Tuổi xuân gửi dọc chiến trường...
40 năm trôi qua, cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc trong tâm tưởng của những người chiến sĩ trực tiếp tham gia vẫn còn in đậm. Với họ, thời gian có thể dần xa, nhưng ký ức thì vẫn luôn hiện hữu. Bi tráng, oai hùng, đau thương và nước mắt, tất cả như vừa mới hôm qua...
![]() |
Đại tá Đỗ Như Thuần xúc động khi nhớ về thời gian tham gia chiến đấu bảo vệ biên cương phía Bắc. |
Đọc những dòng thơ trong bài thơ "Vô danh" của Cựu chiến binh (CCB), Đại tá Đỗ Như Thuần, hiện Chánh văn phòng Hội CCB TP Đà Nẵng - người từng trực tiếp cầm súng chiến đấu bảo vệ cương thổ phía Bắc từ 1977 đến 1983, khiến chúng tôi như được sống lại với thời khắc lịch sử ấy. Với ông, tâm thế của người lính khi bước vào cuộc chiến luôn quật cường, hiên ngang. Họ để lại sau lưng tình yêu thương của gia đình, bè bạn, để lại tương lai rạng ngời phía trước để hiến tuổi xuân, đời mình cho Tổ quốc: "Sinh ra phải thời giặc dã/Bút nghiên tạm gác lên đường/Anh đi về miền súng nổ/Một lòng giải phóng quê hương"...
Sinh năm 1957 tại xã Trung Trạch, H. Bố Trạch (Quảng Bình), 18 tuổi (năm 1975), lúc đang học lớp 10 trường làng, chàng trai trẻ Đỗ Như Thuần viết đơn xung phong vào bộ đội. Nhập ngũ vào Tiểu đoàn 47 (Khu đội Vĩnh Linh), sau 1 năm, chuyển sang Sư đoàn 341 (Sư đoàn Sông Lam B)-có nhiệm vụ nối tuyến đường sắt Thống nhất Bắc-Nam đoạn Minh Cầm (Tuyên Hóa, Quảng Bình) đến Tiên An (Quảng Trị) vốn trước đó bị bom Mỹ tàn phá. Tháng 2-1977, trong lúc làm nhiệm vụ, Đỗ Như Thuần cùng đồng đội nhận được lệnh lên đường ra Bắc, thời khắc cuộc chiến bảo vệ biên cương bắt đầu âm ỷ. "Lúc ấy, do gấp gáp nên không ai kịp gửi thư từ gì về nhà, chỉ kịp gói ghém hành lý rồi lên xe. Ra đến Hòa Bình, chúng tôi xuống xe hành quân bộ đến Nghĩa Lộ (Hoàng Liên Sơn). Từ đây bắt đầu cuộc hành trình men theo sườn đèo Pha Đin đến xã Phỏng Lái, huyện Thuận Châu (Sơn La) vào mặt trận", Đại tá Đỗ Như Thuần nhớ lại. Vừa hành quân vừa tác chiến, huấn luyện, đến tháng 2-1978, Đỗ Như Thuần chuyển về Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 881, Sư đoàn 314 Quân khu 2, chiến đấu tại mặt trận Bắc Quang (tỉnh Hà Tuyên cũ, nay là Hà Giang và Tuyên Quang).
Sau thời gian huấn luyện trong rừng, tháng 2-1979, là đơn vị quân chủ lực, Đỗ Như Thuần cùng đồng đội phối hợp với bộ đội địa phương tác chiến tại địa bàn trải dọc biên giới Bắc Quang, Vị Xuyên, Thanh Thủy (Hà Giang). Thời điểm này, Trung Quốc xua khoảng 600 ngàn quân tràn sang 6 tỉnh dọc biên giới, chiến trường ác liệt diễn ra trên khắp các mặt trận. Riêng tại Hà Giang, mặt trận Vị Xuyên lúc bấy giờ được xem là nóng bỏng nhất. Để giữ từng tấc đất, ngọn cỏ, mặc dù phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, gian khổ nhưng Đỗ Như Thuần đã cùng đồng đội phối hợp với bộ đội địa phương, dân quân, du kích chiến đấu quả cảm. Ngoài việc phải đối mặt với đạn pháo, xe tăng của địch trút xuống liên hồi, đơn vị ông còn phải giáp mặt chiến đấu với "lính Sơn Cước" của Trung Quốc-đây là đội quân thiện chiến, được huấn luyện kỹ càng, trang bị đầy đủ phương tiện, kỹ thuật hiện đại, có cả súng phun lửa (kiểu như lính thủy đánh bộ của Mỹ). Vì vậy, không tránh khỏi những hy sinh, mất mát, thậm chí rất lớn... "Chiến thắng nhiều, nhưng mất mát cũng không ít", ông nghẹn ngào, nước mắt không ngừng rơi. Cả cuộc đời binh nghiệp, kinh qua nhiều trận mạc, với nhiều kẻ thù, nhưng với ông, cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc có lẽ là cuộc chiến khốc liệt nhất, bi tráng nhất. "Làng tôi 7 người ra Bắc thì có 3 người hy sinh. Trong đó có người không tìm được thi thể", ông nghẹn ngào. Với ông, khoảng thời gian chiến đấu, bảo vệ biên cương phía Bắc là "một trời kỷ niệm" vui, buồn, đau thương và nước mắt. Nhưng đọng lại trên tất cả, vẫn là ý chí chiến đấu, tinh thần yêu nước quật cường, vô điều kiện của những người lính trẻ. Họ xông pha trận mạc, xem cái chết "nhẹ tựa lông hồng", lớp này ngã xuống lớp sau xông lên..., tất cả đều chung một hướng để chiến đấu với kẻ thù. "Khốc liệt, gian khổ, hy sinh, nhưng chẳng ai nhụt chí", Đại tá Đỗ Như Thuần nhớ lại. Ông kể, do phải liên tục đối mặt với kẻ thù, với đạn pháo, thậm chí khi đồng đội hy sinh, chỉ kịp nói một câu "thôi mày nằm lại, tao tiếp tục cầm súng"! Những người lính bị cuốn theo cuộc chiến đến nỗi không còn thời gian quay lại nhìn mặt đồng đội lần cuối. Đau lắm nhưng đành nuốt nước mắt vào trong vì nhiệm vụ.
Có thể vì là người trong cuộc, thấu hiểu những chiến công, gian khổ, hy sinh và tinh thần chiến đấu, chiến thắng của cả dân tộc, nên trong bài thơ "Nói với con" được Đại tá Đỗ Như Thuần viết sau này, vẫn mang âm hưởng hùng ca, và là lời nhắn gửi, là thông điệp ông gửi đến con mình, rằng "Tổ quốc ta là một", phải luôn biết bảo vệ, giữ gìn: "Ngày ấy cha mười tám tuổi/Đất nước chia làm hai miền/Nhớ lời ông, Tổ quốc ta là một/Cha lên đường xẻ dọc Trường Sơn/Sau thắng Mỹ, cha lại lên ải Bắc/Vượt đèo cao trụ bám ngã ba biên/Hết biên giới lại qua đất bạn/Cả tuổi xuân gửi dọc chiến trường"...
Tuổi xuân của ông và những đồng đội đã "gửi dọc chiến trường". Năm 1977, trước khi lên đường ra Bắc, ông đã là "thành gia thất". Tuy nhiên vì nhiệm vụ, ông để lại người vợ trẻ ở quê nhà, biền biệt 7 năm sau hai người mới có cơ hội gặp lại. Đó là năm 1983, khi từ chiến trường biên giới, ông được cử đi học tại Trường sĩ quan chính trị tại Bắc Ninh. Trước khi ra trường và sang Campuchia chiến đấu, ông được tạo điều kiện gặp lại vợ mình. Thành quả của những ngày sum họp ít ỏi ấy là đứa con trai đầu lòng ra đời mà ông đặt tên là Ninh, nhằm lưu dấu kỷ niệm mảnh đất nơi con được sinh ra...
Gần 40 năm binh nghiệp, trải qua hầu khắp các chiến trường, đến nay, điều Đại tá Đỗ Như Thuần vẫn thường canh cánh trong lòng là những đồng đội của mình vẫn nằm lại đâu đó trên mảnh đất cực Bắc của Tổ quốc. Ông bảo, mình may mắn hơn họ vì còn được sống, chứng kiến đất nước trong cảnh thanh bình, ngày càng phát triển. Thành quả ấy là của chung cả dân tộc, là máu xương của đồng đội. Vì vậy, không chỉ với hai người con trai của mình (cả hai đang theo con đường binh nghiệp-PV), ông mong thế hệ trẻ hôm nay và mai sau phải luôn biết trân trọng, giữ gìn...
DOÃN HÙNG