TƯ VẤN PHÁP LUẬT

Trường hợp nào không được quyền hưởng di sản thừa kế theo pháp luật?

Thứ hai, 27/11/2023 15:20
*Bạn đọc hỏi: anh Trương Văn Công ở Gia Lai hỏi: Nhà tôi có 3 anh em trai. Trước đây, anh tôi có mâu thuẫn với cha tôi và do có men rượu nên đã lỡ tay làm cho cha  bị thương tích 25%. Vì hành động đó mà anh trai tôi bị kết án 3 năm tù. Năm 2022, do bị bệnh nặng nên anh trai tôi qua đời. Cùng năm đó, cha tôi cũng bị bệnh nặng mà qua đời đột ngột, không để lại di chúc. Anh trai tôi có vợ và 2 người con. Cho tôi hỏi 2 người con của anh trai tôi có quyền hưởng di sản thừa kế của ông nội (cha tôi) theo quy định pháp luật không? Tôi và em trai không có ý kiến gì về việc này nhưng trong gia đình có thành viên phản đối cho các cháu hưởng thừa kế của ông nội nên chúng tôi cần được biết rõ quy định của pháp luật để giải quyết êm thấm trong gia đình.
Luật sư Phan Thụy Khanh
Luật sư Phan Thụy Khanh

*Luật sư Phan Thụy Khanh, Phó trưởng Văn phòng luật sư Phong & Partners – Trưởng chi nhánh Sơn Trà, trả lời:

1. Hai cháu của anh Công có được quyền hưởng di sản thừa kế không?

Thừa kế là một vấn đề vừa mang yếu tố pháp lý vừa là câu chuyện gia đình khá phức tạp. Di sản của người mất để lại có khi là nguồn lợi giúp cho người còn sống có cơ hội phát triển kinh tế nhưng đôi khi cũng chính là nguồn cơn gây nên sóng gió gia đình. Làm thế nào để giải quyết ổn thỏa vấn đề thừa kế luôn là quan tâm của nhiều gia đình. Trường hợp của gia đình anh Công, anh đang muốn hỏi đến quyền thừa kế thế vị của các cháu nội đối với di sản của ông nội. Bộ luật Dân sự 2015 quy định như sau:

“Điều 652. Thừa kế thế vị

Trường hợp con của người để lại di sản chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì cháu được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống; nếu cháu cũng chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì chắt được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của chắt được hưởng nếu còn sống”.

Theo quy định trên, anh Công chết trước cha mình nên con của anh Công sẽ được nhận phần di sản mà lẽ ra anh Công sẽ được hưởng nếu còn sống. Tuy nhiên, do anh Công đã có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe của người cha nên thuộc một trong những trường hợp không được hưởng quyền thừa kế như quy định tại Khoản 1 Điều 621 Bộ luật Dân sự 2015:

“Điều 621. Người không được quyền hưởng di sản

1. Những người sau đây không được quyền hưởng di sản:

a) Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe hoặc về hành vi ngược đãi nghiêm trọng, hành hạ người để lại di sản, xâm phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của người đó;”.

Đồng thời, theo Công văn 64/TANDTC-PC về việc thông báo kết quả giải đáp trực tuyến một số vướng mắc về hình sự, dân sự và tố tụng hành chính ngày 3/4/2019 của Tòa án nhân dân Tối cao hướng dẫn về trường hợp thừa kế thế vị đối với con của người bị truất quyền thừa kế, thì không phải cứ mặc nhiên con chết trước người để lại di sản thì cháu được hưởng di sản, mà cháu chỉ được hưởng phần di sản của cha hoặc mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống. Một người đã không được quyền hưởng di sản theo quy định tại khoản 1 Điều 621 của Bộ luật Dân sự thì cho dù họ còn sống tại thời điểm người cha chết, họ cũng không được hưởng di sản thừa kế nên sẽ không có “phần được hưởng nếu còn sống” để cho người khác hưởng thế vị. Do đó, về mặt pháp luật, hai cháu của anh Công sẽ không được hưởng thừa kế thế vị đối với di sản của ông nội.

2. Trường hợp nào mất quyền hưởng di sản thừa kế?

Khoản 1 Điều 621 Bộ luật Dân sự quy định cụ thể các trường hợp không được quyền hưởng di sản thừa kế như sau.

“Điều 621. Người không được quyền hưởng di sản

1. Những người sau đây không được quyền hưởng di sản:

a) Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe hoặc về hành vi ngược đãi nghiêm trọng, hành hạ người để lại di sản, xâm phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của người đó;

b) Người vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ nuôi dưỡng người để lại di sản;

c) Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng người thừa kế khác nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ phần di sản mà người thừa kế đó có quyền hưởng;

d) Người có hành vi lừa dối, cưỡng ép hoặc ngăn cản người để lại di sản trong việc lập di chúc; giả mạo di chúc, sửa chữa di chúc, hủy di chúc, che giấu di chúc nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ di sản trái với ý chí của người để lại di sản.”

Tuy nhiên, nếu người để lại di sản đã biết hành vi của những người thuộc các trường hợp như quy định trên mà vẫn đồng ý cho họ hưởng di sản thừa kế theo di chúc của mình, thì những người này vẫn được hưởng di sản.

Trở lại trường hợp của anh Công, cho dù về mặt pháp luật, hai cháu của anh không được hưởng quyền thừa kế thế vị nhưng trên phương diện tình cảm gia đình, gia đình anh Công nên có sự cân nhắc dành một phần cho các cháu. Việc làm mang tính nhân văn này sẽ giúp các cháu luôn nhớ đạo hiếu với ông cha và giữ gìn sự hòa thuận cho các thế hệ trong gia đình.

Chuyên mục này có sự hợp tác về chuyên môn của Văn phòng Luật sư Phong & Partners. Đường dây nóng hỗ trợ tư vấn: 0236.3822678 - 0905.102425