Trung Quốc không thể với tới Trung Đông

Thứ sáu, 30/08/2013 11:27

(Cadn.com.vn) - Cuộc xung đột tại Syria ngày một xấu đi khiến Trung Quốc ngày càng khó chịu. Trong khi truyền thông nước này liên tục chỉ trích và cảnh báo phương Tây không nên phát động các cuộc tấn công nhằm vào Syria như một cái cớ để “hạ bệ” chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad, giới chức Bắc Kinh chưa có phản ứng chính thức nào. Người ta cho rằng, Bắc Kinh không thể làm gì nhiều để ảnh hưởng đến sự việc, ngay cả khi họ muốn. Với lực lượng quân sự không mạnh, nếu không muốn nói là yếu kém và chưa qua thử thách, Trung Quốc không thể thể hiện sức mạnh ở Trung Đông, khu vực vốn rất quan trọng đối với an ninh năng lượng của Bắc Kinh.

Trung Đông- nguồn dầu quan trọng

Khi Mỹ và các đồng minh chuẩn bị sẵn sàng cho một cuộc tấn công quân sự với Syria, động thái làm tăng lo ngại về một cuộc xung đột lớn trong khu vực, Trung Quốc chỉ có thể ngồi trên băng ghế dự bị, mặc dù Bắc Kinh chịu nhiều mối đe dọa hơn các cường quốc khác.

Trung Đông là nguồn cung cấp dầu thô lớn nhất cho Trung Quốc. Nếu nguồn dầu này gặp vấn đề, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ gặp khó. Trong 7 tháng đầu năm nay, Trung Quốc nhập khẩu khoảng 91 triệu tấn dầu thô từ Trung Đông, một nửa trong số này là từ các nhà cung cấp hàng đầu gồm Saudi Arabia , Iran, Iraq, Oman và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE). Bắc Kinh không có nhiều lợi ích kinh tế tại Syria, nhưng cần có một chiến lược và ngoại giao để đảm bảo sự ổn định ở Trung Đông nhằm bảo vệ nguồn cung cấp năng lượng quan trọng cho đất nước.

Tướng về hưu Luo Yuan, nhân vật quân sự quyền lực tại Trung Quốc, cho rằng, nếu nguồn dầu bị đe dọa, Bắc Kinh không thể khoanh tay đứng nhìn những gì đang xảy ra tại Syria và Iran. Bắc Kinh khẳng định không ủng hộ cũng không bảo vệ Tổng thống Syria Bashar al-Assad, mà chỉ phủ quyết nghị quyết của LHQ khi cho rằng nó sẽ làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng tại Syria.

Quân đội Trung Quốc chưa đủ khả năng để đặt chân đến Trung Đông – nơi đang là tâm điểm thế giới với cuộc nội chiến Syria.

Chưa thể là một siêu cường

Ngay cả khi chính phủ đi ngược lại nguyên tắc không can thiệp vào công việc của các nước khác, Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) vẫn còn xa mới có khả năng hiện diện tại những vùng đất xa nhà. “Vào lúc này, Trung Quốc không có đủ lực để làm điều đó”, ông Ross Babbage, một nhà phân tích quân sự và một cựu quan chức quốc phòng cấp cao của Australia, nhận định.

Mặc dù quân đội nước này có những tiến bộ nhanh chóng trong công nghệ máy bay chiến đấu tàng hình và tung ra tàu sân bay đầu tiên, phần lớn đều chưa được thử thách qua các cuộc chiến. Tàu Trung Quốc tham gia tuần tra chống cướp biển ngoài khơi bờ biển Somalia, nhưng khi đến sơ tán công dân khỏi Libya vào năm 2011, Trung Quốc phải thuê phà. Theo ông Babbage, để tiến hành các loại hoạt động tại Địa Trung Hải, Bắc Kinh ít nhất phải mất 10 năm nữa. Chủ tịch Tập Cận Bình hồi tháng trước cho biết, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu hiện nay là trở thành một cường quốc hàng hải vì “biển và đại dương là chiến lược ngày càng quan trọng”.

Đã xuất hiện vài dấu hiệu cho thấy Trung Quốc mong muốn tiến một chân đến Trung Đông, có thể về mặt quân sự hay ngoại giao. Tuy nhiên, quốc gia đông dân nhất thế giới có rất ít kinh nghiệm tại khu vực như các thành viên có quyền phủ quyết khác tại HĐBA LHQ là Mỹ, Nga, Anh và Pháp. Trung Đông ổn định, Trung Quốc sẽ có lợi, song Bắc Kinh lại không có khả năng duy trì ổn định ở đó. Họ không có cách nào khác là phải đa dạng hóa nguồn nhập khẩu dầu, có thể là từ Nga và các khu vực khác trên thế giới.

Đối với Trung Quốc, Trung Đông vẫn là một khu vực bí ẩn.

                     An Bình

(Theo Reuters)