Tôn vinh bản sắc văn hóa dân gian Tây Nguyên
(Cadn.com.vn) - Từ ngày 18 đến 23-3, tại TP Kon Tum diễn ra Liên hoan nghệ thuật dân gian Tây Nguyên gắn với Tuần Văn hóa-Du lịch tỉnh Kon Tum lần thứ III năm 2016. Liên hoan được tổ chức long trọng gồm nhiều hoạt động nhằm tôn vinh các giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc 5 tỉnh Tây Nguyên.
Đoàn nghệ nhân Lâm Đồng trình diễn nghệ thuật chỉnh chiêng. |
Tây Nguyên - mảnh đất chứa đựng nét huyền bí của nhiều giá trị văn hóa lâu đời của nhiều dân tộc, nơi UNESCO công nhận không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên là "Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại". Đồng bào các dân tộc ở đây sở hữu một kho tàng văn hóa truyền thống phong phú, giàu bản sắc hợp thành một tổng thể văn hóa đặc trưng của vùng Tây Nguyên, góp phần đa dạng văn hóa Việt Nam. Với chủ đề "Các dân tộc Tây Nguyên- Đoàn kết - Giữ gìn - Phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, góp phần phát triển đất nước", Liên hoan nghệ thuật dân gian Tây Nguyên có sự tham gia của 600 nghệ nhân đến từ 5 tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đắc Lắc, Đắc Nông và Lâm Đồng. Đó là các chuỗi hoạt động gắn với bản sắc văn hóa của các dân tộc Tây Nguyên như: Liên hoan tạc tượng gỗ dân gian và chế tác nhạc cụ dân tộc; Liên hoan văn hóa ẩm thực Kon Tum; Trưng bày di sản văn hóa Tây Nguyên và sản phẩm của Kon Tum; Trình diễn nghệ thuật chỉnh chiêng, giao lưu trình diễn cồng chiêng, các trò chơi dân gian; Lễ hội đường phố. Bên cạnh đó là các hoạt động nhằm giới thiệu, quảng bá du lịch của tỉnh Kon Tum như: Kết nối tour du lịch "Măng Đen - Vẻ đẹp bất tận"; Hội thi, triển lãm ảnh nghệ thuật, hội thảo xúc tiến đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao, trò chơi dân gian, Đại lễ "Uống nước nhớ nguồn" tại H. Kon Plông; Khởi công xây dựng công trình kinh doanh thương mại và dịch vụ cửa khẩu quốc tế Bờ Y và gặp mặt doanh nghiệp tại H. Ngọc Hồi.
Biểu diễn đàn T’rưng trên đường phố Kon Tum. |
Ngay trong ngày đầu tiên (18-3) đã diễn ra nhiều hoạt động sôi nổi và đặc sắc. Từ sáng sớm, hàng trăm lượt du khách đổ về nhà rông Kon K'lor (P. Thắng Lợi, TP Kon Tum) để tham quan Liên hoan tạc tượng gỗ dân gian và chế tác nhạc cụ dân tộc. Đây là một trong những loại hình nghệ thuật điêu khắc đặc sắc của Việt Nam và Đông Nam Á, mang tính tự nhiên, thuần khiết và mộc mạc nhưng độc đáo riêng có của Tây Nguyên. Với sự tham gia của 36 nghệ nhân tạc tượng và 22 nghệ nhân chế tác nhạc cụ dân tộc. Điểm nhấn của liên hoan là từ những khúc gỗ, cây tre, nứa và các dụng cụ như dao rựa, đục... các nghệ nhân chế tác thủ công những nhạc cụ dân tộc như đàn T'rưng, đàn Goong và tượng gỗ dựa trên bản sắc văn hóa của mỗi dân tộc.
Tại Bảo tàng tỉnh Kon Tum trưng bày, triển lãm văn hóa Tây Nguyên và sản phẩm của Kon Tum với chủ đề "Không gian văn hóa Tây Nguyên" đã giới thiệu được tổng thể những nét sinh hoạt, văn hóa độc đáo của những dân tộc ở Tây Nguyên. Triển lãm gồm 120 tác phẩm nghệ thuật, 40 ảnh tư liệu và 342 hiện vật giới thiệu về Tây Nguyên từ quá khứ đến hiện tại. Trong khuôn khổ liên hoan, Bảo tàng tỉnh Kon Tum tái hiện không gian lễ hội của người Xơ Đăng với cổng làng độc đáo, hoa văn trang trí và không gian thờ cúng của người Xơ Đăng mỗi dịp lễ hội; tái hiện lại một số nét sinh hoạt cộng đồng: dệt thổ cẩm, đan lát, hát kể sử thi, nghề làm gốm.
Nghệ nhân thi tạc tượng tại nhà rông Kon K'lor. |
Điểm nhấn của đợt trưng bày không chỉ là bộ sưu tập cồng chiêng của các dân tộc thiểu số Tây Nguyên mà còn là biểu diễn kỹ năng "chỉnh chiêng" của các nghệ nhân đến từ 5 tỉnh Tây Nguyên. Nghệ nhân Y Vil Ê Nuôl (74 tuổi, người Ê Đê, đến từ Đắc Lắc) vừa gõ lên từng chiếc chiêng, vừa dùng từng chiếc dùi gỗ "nắn" lại từng phần lỗi, lõm bên trong lòng chiếc chiêng vừa lắng tai nghe. "Phải có đôi tai thính như con thú rừng, cái bụng không lo việc gì và học hỏi mới nghe được tiếng chiêng để chỉnh sửa. Nếu chiêng không đúng tiếng, đúng điệu thì cả giàn chiêng không đánh được", nghệ nhân Y Vil Ê Nuôl cho biết. Còn với những nghệ nhân người K'Ho đến từ tỉnh Lâm Đồng lại dùng đá, lá rừng để chỉnh từng chiếc chiêng. "Đá mình để gò lại chiêng, còn đây là lá NHă Đinh Dôl thay cho giấy nhám để mài, chuốt lại chiêng", nghệ nhân K'Brel nói.
Dịp này, 43 nghệ nhân tỉnh Kon Tum được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu "Nghệ nhân ưu tú" trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể. Ban tổ chức cũng trao giải cho các đoàn trong các phần thi: tạc tượng gỗ dân gian, chế tác nhạc cụ và trình diễn nghệ thuật dân gian.
Minh Tân
Nằm trong các chuỗi hoạt động của Liên hoan nghệ thuật dân gian Tây Nguyên gắn với Tuần Văn hóa - Du lịch tỉnh Kon Tum, chiều 19-3, 1.000 nghệ nhân đến từ 14 đoàn và các nghệ nhân trẻ đại diện cho các dân tộc 5 tỉnh Tây Nguyên tham gia trình lễ hội đường phố. Sự đa dạng về trang phục, nhạc cụ, các kỹ năng trình diễn đánh cồng chiêng, đi cà kheo, múa rối, múa roi của các nghệ nhân khiến quãng đường dài hơn 1km đông kín người dân và du khách. Với niềm tự hào dân tộc, mỗi đoàn nghệ nhân đều mang tới lễ hội những nét đặc sắc đại diện cho dân tộc mình. Cùng với các đoàn nghệ nhân lớn tuổi nhiều nghệ nhân trẻ cùng tham gia Lễ hội đường phố đã minh chứng sự kế thừa truyền thống văn hóa của các dân tộc Tây Nguyên. Cùng ngày, tại sảnh Pơ Lang, khách sạn Đông Dương (TP Kon Tum) diễn ra Liên hoan văn hóa ẩm thực nhằm giới thiệu đến du khách trong nước và quốc tế những món ăn mang đậm bản sắc núi rừng Tây Nguyên như: cơm lam, gà nướng, gỏi lá, tiêu rừng... Tại Liên hoan, nhiều món ăn, đặc sản được Tổ chức kỷ lục CHÂU Á, Tổ chức kỷ lục Việt Nam, Hội kỷ lục gia Việt Nam trao Bằng xác lập kỷ lục cho món ăn nổi tiếng Việt Nam như: rượu vang sim Măng Đen, thịt bò nướng kiến vàng, tiêu rừng Măng Đen, măng nứa khô Măng Đen, gà nướng Kon Plông, gỏi lá Kon Tum... Đặc biệt, món gỏi lá được xác lập Kỷ lục là một trong 10 món ăn Việt Nam đạt kỷ lục Châu Á.
|