Yemen và chủ nghĩa giáo phái Trung Đông
(Cadn.com.vn) - Giới phân tích cho rằng, cuộc xung đột đẫm máu ở Yemen đang từng bước đào sâu chủ nghĩa giáo phái ở khu vực Trung Đông vốn chưa bao giờ yên ắng.
Saudi Arabia vẫn luôn khẳng định không muốn chiến tranh với Iran, bất chấp chiến dịch không kích kéo dài hơn 3 tuần qua của Riyadh nhằm chống lại phiến quân Houthi do Tehran hậu thuẫn ở Yemen đang khiến quốc gia Hồi giáo nóng mặt.
Và thực tế cho thấy, các chính phủ ở Trung Đông đang ngày càng chứng minh: xung đột là một phần của trận chiến rộng lớn cho các giáo phái trên khắp khu vực.
Khói bốc lên sau những cuộc không kích của Saudi Arabia và liên quân Arab ở Yemen. Ảnh: AP |
Sự kình địch Saudi-Iran
Sự kình địch giữa người Sunni ở Saudi Arabia và người Shiite ở Iran đang lộ rõ trên chiến trường ở Yemen và Syria, và trong hệ thống chính trị rối ren ở Iraq và Lebanon.
Iran và các đồng minh luôn nói tất cả các đối thủ của họ là những kẻ khủng bố và cực đoan, trong khi các giáo sĩ Saudi Arabia cho rằng, Tehran là mối đe dọa trong khu vực Persian. Sự kình địch giữa Riyadh và Tehran không quá điên cuồng như thời thế kỷ thứ VII, nhưng mọi việc đang đi vào ngõ cụt. Bế tắc bắt đầu tồi tệ sau khi liên quân do Mỹ đứng đầu mở cuộc chiến ở Iraq năm 2003, lật đổ chính quyền do phe Sunni lãnh đạo vốn từ lâu được xem như là một vũ khí chống lại những nỗ lực gia tăng ảnh hưởng của Iran. Nhưng ngay cả khi cuộc đấu tranh quyền lực ngày nay mang nhiều yếu tố chính trị hơn là tôn giáo, chủ nghĩa giáo phái cực đoan đang dần gia tăng ở Trung Đông.
Chính quyền Riyadh tuyên bố, liên minh 10 nước Arab quyết định không kích chống phiến quân Houthi ở Yemen để khôi phục quyền lực cho Tổng thống được quốc tế công nhận ông Mansour Hadi, người buộc phải chạy trốn đến ẩn náu ở Saudi Arabia. Riyadh và Washington cáo buộc Iran vũ trang cho phe Houthi, nhưng Tehran khẳng định chỉ cung cấp viện trợ và hỗ trợ chính trị. Tất cả đang khiến các bên nghi ngờ lẫn nhau.
Lối thoát nào cho Yemen và cả Trung Đông?
Nhiều quan chức Yemen đã ra lời kêu gọi liên quân Arab mở cuộc chiến trên bộ ở Yemen trong bối cảnh các cuộc không kích vẫn không thể đẩy lùi làn sóng tiến công của phiến quân Houthi. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, giải pháp duy nhất hiện nay cho quốc gia Trung Đông này là “ngồi vào bàn đàm phán hòa bình”.
Hiện, nhiều quốc gia kêu gọi Saudi Arabia tạm ngừng không kích vì lý do nhân đạo. Hôm 17-4, Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon kêu gọi các bên tại Yemen ngừng bắn ngay lập tức. “Tôi kêu gọi tất cả các bên ngừng bắn ngay lập tức. Saudi Arabia đảm bảo với tôi rằng, họ hiểu cần phải có tiến trình chính trị để giải quyết khủng hoảng và tôi kêu gọi tất cả người dân Yemen tham gia vào tiến trình này”, Tổng thư ký LHQ khẳng định.
Đây là lần đầu tiên, nhà lãnh đạo quyền lực nhất thế giới đưa ra lời kêu gọi này kể từ khi Riyadh phát động chiến dịch không kích chống lại phiến quân Hồi giáo Houthi hôm 9-4. Trước đó, HĐBA LHQ cũng áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với phiến quân Houthi cũng như con trai của cựu Tổng thống Yemen Ali Abdullah Saleh, động thái được đánh giá là “chiến thắng đối với người dân Yemen” và là “sự hỗ trợ đối với chiến dịch quân sự”.
Tuy nhiên, trên thực tế, tình hình ở Yemen hiện như trong chảo lửa khi dòng người đổ xô tị nạn khắp nơi trong bối cảnh giao tranh khiến hàng trăm người chết, hàng ngàn người bị thương. Yemen đang có nguy cơ rơi vào tình trạng thiếu lương thực và khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng. Ngày 17-4, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố đã chuyển các loại thuốc men thiết yếu và các thiết bị phẫu thuật y tế đến Yemen, trong đó gồm hơn 17 tấn thuốc và các dụng cụ phẫu thuật y tế, mang lại lợi ích cho 41.100 người.
Khả Anh