Tổ quốc trên những thân tàu (4)
* Bài 4: Cột mốc sống trên biển
(Cadn.com.vn) - Hình ảnh những con tàu gắn cờ Tổ quốc giữa biển khơi mênh mông được ví như những cột mốc chủ quyền. Dù sóng gió, rủi ro song những ngư dân vẫn can trường bám biển, đưa tàu vươn khơi, bởi lẽ đó là vùng biển của Tổ quốc chẳng có gì phải chùn chân, bởi lẽ sau lưng ngư dân còn điểm tựa vững chắc từ đất liền.
Những chiếc tàu của ngư dân hằng ngày vẫn rẽ sóng ra khơi, đánh bắt và bảo vệ chủ quyền biển đảo Hoàng Sa – Trường Sa. Ảnh: H.A |
Ngư trường là quê hương
Nhiều năm gắn bó với ngành thủy sản nhưng chưa bao giờ ông Trần Văn Lĩnh- Chủ tịch Hội nghề cá Đà Nẵng chứng kiến cảnh ngư dân ra biển nhiều rủi ro như bây giờ. Theo ông Lĩnh, mỗi năm Trung Quốc xua 13 ngàn tàu thuyền xuống biển Đông, họ dùng lưới mắt cá cực nhỏ, dùng những luồng ánh sáng cực mạnh, khai thác kiệt quệ, khiến ngư dân Việt Nam ra khơi đánh bắt không đủ chi phí phải bỏ ngư trường. Chưa dừng ở đó, hàng năm họ tăng cường cấm biển, đưa các lực lượng xua đuổi, bắt bớ, cướp, đâm chìm tàu cá của ngư dân Việt Nam mục đích cũng để triệt tiêu động lực ra khơi của ngư dân. Nhưng ngư dân vẫn kiên cường, vẫn quyết tâm bám biển, vươn khơi, dẫu biết rằng sẽ phải đối mặt với sóng gió, thậm chí phải hy sinh tài sản, tính mạng. Sự xuất hiện của ngư dân, trên những con tàu cá cắm cờ Tổ quốc tung bay trên biển chẳng khác gì những cột mốc chủ quyền. Vai trò của ngư dân rất quan trọng, nhưng rủi ro bây giờ cũng rất lớn, vì thế theo ông Lĩnh, để ngư dân yên tâm bám biển, giữ ngư trường, bảo vệ chủ quyền, Nhà nước phải có nhiều chính sách hỗ trợ thiết thực hơn. Chẳng hạn phải có cơ quan, tổ chức hướng dẫn ngư dân biết dùng công nghệ gì để đánh cá, vùng nào có nhiều thủy sản để khai thác, một việc thiết thực nhưng đến giờ vẫn chưa làm được.
Riêng chuyện tàu cá của ngư dân bị đâm chìm, bỏ mặc ngoài khơi, vị Chủ tịch Hội nghề cá Đà Nẵng nói đó là hành động dã man, vô nhân đạo. Bởi lẽ với ngư dân, con tàu là cả cơ nghiệp, mỗi chuyến đi biển “đánh bạc” với sóng gió, hàng chục gia đình thuyền viên trông ngóng, hy vọng. Vậy mà con tàu đó bị đâm chìm, ngư dân may mắn lắm mới sống sót trở về. Từ thực tế đó, ngoài việc động viên tinh thần, hỗ trợ vật chất cho ngư dân, ông Lĩnh cho rằng phải điều tra làm rõ hành vi của những kẻ nhẫn tâm, phải đấu tranh pháp lý, lên án mạnh mẽ, quyết không để tình cảnh tương tự lặp lại. Có như vậy, ngư dân mới thực sự yên tâm ra khơi.
Đại tá Nguyễn Hải- Phó Chính ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng TP Đà Nẵng cho biết, sau mỗi vụ tai nạn trên biển của ngư dân, lực lượng Biên phòng đều tiến hành lấy lời khai, xác minh tìm nguyên nhân, thiệt hại, làm rõ vụ việc. Nếu tai nạn do các tàu cá của ngư dân mình gây ra sẽ làm rõ lỗi của từng bên, có hình thức xử lý phù hợp. Liên quan tới các tàu nước ngoài, sẽ gửi kết quả xác minh lên cấp có thẩm quyền cao hơn giải quyết. Đại tá Hải cũng nói, mỗi vụ tai nạn trên biển xảy ra, việc đầu tiên phải tiến hành cứu ngư dân. BĐBP sẽ trực tiếp điều động phương tiện cứu nạn hoặc điều các tàu của ngư dân ở gần khu vực gặp nạn đến ứng cứu. Ngoài ra, BĐBP còn cung cấp thông tin kịp thời để Trung tâm tìm kiếm cứu nạn khu vực II điều tàu ra cứu nạn, lai dắt tàu bị nạn vào bờ. Mặt khác, để ngư dân yên tâm khai thác thủy sản ngoài khơi xa, BĐBP còn thường xuyên tổ chức tàu làm nhiệm vụ trinh sát, tuần tra bảo vệ chủ quyền vùng biển kết hợp với tìm kiếm cứu nạn. Theo đó, có bất cứ sự cố, tai nạn nào sẽ kịp thời ứng cứu. Xác định mỗi tàu cá như một cột mốc chủ quyền trên biển, mỗi ngư dân như người lính gác cột mốc, bởi vậy BĐBP luôn hỗ trợ, tạo điều kiện tốt nhất để ngư dân yên tâm bám biển. Ngoài thăm hỏi, động viên tinh thần ngư dân khi gặp nạn, BĐBP còn hỗ trợ kinh phí, thường xuyên nắm thông tin liên lạc, hỗ trợ ngư dân tập huấn pháp luật, cứu nạn…
|
Hai tàu kiểm ngư Việt Nam phối hợp tuần tra, bảo vệ chủ quyền biển đảo và giúp đỡ ngư dân đánh bắt hải sản trên vùng biển Hoàng Sa. Ảnh. C.K |
Điểm tựa cho ngư dân
“Ruộng không sản xuất sẽ thành ruộng hoang, trên biển không có tàu cá, ngư dân, không có cờ đỏ sao vàng thì không khẳng định được chủ quyền. Cho nên, ngư dân được ví như cột mốc sống về chủ quyền trên biển... Xác định điều đó, nên không chỉ Đà Nẵng mà cả nước đã dành sự quan tâm đặc biệt cho ngư dân”-ông Nguyễn Đỗ Tám, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Đà Nẵng, chia sẻ. Ông Tám kể, 10 năm trước, khi xảy ra thảm nạn bão Chanchu, Đà Nẵng đã nghĩ đến chuyện đưa tất cả các tàu bè hoạt động theo tổ đội, vì đã đến lúc ngư dân phải dựa vào nhau mới sống được. Từ ý tưởng đó, Đà Nẵng đã ra quyết định thành lập tổ đội khai thác trên biển, để hỗ trợ nhau trong sản xuất, tìm kiếm cứu nạn và thực tế đã minh chứng các tổ này hoạt động rất hiệu quả. Cũng thời điểm đó, thông tin giữa tàu và bờ rất khó khăn nên Đà Nẵng đã hỗ trợ ngư dân 100 ICOM (3 tỷ đồng) để kết nối thông tin 2 chiều, giúp ngư dân trên biển đỡ lo, nhất là bão tố, sự cố. Ngoài ra Đà Nẵng còn cấp kinh phí mua phao, đèn tín hiệu, bình chữa cháy kể cả cấp kinh phí cho ngư dân họp để thành lập tổ đội. Những năm gần đây, để hỗ trợ ngư dân đóng tàu công suất lớn vươn khơi xa, Đà Nẵng đã dùng ngân sách hỗ trợ 500 triệu đồng/tàu có công suất 400-600CV, 600 triệu đồng/tàu có công suất 600-800 CV, 800 triệu đồng/tàu có công suất trên 800 CV.
Không chỉ ở địa phương mà Chính phủ cũng có nhiều chính sách hỗ trợ ngư dân. Cụ thể như hỗ trợ vốn đóng tàu mới, vốn vay cho từng chuyến đi biển, phương tiện thông tin tiên lạc. “Trước Xuân Quỳnh nói chỉ có biển mới biết thuyền đi đâu về đâu, giờ thì từng tàu cá khai thác ở vị trí nào trên biển thì các trạm bờ của Chi cục Thủy sản địa phương đều nắm rõ hết”- ông Tám nói. Hoặc trước thực trạng ngư dân khó khăn về nguồn vốn cho mỗi chuyến đi biển, phải vay nợ của các tư thương, khi thủy sản khai thác về bị tư thương ép giá, thì nay Chính phủ “gỡ” cho ngư dân bằng cách cho vay mỗi chuyến đi biển 100 triệu đồng, nếu tàu hơn 700 CV vay tối đa 400 triệu đồng/chuyến đi biển với lãi suất ưu đãi. “Nói như vậy để thấy rằng ngư dân rất được quan tâm, vai trò của ngư dân rất quan trọng. Ở Q. Sơn Trà mỗi năm hỗ trợ toàn bộ người nghèo khoảng 1,2 tỷ đồng, nhưng chỉ riêng hỗ trợ ngư dân đóng tàu theo chính sách riêng của thành phố đã lên gần 50 tỷ đồng. Rõ ràng, ngư dân rất được ưu ái, họ không lẻ loi trên biển”- ông Tám chia sẻ thêm.
Luôn xác định hoạt động của ngư dân trên biển, ngoài sản xuất còn góp phần khẳng định chủ quyền, vì thế Nhà nước đã có nhiều chính sách ưu đãi để hỗ trợ ngư dân.
Hải Hậu - Hoàng Anh
(còn nữa)