lại DN trong các KCN thì TP cũng quyết liệt tiến độ xây các KCN mới như Hòa Ninh, Hòa Nhơn. Ông Thơ nói, một số nhà đầu tư của Czech đang quan tâm muốn đầu tư sản xuất ô-tô tại Đà Nẵng. Cty Long Hậu đang đầu tư trong khu CNC cũng có mong muốn đầu tư sản xuất ô-tô. Đặc biệt, các DN đầu tư sản xuất máy móc phục vụ nông nghiệp đang muốn đầu tư tại Hòa Vang, vì thế TP sẽ xúc tiến đẩy nhanh tiến độ xây dựng các KCN mới đã quy hoạch. Với công nghiệp ô-tô, máy móc chuyên sâu, khi được đầu tư vào Đà Nẵng, hy vọng công nghiệp của TP sẽ mang dáng dấp mới, khởi sắc hơn.

Bên cạnh các dự án, chuẩn bị hạ tầng, TP cũng đưa ra nhiều chính sách hấp dẫn để thu hút đầu tư vào công nghiệp, Hỗ trợ các DN đầu tư cho hoạt động nghiên cứu, phát triển khoa học, công nghệ. Đặc biệt, trong bối cảnh mới, xác định đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp là động lực căn bản phát triển công nghiệp, vì thế TP rất chú trọng đầu tư cho lĩnh vực này. Cụ thể như  đề án thành lập Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo; đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng cho hoạt động khởi nghiệp như: thực hiện các thủ tục giao quyền sử dụng đất và xây dựng Dự án Trung tâm đào tạo và huấn luyện khởi nghiệp Đà Nẵng, Xây dựng khu không gian làm việc thứ 2 (Viet Cowork), triển khai Dự án Khu làm việc và Đào tạo khởi nghiệp Đà Nẵng…

Với nhiều giải pháp cả trước mắt và lâu dài, Đà Nẵng đang nỗ lực vực dậy ngành công nghiệp, đặt kỳ vọng sẽ là cực tăng trưởng quan trọng của TP trong thời gian tới.

HẢI QUỲNH