Ukraine phản công tại Kharkov

Thứ năm, 05/05/2022 10:43
Quân đội Ukraine đã tiến hành phản công lực lượng Nga tại khu vực Kharkov trong khi Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố hệ thống phòng không nước này đã đánh chặn các cuộc tấn công đường không từ Ukraine.
Nhà cửa và xe cộ bị tàn phá bởi bom đạn tại thành phố Kharkov, Ukraine. Ảnh: Al Jazeera
Nhà cửa và xe cộ bị tàn phá bởi bom đạn tại thành phố Kharkov, Ukraine. Ảnh: Al Jazeera

Guardian dẫn nguồn tin từ một quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ và các nguồn khác cho biết, lực lượng vũ trang Ukraine tại khu vực Kharkov đã mở một cuộc phản công lớn nhằm vào các vị trí đóng quân của quân đội Nga. Cuộc phản công này đã giúp phía Ukraine chiếm lại được khu vực Staryi Saltiv và đẩy lực lượng Nga ra cách xa Kharkov khoảng 40km. Giới phân tích nhận định, cuộc phản công vừa rồi của quân đội Ukraine vẫn chưa cắt đứt các tuyến liên lạc mặt đất nối Kharkov với Izyum của Nga. Đây sẽ là bước khởi đầu cho một chiến dịch rộng hơn của Ukraine nhằm đánh bật lực lượng Nga ra khỏi các vị trí xung quanh thành phố Kharkov. Nó sẽ góp phần tạo nên một tình thế tiến thoái lưỡng nan cho quân đội Nga khi họ sẽ phải cân nhắc giữa việc tập trung lực lượng giữ vững khu vực ngoại ô Kharkov hay dàn trải quân nhằm kiểm soát cả các khu vực trung tâm thành phố.

Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Nga ra thông báo về việc các hệ thống phòng không của nước này ngăn chặn nhiều cuộc tấn công bằng tên lửa, rocket và máy bay không người lái từ phía Ukraine. Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga Igor Konashenkov hôm 3-5 cho biết, lực lượng phòng không của Nga đã bắn hạ 1 tên lửa Tochka-U, 9 rocket Smerch cùng 1 máy bay không người lái của Ukraine. "Các hệ thống phòng không của quân đội Nga đã tiêu diệt một máy bay không người lái của Ukraine tại khu vực Rudnya, vùng Chernigov. Tại khu vực Novaya Dmitrovka, một tên lửa đạn đạo Tochka-U đã bị bắn hạ. 9 rocket được bắn từ nhiều bệ phóng Smerch đã bị vô hiệu hóa tại vùng Alexandrovka và Kamenka thuộc khu vực Donetsk cùng các khu vực Semyonovoskoye, Donetskoye, Malaya Kamyshevakha và Chervony Shakhtyor thuộc vùng Kharkov", ông Konashenkov chia sẻ.

Tình hình chiến sự vẫn đang rất khốc liệt nhưng giới tình báo Ukraine dự đoán Nga có thể tìm cách kết thúc chiến dịch quân sự trong vài tháng tới. "Có thông tin trong nội bộ quân đội đối phương rằng, chiến dịch quân sự đặc biệt sẽ kết thúc vào tháng 9-2022", Tổng cục Tình báo Bộ Quốc phòng Ukraine cho biết. Trước đó, các nguồn tin tình báo của Ukraine nhận định, Nga muốn kết thúc chiến dịch quân sự ở Ukraine vào ngày 9-5, dịp kỷ niệm 77 năm ngày chiến thắng phát xít Đức hay còn gọi là Ngày Chiến Thắng. Nhưng khi được hỏi liệu ngày 9-5 có đánh dấu bước ngoặt trong chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine hay không, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov khẳng định: "Hoạt động của các binh sĩ của chúng tôi không căn cứ vào một mốc thời gian cụ thể, bao gồm cả ngày Chiến thắng".

Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan dự đoán cuộc xung đột ở Ukraine có thể sẽ "kéo dài", và sẽ còn diễn ra "trong nhiều tháng hoặc thậm chí lâu hơn". Một số thành viên Quốc hội Mỹ và các phụ tá thậm chí so sánh cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay với chiến tranh Triều Tiên kéo dài 3 năm.

Hiện, các nước phương Tây vẫn đang ồ ạt chuyển vũ khí hỗ trợ cho Ukraine, trong đó Đức mới đây tuyên bố cân nhắc chuyển pháo mạnh bậc nhất thế giới cho Kiev, bất chấp nguy cơ có thể vượt “lằn ranh đỏ” của Nga và thổi bùng căng thẳng giữa phương Tây với Moscow.

Bloomberg ngày 4-5 dẫn nguồn thạo tin cho hay, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Christine Lambrecht đã đề xuất chuyển các hệ thống lựu pháo tự hành PzH 2000 cho nước này. Chính quyền Thủ tướng Đức Olaf Scholz đang cân nhắc đề xuất này và một số đề xuất khác, nhưng chưa đưa ra quyết định cuối cùng. "Nếu được chấp thuận, đây sẽ là một động thái mạnh mẽ của chính quyền Thủ tướng Scholz, đưa Đức trở thành một trong những nước châu Âu viện trợ vũ khí nhiều nhất cho Ukraine", Jacob Kirkegaard, chuyên gia cấp cao tại Quỹ Marshall của Đức ở Brussels, nhận định.

Lập trường của chính phủ Đức đã thay đổi đáng kể từ khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra hồi cuối tháng 2. Ban đầu, Berlin từ chối cung cấp vũ khí hạng nặng cho Kiev do lo ngại nguy cơ xung đột trực tiếp với Moscow. Tuy nhiên, khi cuộc xung đột bước sang một giai đoạn mới và được dự báo ác liệt hơn, Đức đã "bật đèn xanh" bàn giao vũ khí hạng nặng cho Ukraine, trong đó có quyết định chuyển 50 pháo phòng không Gepard hồi tuần trước.

KHẢ ANH