Triển lãm "Rồng-Phượng trên bảo vật triều Nguyễn"
Hôm nay (7-9), Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế phối hợp với Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam trưng bày tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế khoảng 80 bảo vật quí hiếm với chuyên đề "Rồng - Phượng trên bảo vật triều Nguyễn".
Mũ Bình Thiên vua đội lúc làm lễ Thường triều (Hiện vật gốc của Bảo tàng quốc gia Việt Nam). |
Nhân dịp kỷ niệm 25 năm Quần thể Di tích Cố đô Huế được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới và 15 năm Nhã nhạc cung đình Huế được công nhận là Di sản Văn hóa Phi vật thể đại diện của Nhân loại; Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế phối hợp với Bảo tàng Lịch sử Quốc gia tổ chức khai mạc triển lãm "Rồng - Phượng trên bảo vật triều Nguyễn" tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế. Đồ án Rồng - Phượng trên bảo vật triều Nguyễn được các nghệ nhân xưa chạm khắc tinh xảo trên nhiều chất liệu quí hiếm như: vàng, bạc, ngọc, đá quí..., đa dạng và phong phú về các đề tài trang trí như phi long (rồng bay), hồi long hướng nhật (rồng quay đầu về phía mặt trời), lưỡng long triều nhật (hai con rồng chầu mặt trời), tam phụng (ba con chim phượng)... Qua những cổ vật này giúp cho bạn đọc nhiều kiến thức bổ ích về văn hóa, lịch sử, những tinh hoa trong kho tàng di sản mà nhà Nguyễn để lại.
Mũ miện vua đội lúc tế Giao (Hiện vật gốc của Bảo tàng quốc gia Việt Nam). |
Tất cả các cổ vật nên trên đều được làm bằng kim loại quý, như ngọc, vàng, bạc thời Nguyễn phản ánh trình độ kỹ thuật tinh xảo, tuyệt mỹ trong số các ngành nghề thủ công truyền thống Việt Nam mà còn thể hiện giá trị độc đáo và hiếm quý, gắn với lịch sử vương triều Nguyễn trong lịch sử Việt Nam. Triển lãm là dịp hiếm hoi công chúng được tận mắt thưởng lãm những cổ vật được cất giữ, bảo quản vô cùng nghiêm ngặt này trong nhiều năm qua.
Rồng và phượng là hai linh vật trong tứ linh (long, lân, qui, phụng). Rồng là biểu tượng của sự sinh sôi mạnh mẽ, của phương Đông và của mùa xuân. Dưới thời quân chủ, rồng được suy tôn là biểu tượng của vương quyền, gắn liền với hình ảnh ông vua, là đỉnh cao của khái niệm quyền uy. Chim phượng được tôn vinh là vua của các loài lông vũ, là biểu tượng của mặt trời, của phương Nam và của mùa hạ. Trong mối liên quan về giới tính rồng biểu thị cho yếu tố dương, phượng biểu thị cho yếu tố âm. Vì thế, chim phượng cũng là biểu tượng của hoàng hậu.
Tượng rồng bằng vàng, vua Thiệu Trị cho chế tác năm 1842 (Hiện vật gốc của Bảo tàng quốc gia Việt Nam). |
Đồ án rồng phượng được trang trí cho bậc đế vương, hoàng hậu với kiểu thức đa dạng, những quy định rất nghiêm ngặt về số lượng, chất liệu và quy cách thể hiện. Chẳng hạn, mũ vua đội trong lễ Thường triều được thiết kế 9 con rồng vàng hoặc đồ tứ bảo văn phòng của vua được trang trí rồng, các đồ vật dụng của hoàng đế, hoàng hậu được trang trí rồng 5 móng, phượng.
Triển lãm "Rồng - Phượng trên bảo vật triều Nguyễn" trưng bày hơn 80 hiện vật được chia thành 4 nhóm:
- Hiện vật biểu trưng quyền lực, gồm: kim ấn, ngọc tỉ, bảo kiếm, kim sách, thẻ bài, mũ miện, hốt ngọc...
- Đồ thờ tự và nghi lễ: đài thờ, đỉnh trầm, quả bồng, lục bình, chân đèn...
- Văn phòng tứ bảo: nghiên mực, quản bút, thủy trì, hộp son, gác bút, chặn giấy...
- Đồ sinh hoạt: bát, đĩa, muôi, thìa, đồ ăn trầu, đồ uống trà, đồ uống rượu, quả hộp, quán tẩy, lồng ấp...
Tất cả đều được chế tác bằng chất liệu quý.
Ấn Tự Đức thần hàn bằng vàng, vua Tự Đức cho đúc năm 1848 (Hiện vật gốc của Bảo tàng quốc gia Việt Nam). |
Du khách và những người Huế có dịp thưởng ngoạn những di sản quý báu của tiền nhân, để họ thấy rằng quá khứ vàng son của Huế vẫn đang còn, vẫn tỏa sáng muôn đời cho dù vật đổi sao dời, trời đất đổi thay. Qua đó, giúp chúng ta hiểu thêm về một triều đại đã qua; về đời sống cung đình triều Nguyễn, đồng thời, còn khơi gợi niềm tự hào về sự khéo léo, tài hoa của các bậc nghệ nhân.
NHẬT HUY