Trắng tay vì sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản kém chất lượng (2)

Thứ tư, 24/08/2016 09:44

Kỳ cuối: Loạn sản phẩm cải tạo môi trường bị “rút ruột”

(Cadn.com.vn) - Trước phản ánh của người dân về tình trạng sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản (NTTS) kém chất lượng, Chi cục Thủy sản (CCTS) tỉnh TT-Huế phối hợp với lực lượng Cảnh sát phòng chống tội phạm Môi trường CA tỉnh TT - Huế đã tiến hành điều tra, phát hiện nhiều cơ sở kinh doanh, buôn bán hàng ngàn sản phẩm cải tạo ao hồ nuôi trồng thủy sản kém chất lượng, hàng cấm, hàng giả.

Cán bộ thủy sản đang kiểm tra những hồ nuôi đột ngột có tôm, cá chết. 

Tiền mất tật mang

CCTS tỉnh TT-Huế kết hợp với Phòng Cảnh sát Môi trường CA tỉnh vừa tiến hành nhiều đợt thanh tra đột xuất, đấu tranh phòng chống việc sản xuất kinh doanh trái phép sản phẩm xử lý, cải tạo môi trường và thức ăn trong nuôi trồng thủy sản. Qua kiểm tra một số cơ sở kinh doanh các sản phẩm xử lý, cải tạo ao hồ nuôi trồng thủy sản, chi cục phát hiện 3 cơ sở vi phạm, bán hàng cấm, hàng giả. Trong đó, cơ sở ông Lương Chí Sĩ ở TT Lăng Cô (H.Phú Lộc) bán hàng cấm gồm 21 loại sản phẩm xử lý, cải tạo môi trường trong nuôi trồng thủy sản. Ngoài ra, cơ sở Hoàng Văn Tưởng và cơ sở Đảnh Vân ở xã Phong Hải (H.Phong Điền) cũng vi phạm hàng loạt sản phẩm. Xét thấy tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi vi phạm rất nghiêm trọng nên CCTS tỉnh đã ban hành các quyết định tạm giữ tang vật, các lô hàng hóa, vật phẩm trên, đồng thời, chuyển hồ sơ vi phạm lên UBND tỉnh xử lý.

Ông Nguyễn Quang Vinh Bình - Chi cục trưởng CCTS tỉnh TT-Huế cho biết, qua thanh tra, có 32 sản phẩm vi phạm, trong đó có đến 29 chất xử lý, cải tạo môi trường của 10 Cty như: BKC 80 của Cty cổ phần Thương mại Hiếu Lộc (TPHCM); Yucca 555, Clean 009, Ocean Die 99 của Cty TNHH Sản xuất & Thương mại Nam Thành Đô (TPHCM); Star White của Cty TNHH Thương mại sản xuất và thủy sản Bảo Nguyên; Vitamin C, VN-SODA của Cty TNHH Vinavet ở TPHCM... Ngoài ra, có 3 sản phẩm bổ sung thức ăn NTTS cũng vi phạm. “Dù buôn bán các sản phẩm xử lý, cải tạo ao hồ NTTS thời gian khá lâu, nhưng tôi không biết đó là những sản phẩm cấm sử dụng. Thấy nhãn mác bên ngoài rất đẹp, ghi rõ tên sản phẩm, nơi xản xuất. Ngoài ra những nhân viên tiếp thị đến đại lý giới thiệu rất rõ ràng nên tôi mua để bán lại cho người nuôi trồng. Nhưng không ngờ khi cơ quan chức năng phát hiện, tôi mới biết đó là các sản phẩm cấm, sản phẩm giả. Qua lần này, tôi sẽ rút kinh nghiệm và khi mua các sản phẩm phải tìm hiểu đến nơi đến chốn, không nhập hàng bừa bãi như thời gian qua”- một đại lý bán sản phẩm cải tạo NTTTS cho hay.

Theo ông Nguyễn Quang Vinh Bình, việc sử dụng hàng cấm, hàng giả các sản phẩm xử lý, cải tạo môi trường dùng trong NTTS khiến người tiêu dùng sẽ rơi vào tình trạng “tiền mất, tật mang” vì đã không giúp gì cho đối tượng nuôi, mà còn có nguy cơ gây hại cho con người, vật nuôi và môi trường lâu dài.

Nhiều chất chính trong một số sản phẩm Vitamin qua kiểm định, phát hiện đã bị “rút ruột”.

Người nuôi trồng phải thận trọng

Ông Nguyễn Văn Thú, gần 30 năm theo nghề NTTS ở H.Phú Lộc cho biết: “Bất kể hộ nuôi trồng nào, trước khi thả giống, cũng tốn từ vài triệu đến hàng chục triệu đồng để mua các sản phẩm cải tạo, xử lý môi trường với mục đích để cho tôm, cua, cá khi nuôi sẽ hạn chế tối đa dịch bệnh và sinh trưởng, phát triển tốt. Với hy vọng, quá trình nuôi được thuận lợi, người nuôi trồng thường tìm mua các sản phẩm đắt tiền để được yên tâm. Thế nhưng, mới đây, khi nghe cơ quan chức năng thông báo, một số sản phẩm lâu nay người NTTS TT-Huế sử dụng lại bị “rút ruột” chất lượng khiến chúng tôi rất bức xúc vì mình đã bị lừa. Chúng tôi rất mong muốn, cơ quan chức năng xử lý mạnh tay với những ai vi phạm”.

Tại xã Vinh Hưng, địa bàn có số hộ nuôi tôm nhiều nhất, nhì của tỉnh; khi  chúng tôi hỏi về các sản phẩm xử lý, cải tạo môi trường vừa được cơ quan chức năng “vạch mặt” vì hàng cấm không được phép lưu hành thì nhiều hộ NTTS vẫn tỏ ra ngơ ngác. “Thấy sản phẩm bên ngoài ghi rõ ràng, có chức năng, công dụng, có nhãn mác, nơi sản xuất... thì bà con cứ nghĩ là đúng nên yên tâm mua về dùng. Mình là dân, làm răng biết cái nào cấm, cái nào không” - ông Nguyễn Ơ nói. Theo nhiều người NTTS, sản phẩm xử lý, cải tạo ao hồ thường xuyên được người dân sử dụng là nhằm mục đích cải tạo ao nuôi, làm sạch nước hồ hay tăng chất lượng cho đối tượng nuôi.

“Qua kiểm định của cơ quan chuyên môn đối với một số sản phẩm đắt tiền như: Vitamin B1, E, C mặc dù có hàm lượng cao trên bao bì nhưng kết quả phân tích thì không hề có. Hành vi vi phạm chính của các Cty, thứ nhất là sản xuất kinh doanh các sản phẩm xử lý cải tạo môi trường và thức ăn không có trong danh mục của Bộ NN&PTNT. Vi phạm thứ hai, đó là họ đã rút ruột những chất chính trong sản phẩm, có những chất chính trong một số sản phẩm chỉ có 0%. Đây được xem là hành vi gian lận thương mại” - Chi cục Trưởng CCTS tỉnh TT-Huế khẳng định.

Theo CCTS tỉnh TT-Huế, khi mua sản phẩm để phát hiện thật hay giả, người NTTS nên yêu cầu đại lý cung cấp giấy phép lưu hành sản phẩm đó trên thị trường Việt Nam. Nếu có nghi ngờ sản phẩm nào đó, có thể tra cứu trên trang web: www. csdlthucan. tongcucthuysan.gov.vn. Chỉ cần đánh đúng tên của sản phẩm tại mục tìm kiếm, nếu sản phẩm được phép lưu hành, sẽ hiện ra đầy đủ chi tiết về sản phẩm hợp pháp, nếu không có thì thuộc hàng cấm.  Hiện, được phép của UBND tỉnh TT-Huế, CCTS tỉnh TT-Huế đang lưu giữ tiêu bản 32 sản phẩm vi phạm với số lượng khoảng 10 ngàn bao, chai, lọ để phục vụ cho công tác đấu tranh phòng chống vi phạm và tuyên truyền cho nhân dân không sử dụng các sản phẩm kém chất lượng, không có tên trong danh mục được phép lưu hành của Bộ NN & PTNT.

Hải Lan