Trăng quê, trăng phố

Thứ tư, 18/09/2013 09:00

(Cadn.com.vn) - Nhà có một khoảng sân thượng, nơi mà những hôm trời nóng nực, tôi hay lên đó hóng gió, nhất là những tối có trăng, lên ngắm trăng để suy nghĩ lan man về đủ thứ chuyện trên đời. Ánh trăng "của mình" là "trăng phố thị", do chỉ nhìn được trăng trong một khoảng trời nho nhỏ, do bị giới hạn giữa hai ngôi nhà cao tầng kẹp ở hai bên và cũng chỉ được ngắm trăng trong một khoảng thời gian nhất định. Nhìn ra bốn phía  là ánh sáng của đèn cao áp,  là lô nhô những ngôi nhà cao có, thấp có, dưới đường thấp thoáng xe cộ... Nếu có tâm hồn thơ thì trong cái bối cảnh đó, cũng khó "xuất khẩu" ra thơ  được vì cái tính thi vị của "trăng đô thị" khó mà sánh với ánh trăng nơi làng quê, núi rừng, sông biển được.

Bản thân trăng không có tội tình gì, vì ở đâu nó cũng đem ánh sáng đến cho đời, chiếu sáng cho trái đất bao la.  Ví von một chút thì trăng và người đã sống với nhau thân thiết, gần gũi bao đời nay. Vầng trăng không chỉ tri kỷ mà còn ân tình, thủy chung biết bao!

Trăng quê

Ánh trăng gần gũi với tôi từ thời thơ ấu và theo suốt cuộc đời đến bây giờ. Nhớ hồi nhỏ, những năm tháng còn chiến tranh, ở nơi sơ tán, tiếp xúc với thiên nhiên nhiều hơn. Khi ấy, vào những đêm trăng sáng vằng vặc, lũ trẻ con như tôi ít ai chịu ngồi trong nhà, mà ra sân, ra đường làng chạy nhảy chơi đùa. Trên cánh đồng lúa, hay lúc nhìn ra dòng sông, dưới những rặng tre, tán cau thấy ánh trăng sao mà thanh khiết, nên thơ. Về khuya, ngồi hóng mát mà mở đài nghe chương trình "Tiếng thơ" trên Đài TNVN, thấy buồn man mát, lâng lâng giữa thực và hư, nhiều khi thiếp đi lúc nào không hay. Trăng còn là kỷ niệm những năm sinh viên, trong những lần đi thực tập giáo trình ở Đồng bằng Sông Cửu Long, giữa đồng lúa bao la của miền Tây, thấy trời và đất mênh mông làm sao! Ánh trăng quyện với sóng lúa cùng với "bản hòa tấu muôn thuở của đồng quê" là hình ảnh thật khó quên. Rồi cũng thời sinh viên, đi lao động ở lâm trường Mã Đà - Đồng Nai, giữa đêm rừng thanh vắng, nhìn ánh trăng quyện trong tán lá gỗ Tếch, nghe tiếng con mang tác, thấy trong lòng lâng lâng khó tả. Còn nhớ những năm 85-86 của thế kỷ trước, khi tham gia đội văn nghệ của Công ty Dâu tằm QN-ĐN đi biểu diễn phục vụ bà con trồng dâu nuôi tằm vùng Gò Nổi - Điện Bàn, Duy Xuyên, Quế Sơn..., những đêm thuyền chạy trên dòng Thu Bồn, nhìn ánh trăng lấp lánh trên sông, có cảm tưởng như "trăng rơi" trên sông một nỗi buồn cô độc, đẹp mà bí ẩn, xa xôi.

Bao năm nay sống ở phố, quen với ánh điện, vầng trăng đi qua khoảng sân thượng làm mình có cảm giác như "người dưng qua đường". Thỉnh thoảng, rất ít thôi, những hôm cúp điện, lên sân thượng ngắm trăng hoặc  khi đã về khuya, nhìn ra khung cửa, đột ngột thấy vầng trăng tròn ghé vội, trong khoảnh khắc "tối om" ấy, vầng trăng xuất hiện thật bất ngờ khiến lòng người bàng hoàng trước vẻ đẹp kỳ diệu của nó. Phải chăng, khi vắng "ánh sáng của văn minh", sự xuất hiện đột ngột của vầng trăng đã khiến con người bừng tỉnh, nghẹn ngào rưng rưng một nỗi niềm với trăng.

Trăng càng đẹp hơn, nên thơ hơn khi vằng vặc nơi đồng quê, núi rừng, sông nước... và một khoảnh khắc bất chợt nào đó nơi phố thị. Với người viết, "trăng quê" lúc nào cũng đẹp, nên thơ hơn "trăng phố". Trong cái xô bồ, thô ráp của phố thị, cần lắm thay những khoảnh khắc mượt mà, dịu dàng của ánh trăng.

Dân Hùng