Tôi làm người hát rong
(Cadn.com.vn) - Hẹn hò, thuyết phục và chờ đợi mãi, cuối cùng tôi cũng nhận được tin nhắn của Triều “Em xin được rồi, anh sắp xếp tối anh em ta ra Phú Yên hát anh nhé”. Tôi vỡ òa vì mộng làm “ca sĩ gốc phố” của tôi sắp được thực hiện.
Những người bạn hát rong
Triều, tên thật là Trần Văn Triều nhưng bạn bè thân quen thường gọi anh là “Triều nhạc vàng”. Triều quê ở Thanh Hóa, hiện là sinh viên ngành Kế toán của Trường ĐH Nha Trang. Trước khi bước vào giảng đường, Triều từng có 2 năm lăn lộn khắp vùng đất Đồng Nai - Bình Dương - TPHCM với nghề hát rong. Cách đây vài năm, Triều ra Nha Trang thăm bạn gái học tại ĐH Nha Trang. Với sự động viên của bạn gái, cuộc sống của Triều rẽ sang một trang khác khi anh quyết định thi và đậu vào ngành Kế toán hệ vừa học vừa làm ĐH Nha Trang. Cũng từ đó, Triều giã từ nghề hát rong bởi việc học của anh chủ yếu là buổi tối nên không còn thời gian đi hát nữa. Bỏ nghề hát, ban ngày Triều làm ở quán cà-phê và ban đêm theo việc học.
Biết Triều quen biết với một vài người cũng đang làm nghề hát rong ở Nha Trang, tôi có nhã ý muốn anh nói khéo với họ để tôi theo một đêm hát. Triều hứa sẽ sắp xếp, và rồi cuối cùng Triều cũng giữ lời hứa. Gặp tôi, Triều nháy mắt: “Em hỏi được cho anh rồi, nhưng đừng hát ở Nha Trang. Anh mà hát ở Nha Trang chắc chắn sẽ gặp bạn bè anh và ngày mai anh sẽ có biệt danh “Nha hát rong” hoặc “Nha kẹo kéo” cho mà xem”. Rồi Triều cho biết, đã sắp xếp để hai anh em ra Tuy Hòa, Phú Yên hát một đêm. “Ở ngoài đó em có đứa bạn cũng đi hát kẹo kéo. Nó đồng ý cho anh em mình mướn bộ loa tối nay rồi”.
Nghề hát rong... |
Đặt chân đến Tuy Hòa lúc 17 giờ, tôi và Triều đến thẳng khu phòng trọ của Thành, người cho chúng tôi mượn “dàn âm thanh”. Khu phòng trọ với vài phòng cũ kỹ nằm nép mình sau lưng một khách sạn cao tầng. Thành và vợ đã đi Quy Nhơn dự đám cưới bạn. Chúng tôi nhận chìa khóa phòng của Thành từ cô chủ nhà trọ, dường như không mấy bỡ ngỡ khi Triều bắt tay vào vặn vặn, lắp lắp và thử bộ âm thanh. “Tối nay chỉ 2 anh em mình đi thôi à. Mời khách mua kẹo có khó không em”? - Tôi hỏi Triều. Hiểu ý tôi, Triều gọi điện cho Thành cầu cứu. 20 phút sau, một cô gái xinh xắn xuất hiện. Người đồng hành với tôi và Triều tối nay là Uyên, sinh viên ở Tuy Hòa. Uyên là em họ của Thành và thỉnh thoảng cũng giúp Thành trong những đêm hát rong mỗi khi vợ Thành bận việc.
Trong nhiều bạn trẻ cầm “mic” hát rong không ít người đang cầm trong tay những tấm bằng cao đẳng, đại học. |
Một đêm làm ca sỹ đường phố
Uyên chỉ cho chúng tôi đi từng quán nhậu một. Dừng xe, Triều bắt đầu cất tiếng hát “đường phố muôn màu sao thiếu em, về đâu làn tóc xõa vai gầy...” nghe “ngọt lịm”. Giữa cái không gian ồn ào của quán nhậu nhưng giọng hát của Triều vẫn đủ để nhiều vị khách đang thao thao bất tuyệt với câu chuyện của họ phải lắng nghe. Sau bài mở đầu phục vụ miễn phí, bài thứ 2 cất lên là Triều vừa hát vừa đi từng bàn để mời khách mua kẹo kéo. Uyên cũng bắt đầu đi từng bàn với nắm kẹo kéo trên tay. 2.000 đồng/cây. Tôi đứng quan sát Uyên bán kẹo trước khi nhập cuộc. Có những “thượng đế” lắc đầu quầy quậy xua tay liên tục khi Uyên mời mua kẹo. Có những người lại vẫy tay đon đả mua khi Uyên chưa kịp mời. Cũng có vị bắt Uyên cúi xuống, thì thầm cái gì đó rồi mới rút tiền mua. Rồi tôi cũng bắt đầu nhập cuộc. Triều bấm bấm để chọn nhạc cho bài hát mà tôi đã thỏa thuận với Triều từ trước. Hơi run nên tôi đứng chết dí một chỗ và hát. Cứ như thế, chúng tôi đổi nhau vừa hát vừa đi mời kẹo kéo.
Trong thời gian di chuyển từ quán nhậu này sang quán nhậu khác, Uyên mách nước cho tôi: “Anh hát hay đó, nếu anh chỉ thuộc có một bài thì anh cứ hát đi hát lại bài đó cũng được. Khách của quán này khác khách của quán kia mà”. Được mách nước, tôi thấy tự tin hơn, mặc dù hát đi hát lại mỗi hai bài “tủ”. Thỉnh thoảng, một vài vị khách cao hứng xin được trình bày một bài, Triều lại loay hoay bấm nhạc cho khách.
Hơn 21 giờ, khi tôi vừa thể hiện ca khúc của mình vừa tiến đến một bàn nhậu với hơn chục khách cả nam lẫn nữ. Khi tôi vừa trình bày xong bài hát, rất bất ngờ cả bàn đứng dậy với một tràng pháo tay. Bất ngờ hơn khi một vị khách nam rút ngay 100 ngàn đồng thưởng cho tôi. Những vị khách của bàn này sau đó tiếp tục đưa cho chúng tôi thêm 250 ngàn đồng với lời đề nghị bấm nhạc để họ hát đến 22 giờ. Triều đồng ý, thế là tôi và Uyên được nghỉ, nhường mic cho những vị khách, trong khi “kỹ thuật viên” Triều loay hoay bấm chọn nhạc theo yêu cầu của các “thượng đế”.
10 giờ, các vị khách kết thúc cuộc nhậu thì chúng tôi cũng bắt đầu thu dọn loa máy và đẩy xe về lại khu phòng trọ cũ kỹ nép sau lưng khách sạn tráng lệ. Đôi chân tôi rã rời, mặt cũng bắt đầu phừng phừng bởi một vài ly bia, rượu mà các vị khách ở quán nhậu mời.
Đồ nghề của những người hát rong là bộ loa này với một ít kẹo kéo. |
Vinh nhục nghề hát rong
Nằm trong phòng trọ, tôi được Triều kể cho nghe nhiều câu chuyện về nghề hát rong. “Hôm nay chúng ta may mắn gặp được khách xộp chứ không phải đêm nào cũng thuận lợi như thế này anh ạ” - Triều bắt đầu câu chuyện. Cũng phải, trong gần 500 ngàn đồng mà 3 anh em chúng tôi thu được đêm nay có 100 ngàn đồng tiền thưởng của tôi cộng với 250 ngàn đồng tiền “cho thuê dàn máy”. Còn lại tiền bán kẹo cũng chẳng bao nhiêu. Chỉ một đêm làm nghề hát rong, tôi cũng phần nào mường tượng được cái sự vinh - nhục của cái nghề bán tiếng hát ngoài đường này. Riêng tôi, ngoài tràng pháo tay và 100 ngàn đồng tiền thưởng, cũng thấy chạnh lòng khi nhận những cái liếc xéo xua đuổi của một vài vị khách đã ngấm hơi men.
“Hai năm lăn lộn với cái nghề này em cũng “được” mấy lần ăn tát rồi anh ạ” - Triều “khoe” và cũng kể cho tôi nghe về những người bạn hát rong của anh hiện đang làm ở nhiều nơi khác nhau. Bình Dương có, TPHCM có, Quy Nhơn có. Đa số bạn của Triều đều xuất thân từ những gia đình khó khăn vào miền Nam lập nghiệp. Trong cái thế giới những người bạn cầm “mic” hát ngoài đường cũng có những người có bằng cấp hẳn hoi...
Đêm khuya, Tuy Hòa bất chợt đổ một trận mưa. Nằm nghe tiếng mưa rơi lộp bộp trên mái tole, tôi mường tượng đến một anh chàng Triều gọn gàng trong bộ vest công sở. Nhìn sang Triều, tôi thấy em vẫn đang suy nghĩ gì lung lắm...
Phóng sự: Xuân Nha