Trung Quốc - “nhân tố mới” ở Trung Đông?

Thứ ba, 30/06/2015 09:12

(Cadn.com.vn) - Sự hiện diện ngày càng tăng của Trung Quốc ở Trung Đông có thể đưa Bắc Kinh trở thành “nhân tố mới” tại khu vực trong bối cảnh Mỹ đang ở thế tiến thoái lưỡng nan như hiện nay.

Tháng 6-2015, tại Hội nghị Thượng đỉnh G7 tổ chức tại Đức, Tổng thống Mỹ Barack Obama thừa nhận, Nhà Trắng không có “chiến lược toàn diện” để giải quyết các vấn đề nóng đang diễn ra tại Trung Đông.

Mặc dù bài phát biểu của ông Obama rất ngắn song người ta cũng có thể hiểu được tình hình phức tạp cũng như khó khăn mà Washington đối mặt và cho rằng bất cứ chiến lược nào của Mỹ trong tương lai nếu không đi đúng sẽ khiến “vết thương Trung Đông” ngày thêm nặng. Vì vậy, để giúp Iraq lập lại trật tự, đuổi IS ra khỏi vùng đất chiếm đóng, và các vấn đề tương tự ở Syria, Yemen và nhiều nơi khác trong khu vực, Nhà Trắng không có sự lựa chọn nào khác là phải có chiến lược dài hơi.

Trong chiến lược mới, giới phân tích cho rằng, Mỹ nên hợp tác với Trung Quốc, bởi Bắc Kinh đang muốn trở thành cường quốc thực thi quyền lợi, nghĩa vụ lẫn trách nhiệm đối với cộng đồng quốc tế và Trung Đông.

Trung Đông có sự sai lầm của người Mỹ?

Vấn đề bức xúc nhất ở Trung Đông hiện nay chính là xung đột Israel-Arab, bởi từ lâu Mỹ được xem là hậu thuẫn cho Tel Aviv.

Theo quan điểm của thế giới Arab, Mỹ gieo cảm xúc bất bình và phản bội tín đồ Hồi giáo khi đứng hẳn về bên mà họ không hề quan tâm đến lịch sử. Tuy nhiên, Washington lại không thể cắt đứt quan hệ với Trung Đông, mà buộc phải duy trì sự có mặt tại khu vực này với 3 lý do: Một, giúp tái thiết Iraq sau cuộc tàn phá trong cuộc chiến do Mỹ tạo ra năm 2003. Hai là do vấn đề hạt nhân Iran. Và cuối cùng, Mỹ là đồng minh với Israel thì một khi xung đột giữa Israel và thế giới Arab chưa kết thúc, người Mỹ chưa thể đi được.

Quân đội Trung Quốc làm nhiệm vụ giữ gìn hòa bình tại Trung Đông.

Xung đột Trung Đông kéo dài có yếu tố kinh tế?

Với quan điểm phong kiến lâu đời, người Trung Quốc cho rằng, xung đột Trung Đông không có phương thuốc nào chữa được. Đặc biệt, mối hận thù gia tộc truyền kiếp này lại bắt nguồn từ tiền bạc, nếu không giải quyết đúng “quy trình” sẽ khiến tình hình trở nên phức tạp. Vì vậy, theo giới phân tích, nếu điều kiện kinh tế được cải thiện, căng thẳng sẽ giảm theo.

Trong cuộc chiến tìm kiếm ảnh hưởng ở Trung Đông, tham vọng của Trung Quốc còn lớn hơn nhiều. Thông qua chính sách khuyến khích đầu tư khu vực, Bắc Kinh xây dựng mối quan hệ với cả Israel lẫn các nước láng giềng Arab và Hồi giáo. Đây là những mối quan hệ mang tính đòn bẩy, tạo hòa bình trong khu vực.

Trong các quốc gia Arab, các Cty Trung Quốc đầu tư mạnh vào cơ sở hạ tầng, tham gia vào việc bán vũ khí, khởi xướng các hoạt động khai thác tài nguyên phong phú. Mong muốn của Bắc Kinh là đóng vai trò lớn hơn trên thế giới và đặc biệt là ở Trung Đông, với mục tiêu nhắm vào tài nguyên dầu mỏ và khoáng sản của khu vực (Năm 2014, Trung Quốc nhập khẩu khoảng 6,2 triệu thùng dầu mỗi ngày, 3,1 triệu thùng trong số này là từ Trung Đông).

Dầu mỏ không phải là yếu tố duy nhất để củng cố các mối quan hệ Trung Quốc-Arab, Bắc Kinh còn tăng cường các mối quan hệ thương mại khác với khu vực.

Trung Quốc, sự lựa chọn lý tưởng?

Phải nói ngay rằng, khi tham dự ở Trung Đông, Bắc Kinh được hưởng rất nhiều ưu ái so với Mỹ, thậm chí cả một số cường quốc khác như Anh, Pháp, Đức và Nga.

Sở dĩ có được lợi thế này là do Trung Quốc thiếu hành trang tôn giáo, thuộc địa, và lịch sử mà các quốc gia khác có nhiều kinh nghiệm. Bằng cách không can thiệp vào việc tranh chấp giữa người Arab và Israel, Trung Quốc chứng minh, họ không đứng về phe nào cả. Bắc Kinh cũng tránh được những vũng lầy thiên vị giữa các phe phái Hồi giáo.

Ngoài ra còn phải kể đến các thế mạnh khác như địa lý và nhân khẩu học, Trung Đông không liên quan gì đến Trung Quốc. Tăng cường đầu tư ở Trung Đông, Bắc Kinh không nhất thiết phải đảm bảo thành công về ngoại giao trong tương lai. Các nước thành viên của Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) cũng hoan nghênh sự tham gia kinh tế của Trung Quốc như là một cách để ổn định khu vực.

Sự tham gia tích cực ở Trung Đông đồng nghĩa Trung Quốc buộc phải có những lựa chọn khó khăn. Trong khi Washington vẫn phải tham dự ở Trung Đông giải quyết các cam kết an ninh, Bắc Kinh lại có điều kiện chứng tỏ vai trò nước lớn tại khu vực và quan trọng hơn là để làm kinh tế. Một số nhà bình luận Mỹ cho rằng, nếu Trung Quốc từ chối vai trò tại Trung Đông, nền kinh tế số 2 thế giới không thể trở thành cường quốc như họ tự nhận.

Kim Hùng
(Theo Diplomat)